Những thủ đoạn của Vedan
Trong điều kiện bình thường, dung dịch sau lên men từ bồn chứa 15.000 m3 và bể bán âm (6.000 m3 - 7.000 m3 ) của Vedan VN có thể được bơm và xả trực tiếp vào sông Thị Vải, khoảng 2 giờ/ngày, được tiến hành vào ban đêm
Ngày 15-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã ký quyết định bổ sung đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường và ông Dương Minh Khôi, Phó đội trưởng Cục Cảnh sát môi trường, tăng cường cho đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ môi trường trên sông Thị Vải (khu vực Vedan VN xả thải).
Phát hiện nhiều vi phạm
Trước đó, ngày 6-9, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện có hiện tượng xả nước thải màu nâu đỏ tại miệng xả khu vực hồ sinh học của Vedan VN ra rạch nước lớn. Tại cảng Gò Dầu và cảng Vedan, cũng có nước thải màu trắng đục từ miệng cống đôi chảy ra sông Thị Vải.
Ngày 8-9, kiểm tra thực tế tại một vị trí thoát nước thải nhiệt của Vedan VN, đoàn nhận thấy có màu hơi đen trong nước giải nhiệt. Đoàn nhận định: Do mặt bằng sản xuất của Vedan VN có nhiều nhà máy, xưởng sản xuất nên việc kiểm soát nước thải công nghiệp và nước vệ sinh mặt bằng không triệt để, có thể được thải vào hệ thống thoát nước giải nhiệt, không qua xử lý. Tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy sản xuất bột ngọt và sản xuất lysin, khi kiểm tra, hệ thống xả nước thải vẫn hoạt động bình thường. Song, đoàn phát hiện có 2 hệ thống đường ống (100 mm) được thiết kế đấu nối với bơm có áp suất cao từ bể điều hòa đầu tiên, xả trực tiếp vào hệ thống thu gom nước thải từ bể chứa bùn ra ngoài mương thoát nước giải nhiệt, không qua xử lý nước thải. Khi vận hành hệ thống xử lý nước thải, bật máy bơm và mở các van khóa hệ thống này, nước chảy ra có màu vàng đục.
KCN Nhơn Trạch 1 cũng xả nước dơ
Ngoài Vedan VN, đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện KCN Nhơn Trạch 1 - Đồng Nai có thiết kế và lắp đặt hệ thống van, đường ống kỹ thuật để dẫn nước thải đã xử lý một phần không qua hồ sinh học, thải ra cống thoát nước. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ. |
Tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến tinh bột và khu vực hồ chứa nước thải đầu tiên của Vedan VN, đoàn cũng phát hiện có 2 hệ thống đường ống (90 mm) được đấu nối với các van áp lực, có thể xả trực tiếp nước thải từ bể điều hòa ra hồ sinh học tự nhiên số 1. Tại hồ xử lý nước thải này, có một đường ống kỹ thuật được nối từ các bể xử lý nước ngầm dưới đất, không đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.
Tiếp đó, ngày 10-9, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện Vedan VN đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của các nhà máy sản xuất lysin, bột ngọt và PGA từ bể chứa bán âm dung tích 6.000 m3 - 7.000 m3 và bồn chứa 15.000 m3 theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên mặt đất) cầu cảng số 2, chảy vào 2 trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải (khoảng 7-8 m) và trên bề mặt cầu cảng có một miệng xả hở bằng thép đường kính 20 cm trực tiếp ra sông Thị Vải. Quá trình kiểm tra và vận hành các hệ thống này, dịch sau lên men được thải trực tiếp ra sông. Thời gian vận hành hệ thống bơm vào khoảng 2 giờ/ngày, vào ban đêm.
Đại diện Vedan VN nói gì?
Trả lời đoàn kiểm tra, cả ông Yeh Sheau Yeh (Diệp), Giám đốc - Văn phòng Tổng Giám đốc Vedan, và ông Tung Yung Sheng, công trình sư của Vedan VN, đều khẳng định hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chỉ có 2 miệng xả. Đoàn đề nghị cho biết các bồn chứa hình tròn được thể hiện trên bản đồ chứa chất gì, hai ông này cho biết đó là mật rỉ đường. Tiếp đó, đoàn kiểm tra 12 bồn chứa mật rỉ đường dung tích 15.000 m3, phát hiện tại bồn thứ 2 bên phải đường xuống cảng có dấu hiệu bên ngoài khác với các bồn khác, bên ngoài phủ rêu xanh, bám bụi. Ông Trần, người phụ trách bộ phận này, cho biết đây là chất sau lên men của nhà máy sản xuất bột ngọt. Đoàn yêu cầu ông Lâm Mậu Phủ, người vận hành, bật cầu dao, rồi đến cạnh bồn bấm nút đỏ để vận hành máy bơm. Sau đó, ông Lâm mở van để dịch lỏng này chảy theo đường ống bơm (công suất theo báo cáo của Vedan VN là 130 m3/giờ, ghi trên máy là 75 HP/máy) chạy về phía cảng. Qua quan sát thực tế, dịch lỏng có màu nâu đỏ, hôi mùi mật chảy ra miệng xả nối thông với 2 trụ bơm được đặt trong một thùng sắt ở cầu cảng số 2, hai trụ bơm cắm sâu xuống nước khoảng 7-8 m với nhiều hệ thống van đóng mở để điều khiển dòng chảy theo ý người vận hành.
Tiếp tục kiểm tra hệ thống đường ống thông với 2 trụ bơm trên, đoàn phát hiện thêm tại khu vực bể chứa dịch thải sau sản xuất của 2 nhà máy lysin và bột ngọt (dung tích báo cáo 6.000 m3- 7.000 m3) có bơm công suất theo báo cáo khoảng 350 m3/giờ, ống hút máy bơm được đặt sâu trong bể, đầu ra chia làm 3 hướng ra 3 đường ống (đường kính 20 cm). Khi mở khóa đường ống ra cửa số 2 đồng thời khóa tất cả van còn lại thì thấy dịch lỏng có màu nâu đỏ hôi mùi mật chảy ra miệng xả.
Trong điều kiện bình thường, dung dịch sau lên men từ bồn chứa 15.000 m3 và bể bán âm (6.000 m3- 7.000 m3) có thể được bơm và xả trực tiếp vào sông Thị Vải.
Sẽ xử lý Vedan VN ở mức cao nhất Ngày 15-9, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NLĐ về việc Vedan VN đã nhiều lần vi phạm quy định bảo vệ môi trường và cho thấy việc phá hoại môi trường của đơn vị này là có hệ thống, tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó. Bộ quyết tâm làm cho ra và xử lý việc này một cách bài bản và chặt chẽ nhất. Quan điểm của bộ là xử lý ở mức cao nhất, nghiêm nhất theo luật định đối với việc vi phạm của Vedan VN”. Đủ căn cứ để xử lý hình sự Vedan VN Theo PGS-TS Phạm Bình Quyền, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cần xử lý nghiêm Công ty Vedan VN để làm gương bởi đây là hành vi phá hoại môi trường. “Theo các quy định pháp luật, đã đủ căn cứ để xử lý vi phạm đối với Vedan VN, kể cả xử lý hình sự và đóng cửa nhà máy khi vi phạm nghiêm trọng. Người đứng đầu doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm. Người dân và chính quyền địa phương có quyền khởi kiện Vedan VN, đòi họ bồi thường thiệt hại do hành vi phá hoại môi trường mà công ty này gây ra” – PGS-TS Quyền khẳng định. Theo PGS-TS Quyền, trường hợp vi phạm của Vedan VN cho thấy rất có thể sự phá hoại môi trường đang diễn ra trên diện rộng và ở nhiều cơ sở sản xuất trên lưu vực sông Thị Vải. Song, việc giám sát, phát hiện là rất khó.
Đã nghe xả nước dơ từ năm 1994 Ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết không ngạc nhiên khi nghe tin Vedan VN bị bắt quả tang xả nước không qua xử lý ra sông Thị Vải. “Từ năm 1994, khi Vedan VN mới hoạt động, tôi đã nghe chuyện này. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thậm chí thuê cả người nhái lặn xuống đáy sông nhưng vẫn không phát hiện được Vedan VN xả nước dơ. Những lần tôi dẫn các đoàn đi khảo sát sông Thị Vải, không hiểu có phải do nước triều lên hay Vedan VN biết trước đã đối phó nên không phát hiện được tình trạng xả nước dơ. Theo quan sát của tôi, nước sông khu vực này đậm màu hơn chỗ khác” - ông Thống cho biết. Cũng theo ông Thống, từ năm 1994 đến nay, năm nào chi cục cũng kiểm tra và thường xuyên lấy mẫu nước thải của Vedan VN để xét nghiệm, nhiều lần phát hiện nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên dưới 3 lần. “Tuy nhiên, đây chỉ là ô nhiễm hữu cơ do hệ thống xử lý chưa tốt, không phải là xả nước dơ thẳng ra sông. Chúng tôi đã xử phạt đơn vị này 4 lần, với tổng số tiền 23 triệu đồng. Hành vi vi phạm của Vedan VN trong những lần đó không nghiêm trọng. Sau mỗi lần vi phạm bị xử phạt, họ rất có thiện chí trong việc khắc phục. Tuy nhiên, lần này có thể xử lý hình sự nếu Vedan VN có hành vi làm cả một hệ thống xả chất thải lén. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận của đoàn kiểm tra nên vẫn chưa xác định được họ xả nước lén từ khi nào, khối lượng bao nhiêu” – ông Thống nói. T.Dũng – T.Thanh |