Quỹ tên đường thiếu trầm trọng !
Đó là thông tin được ông Phan Trọng Hiền, Phó trưởng Phòng Di sản văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thư ký Hội đồng Đặt, đổi tên đường TPHCM, cho biết
* Phóng viên: Thưa ông, Báo NLĐ ngày 8-6 có đăng bài: “Tên đường như... ma trận”, trong đó có phản ánh tình trạng những “con đường ma”, tức những tuyến đường UBND TPHCM có quyết định đặt tên cách đây 10 năm nhưng lại không có mặt trên thực tế?
|
-Ông Phan Trọng Hiền: Những con đường mà Báo NLĐ nêu đã được UBND TP ra quyết định ban hành năm 1999-2000. Chúng tôi đang liên hệ với các quận, huyện liên quan để nắm lại tình hình một cách cụ thể.
Còn đối với một số con đường mà chiều dài thực tế không giống như quyết định đã công bố, có thể do địa phương có thay đổi so với quy hoạch ban đầu nhưng không báo cáo để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Chúng tôi sẽ tham mưu cho Hội đồng Đặt, đổi tên đường TP (gọi tắt là Hội đồng) xử lý những vấn đề nêu trên trong thời gian sớm nhất.
* Vậy còn những tên đường như “bí danh” thì sao, thưa ông?
- Đa phần các tên đường này do địa phương tự đặt hoặc người dân “quen miệng” gọi mà thành. Trong những trường hợp trên, sau khi Hội đồng biết sẽ tham mưu cho TP ban hành quyết định thay thế ngay những tên đường không phù hợp (như “Đường bên hông trường Mầm Non”, “Đường ven tường rào sân bay”... ở quận Tân Bình trước đây).
Còn đối với những tên đường số, Hội đồng sẽ tham mưu cho TP ra quyết định thay thế dần, bởi thực tế quỹ tên đường của TP hiện nay đang thiếu trầm trọng so với yêu cầu đặt tên mới (hoặc đổi tên) của các quận, huyện.

Những tên đường do địa phương tự đặt sẽ được đặt lại trong thời gian tới. Ảnh: Ánh NGUYỆT
* Nước ta không thiếu tên danh nhân nhưng tại sao lại lấy tên người nước ngoài để đặt tên đường, chẳng hạn như Tôn Dật Tiên, Tagore...?
- Đối với trường hợp trên, địa phương tự đặt tên rồi trình lên Hội đồng. Chúng tôi mới về sau này nên không rõ lắm, nhưng đoán có lẽ Hội đồng xét thấy không có vấn đề gì nên đã thông qua.
* Được biết, năm 2009 không có tuyến đường nào của TP được đặt tên, do quỹ tên đường đã hết hay vì lý do nào khác, thưa ông?
- Trong năm 2009, chúng tôi đề xuất đặt 4 tên đường cho quận Gò Vấp nhân dịp quận tiến hành cấp đổi số nhà nhưng do thủ tục chưa đầy đủ nên việc đặt tên đường bị chậm lại.
Mặt khác, chúng tôi cũng tiến hành tham mưu đặt tên đường cho quận Tân Phú và quận 2 nhưng chưa chuẩn bị kịp các thủ tục quy định nên phải chuyển công việc đó qua năm 2010.
Hiện nay, quỹ tên đường của TP chỉ còn khoảng 150 (đang chuẩn bị trình bổ sung 200 tên đường) nhưng tổng cộng có đến hơn 2.000 tuyến đường cần được đặt tên, trong đó chỉ riêng huyện Củ Chi đề nghị đặt tên mới cho hơn 1.100 con đường của huyện.
* Quỹ tên đường đang thiếu trầm trọng, vậy trong năm 2010 việc đặt tên đường sẽ phải “chia sẻ” ra sao, thưa ông?
- Vì lẽ đó nên Hội đồng ưu tiên cho các địa phương gửi văn bản đề xuất sớm, đồng thời xem xét đặt lại tên cho những con đường mang tên “lạ”. Trước mắt, Hội đồng sẽ tham mưu TP xem xét đặt lại tên cho những tuyến đường mà Báo NLĐ đã nêu, như Đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền, Đường dưới chân cầu Sài Gòn, Đường nối từ đường Thành Thái ra đường Sư Vạn Hạnh, Đường dọc kênh Nhật Bản, Đường dọc kênh 19-5...
Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ trình lên Hội đồng và UBND TP thông qua (bước 1) cho quận Tân Phú 35 tên đường (quận này trình 52 tên đường), quận 2 khoảng 40 trong số 74 tên đường mà quận đã trình, quận Gò Vấp cũng khoảng 20 tên đường...
Đối với việc đặt tên cho đại lộ Đông Tây thành đường Võ Văn Kiệt, ông Phan Trọng Hiền cho biết Thường trực Hội đồng đã có văn bản tham mưu cho UBND TP, hiện đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để trình HĐND TPHCM thông qua. |