Vedan có bị khởi tố hình sự?

Tổng mức phạt hành chính đối với Công ty Vedan VN chỉ dừng lại ở con số 267,5 triệu đồng. Có 3 hành vi vi phạm của Công ty Vedan VN không phạt tiền được do hết thời hiệu

Sáng 1-10, tại Công ty Vedan VN (Đồng Nai), thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã lập biên bản vi phạm hành chính cuối cùng (của đợt kiểm tra) về các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường của Công ty Vedan VN. Căn cứ vào biên bản trên, tổng mức phạt hành chính đối với Công ty Vedan VN chỉ dừng lại ở con số 267,5 triệu đồng. Theo dự thảo, sẽ không áp dụng hình thức phạt bổ sung.

“Bó tay” với 3 hành vi của Vedan

Tính tổng cộng, Công ty Vedan VN có 15 hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nhưng có 3 hành vi không thể xử phạt tiền. Cụ thể, gồm: Không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với trại chăn nuôi heo. Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng và đưa công trình vào hoạt động đối với dự án đầu tư nâng công suất đối với phân xưởng sản xuất xút - axít từ 3.116 tấn/tháng lên 6.600 tấn/tháng. Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động dự án đầu tư nâng công suất các nhà máy bột ngọt từ 5.000 tấn/tháng lên 15.000 tấn/tháng, tinh bột biến tính từ 2.000 tấn/tháng lên 4.000 tấn/tháng, lysine từ 1.200 tấn/tháng lên 1.400 tấn/tháng, bột gia vị cao cấp 20 tấn/tháng...

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo NLĐ, việc không thể xử phạt các hành vi trên đối với Công ty Vedan VN là do thời điểm phát hiện vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt hành chính (quá 2 năm). Vậy vấn đề cần phải làm rõ là tại sao trong 2 năm qua, các cơ quan tỉnh Đồng Nai lại không phát hiện được những vi phạm trên?

Bắt Vedan bồi thường thiệt hại ra sao?

Cũng theo dự thảo, ngoài truy thu khoản phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp Công ty Vedan VN trốn nộp (chưa có con số cụ thể), Công ty Vedan VN phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường do hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sông Thị Vải theo quy định tại các điều 130 đến điều 134, mục 2, chương XIV của Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cũng sẽ buộc Công ty Vedan VN thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, những người am hiểu về luật môi trường cho rằng để bắt Vedan thực hiện những vấn đề trên không phải dễ, vì theo quy định phải có sự thỏa thuận giữa các bên hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa.

Một cán bộ của Bộ TN-MT cho rằng có thể bắt Công ty Vedan VN bồi thường thiệt hại bằng cách tính như sau: Ví dụ chi phí để xử lý 1 m3 dịch sau lên men là 1 triệu đồng, một tháng Vedan thải ra hơn 105. 000 m3 dịch sau lên men thì Vedan đã “tiết kiệm” trên 105 tỉ đồng/tháng. Lấy số tiền này nhân với thời gian Vedan đã xả lén sẽ thành số tiền rất lớn bắt buộc Công ty Vedan VN phải trả, để Nhà nước sử dụng thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm trên sông Thị Vải. Theo TS Mai Tuấn Anh, Viện Môi trường và Tài nguyên- ĐH Quốc gia TPHCM, nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng nhà máy, để xử lý 1 m3 dịch sau lên men phải mất khoảng 50 triệu đồng.

Khởi tố hay không?

Chiều 1-10, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) – Bộ Công an, đại tá Lương Minh Thảo, cho biết hiện Bộ TN-MT và C36 đang rà soát lại toàn bộ sai phạm của Công ty Vedan VN trong việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải trong nhiều năm qua để hoàn tất báo cáo.

Trước băn khoăn của dư luận về mức xử phạt hành chính Vedan quá thấp, ông Thảo lý giải: “Đây chỉ là mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành. Còn đối với những thiệt hại về môi trường, sự suy thoái của sông Thị Vải và sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân ở lưu vực sông, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện để Vedan đền bù. Ngoài ra, những khoản phí xử lý nước thải hàng trăm tỉ đồng mà Vedan trốn tránh trách nhiệm trong nhiều năm qua, sẽ được cơ quan chức năng tính toán triệt để nhằm yêu cầu Vedan phải bồi hoàn”. Theo ông Thảo, các cơ quan chức năng đang bắt tay vào việc tính toán các thiệt hại về môi trường, kinh tế do Vedan gây ra. Việc có tiến hành khởi tố hình sự những người chịu trách nhiệm và liên quan đến sai phạm của Vedan, ông Thảo cho hay cần phải có thời gian để hoàn tất các thủ tục.

Được biết hôm nay (2-10), Bộ TN-MT và C36 tiếp tục họp để góp ý vào việc xây dựng báo cáo về sai phạm và hướng xử lý đối với Công ty Vedan VN để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần tới.

 

Tạm đình chỉ các hoạt động có phát sinh nước thải

Về các biện pháp khắc phục hậu quả, theo dự thảo, sẽ cấm Công ty Vedan VN xả chất thải (dịch thải sau lên men, nước thải, dung dịch bùn thải) không đạt tiêu chuẩn Việt Nam ra môi trường và sông Thị Vải. Khi chánh Thanh tra Bộ TN-MT ký quyết định xử phạt hành chính, trong vòng 10 ngày sẽ tạm thời đình chỉ các hoạt động sản xuất của Công ty Vedan VN ở bộ phận có phát sinh nước thải ra môi trường và sông Thị Vải để khắc phục ô nhiễm, buộc Vedan thực hiện các việc sau: Cải tạo toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải lỏng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải lỏng của công ty phải thiết kế và xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, mương dẫn hở để thuận tiện cho công tác kiểm tra giám sát. Cửa xả nước thải sau xử lý phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát... Bên cạnh đó, Công ty Vedan VN phải lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc tự động, liên tục một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý.

T.Thanh

12 hành vi bị phạt tiền 267,5 triệu đồng của Vedan

1- Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ở Nhà máy sản xuất tinh bột: 33 triệu đồng

2- Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ở Nhà máy sản xuất Bột ngọt và Lysine: 23 triệu đồng

3- Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ở các nhà máy khác: 23 triệu đồng

4- Nộp không đầy đủ các số liệu điều tra, khảo sát, quan trắc...cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: 30 triệu đồng

5- Hành vi thải mùi hôi thối trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường: 500 ngàn đồng

6- Quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định: 10 triệu đồng

7- Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí quy định trong giấy phép: 6 triệu đồng

8- Xả nước thải (dịch thải lỏng sau lên men bột ngọt có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần: 33 triệu đồng

9- Xả nước thải (dịch thải lỏng sau lên men Lysin có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần: 33 triệu đồng

10- Xả nước thải bùn vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên: 33 triệu đồng

11- Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ năm lần đến dưới mười lần ở trại chăn nuôi heo và: 20 triệu đồng

12- Không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: 50 triệu đồng

Tr. Thanh