Rắc rối về chuột Hamster

Ngày 18-3, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ về việc nhiều người nuôi chuột kiểng cho rằng chuột Hamster khác với chuột lang, con bọ... ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Chi cục Thú y vùng 6, cho rằng khó có thể trả lời được câu hỏi này vì lực lượng thú y cũng chưa phân định được các giống chuột đang bày bán và nuôi tại TPHCM.

“Hiện tại tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra rắc rối xung quanh việc xử lý chuột Hamster. Khi lực lượng Chi cục Thú y tỉnh đến lập biên bản thu gom chuột Hamster tại các điểm bày bán ở TP Đà Lạt thì bị người dân phản ứng vì họ cho rằng đây là chuột lang và con bọ chứ không phải chuột Hamster”- ông Bình nói.

Chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể

Ông Bình cho biết, trong văn bản gửi lên Cục Thú y xin ý kiến chỉ đạo xung quanh việc xử lý chuột Hamster, Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị nên thu gom tiêu hủy tất cả các loại chuột kiểng vì hiện tại chưa có tài liệu nghiên cứu nào chứng minh giống chuột Hamster có thể nuôi an toàn trong điều kiện nóng ẩm như Việt Nam... Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị không cho nhập chuột kiểng để tránh nguy cơ về dịch bệnh. Về thông tin cho rằng chuột Hamster không giống như chuột lang, hay con bọ nên có thể nuôi an toàn? Ông Bình cho biết chuột Hamster và tất cả các loại chuột kiểng đều có nguy cơ gây bệnh như nhau.

Đối với TPHCM, ông Phan Xuân Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết hiện nay chuột kiểng được bày bán và nuôi làm vật cưng tại TPHCM có rất nhiều loại: chuột Hamster, chuột lang, con bọ, song gọi chung là chuột kiểng. Theo ông Thảo, tất cả các loại chuột kiểng bày bán và nuôi tại TPHCM hiện nay đều không được kiểm dịch nên cần phải thu gom tiêu hủy để bảo đảm an toàn. Đối với những điểm bán thịt chuột kiểng để làm thịt mà Báo NLĐ phản ánh, ông Thảo cho biết lực lượng thú y ở địa phương sẽ kiểm tra thu gom để tiêu hủy, tránh nguy cơ gây dịch bệnh.

Có nên cho nuôi chuột kiểng?

Những ngày qua, Báo NLĐ nhận được rất nhiều ý kiến của người dân về việc nuôi chuột kiểng làm vật cưng hiện nay là một thú vui cũng giống như nuôi chó, nuôi mèo. Vậy có nên cho người dân nuôi chuột hay không, và nếu nuôi thì người dân đến đâu để được kiểm dịch? Hiện vấn đề này vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra câu trả lời. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, một số nhà khoa học ngành nông nghiệp cũng tỏ ra e dè vì cho rằng tại Việt Nam hiện chưa có những công trình nghiên cứu khoa học nào đi sâu về đặc tính của các loài chuột kiểng, do đó chưa thể đưa ra những nhận định về đặc tính của các loài chuột cũng như các lứa chuột ở những thế hệ sinh sản sau này. Riêng TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, thì cho rằng nếu người dân thực sự có nhu cầu cơ quan chức năng cũng nên quyết định cho nuôi hay không cho nuôi. Tuy nhiên, theo TS Nghĩa, nếu cho nuôi thì ít ra chuột nhập về Việt Nam phải được kiểm dịch, chích ngừa, người nuôi phải bảo đảm những điều kiện về chuồng nhốt, vệ sinh...

Cùng ngày, chúng tôi cũng đã liên hệ nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành và các nhà khoa học để tìm câu trả lời liên quan đến chuột Hamster, nhưng vẫn chưa có sự hồi đáp. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.

Chưa phân biệt rõ chuột Hamster

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 19-3, một quan chức Cục Thú y Bộ NN-PTNT cho biết hiện vẫn chưa xác định rõ sự khác biệt giữa chuột Hamster với các loại chuột kiểng khác. Viện phó Viện Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, ông Vũ Chí Cương, cũng thừa nhận từ trước đến nay cơ quan này cũng chưa tiến hành nghiên cứu rõ loài chuột này mà chỉ tiếp nhận thông tin từ tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Tuy nhiên, chuột là một loại động vật gặm nhấm, sinh sản rất nhanh, đồng thời cũng là loại động vật gây và lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người như bệnh dịch hạch, xoắn khuẩn...

Theo Cục Thú y, hiện nay một số tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển chuột Hamster từ nước ngoài vào VN với mục đích để nuôi làm cảnh, nhưng chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng và chưa qua kiểm dịch thú y là bất hợp pháp. Cục Thú y đã có chỉ đạo chi cục thú y các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán, nuôi chuột Hamster. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, nuôi chuột Hamster bất hợp pháp thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

T.Dũng

 

Chuột Hamster dài đến 34 cm

img
Giống chuột Hamster lớn nhất ở châu Âu

Theo Wikipedia (mạng Bách khoa toàn thư mở), chuột Hamster thuộc bộ gặm nhấm, phân họ Cricetinae. Phân họ này có khoảng 18 loài, được phân thành 6 hoặc 7 giống. Chuột Hamster thường được dùng làm vật thí nghiệm và vật “cưng” ở các nước kinh tế phát triển. Chuột Hamster có nhiều màu sắc từ trắng, xám và đen hoặc những vằn, sọc màu pha trộn.

Dựa vào khu vực sinh sống của chuột Hamster, có thể phân thành các nhóm: Ở Nga phổ biến là giống Hamster lùn (Phodopus campbelli). Trong đó, giống chuột Hamster sa mạc là loài nhỏ nhất, thân dài từ 5 cm đến 10 cm, nặng khoảng 15 g đến 25 g. Ở Trung Quốc cũng phổ biến là giống Hamster lùn nhưng có vằn (Cricetulus barabensis). Khi trưởng thành chúng nặng khoảng 16,7 g đến 31 g và dài từ 7,4 cm đến 10,6 cm với phần đuôi từ 2,1 cm đến 3,6 cm và sống khoảng 1,5 đến 2,5 năm. Riêng ở châu Âu, chuột Hamster lớn hơn nhiều so với các giống chuột Hamster khác và có đời sống khá dài, đến 8 năm, đặc biệt thân dài đến 34 cm, chưa tính đuôi khoảng 6 cm. Chúng dám tấn công cả những chú chó to nếu cảm thấy bị đe dọa.

S. Tùng