Sà lan đội cầu: S.O.S

Nhiều cây cầu ở TPHCM có độ tĩnh không quá thấp, trong khi sà lan, tàu thuyền chở vật liệu cao ngút liên tục qua lại

Sau sự cố sà lan đứt neo húc vào gầm cầu Thị Nghè xảy ra chiều 17-11 (Báo NLĐ ngày 18-11), qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhiều cây cầu trên địa bàn TPHCM cũng đang gặp nguy vì có độ tĩnh không quá thấp, trong khi sà lan, tàu thuyền chở vật liệu cao ngút liên tục qua lại.

Bị đội như chơi !


“Qua nổi không? Qua nổi không?”. Giọng một người đàn ông hét vang dưới cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh (bắc qua sông Sài Gòn) trưa 18-11. Ngoái nhìn xuống, chúng tôi mới biết ông này đang lái một chiếc sà lan chở cát cao ngút và đang hỏi người trên sà lan liệu “con thuồng luồng” của mình có thể chui lọt gầm cầu hay không?

Mặc dù buổi trưa là thời điểm nước sông chưa lên nhưng các sà lan chở vật liệu xây dựng chui dưới cầu Bình Lợi chiếc nào cũng chỉ cách gầm cầu vài gang tay.

img
Trưa 18-11, nước sông Sài Gòn chưa lên nhưng sà lan khi chui qua chỉ cách gầm cầu Bình Lợi vài gang tay


Ông Nguyễn Thanh Hiền, người sống gần cầu Bình Lợi, nhìn cảnh hàng chục sà lan nối đuôi chui qua cầu, nói: “Giờ này là giờ sà lan đua, còn đợi tới chiều nước sông lên cao sẽ chui không lọt, lạng quạng là đội cầu như chơi!”.

Cùng chung sự nguy hiểm như cầu Bình Lợi, cầu Kinh Thanh Đa (bắc qua sông Sài Gòn- quận Bình Thạnh) là tuyến thường xuyên có nhiều tàu thuyền qua lại. Đây cũng là tuyến tắt đi vòng bán đảo Thanh Đa nên có nhiều nguy hiểm do khoang thông thuyền hẹp và dòng nước chảy xiết, khiến sà lan, tàu thuyền rất dễ va chạm vào cầu.
 
Theo người dân ở đây, sau sự cố gầm cầu bị hư do một chiếc sà lan húc vào, các sà lan loại lớn bị cấm lưu thông qua đây. Nhưng để tiết kiệm nhiên liệu, thỉnh thoảng vẫn có sà lan chở cát loại lớn lén lút chui qua cầu này.


Các cây cầu nhỏ khác như cầu Xây Dựng (bắc qua kênh Bò Cua, quận 2), cầu Đồng Tròn (bắc qua một nhánh sông Đồng Nai, thuộc địa bàn quận 9)... cũng có độ tĩnh không rất thấp. Chỉ cần một chiếc ghe lớn chui qua là cầu có thể bị đội lên.

img
Cầu Kinh Thanh Đa, quận Bình Thạnh có thể bị đội bất cứ lúc nào. Ảnh: N.Phú


Đầy... thương tích


Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội Điều tra xử lý tai nạn Phòng CSGT Đường thủy-Công an TPHCM, lo ngại: TP hiện còn khá nhiều cây cầu có độ thông thuyền thấp nên chỉ cần chủ phương tiện chủ quan, tính toán chênh lệch dao động của con nước thì khả năng va đập vào cầu rất cao. Mức độ hư hỏng của cầu nặng hay nhẹ tùy vào lực va chạm.

Trung tá Mẫn dẫn chứng: Cầu Bình Lợi, dù là tuyến chính phục vụ tàu thuyền lưu thông từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Sài Gòn, trung bình mỗi ngày có hàng trăm phương tiện lớn, nhỏ neo đậu chờ con nước để đi qua nhưng độ thông thuyền rất thấp, ảnh hưởng đến phát triển vận tải và đặc biệt là an toàn giao thông.

Chỉ trong năm 2008, cầu Bình Lợi xảy ra 5 vụ va đập sà lan, tàu vào cầu. “Hậu quả chưa nghiêm trọng nhưng rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng, nhất là ngành đường sắt nên có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cầu trong thời gian gần nhất”- trung tá Mẫn đề xuất.


Vẫn theo trung tá Mẫn, không chỉ cầu Bình Lợi, các cây cầu khác cũng đang mang trên mình nhiều thương tích. Cụ thể, ngày 4-10, tàu kéo Bình Dương 0269 200CV kéo sà lan 45 tấn, khi qua cầu Mương Chuối (huyện Nhà Bè) bị cần cẩu vướng vào dầm cầu, gây hư hỏng.

Ngày 22-10, cầu An Nghĩa (huyện Cần Giờ) cũng bị một sà lan neo đậu gần đó đứt neo trôi tự do va vào làm gãy trụ cầu. Trước đó, ngày 12-3, tàu kéo SG 1895 125CV kéo sà lan 712 tấn chở đá, khi qua cầu Hiệp Ân 1 (quận 8) đã va vào dầm cầu, gây hư hỏng dầm.


40 cây cầu yếu


Theo Sở GTVT TPHCM, hiện trên địa bàn TP có khoảng 40 cây cầu yếu, như cầu Bà Hom, cầu Phước Long (huyện Nhà Bè), cầu Kinh Thanh Đa, cầu Rạch Tra, cầu Ông Dầu, cầu Xây Dựng, cầu Đỏ... Các cây cầu này có tải trọng từ 2 tấn – 25 tấn. Một số cây cầu đang được lập dự án đầu tư, có cây cầu chuẩn bị khởi công như: cầu Đỏ, cầu Đinh Bộ Lĩnh...

Đa phần các cây cầu được xây dựng từ trước nên không đạt độ tĩnh không quy định trong quy hoạch đường thủy nội địa mới đây của TP. Các “lỗi” này sẽ được sửa chữa khi lập dự án đầu tư xây dựng lại các cây cầu yếu nói trên.

A.Nguyệt