Xác chuột đầy đường

Hầu hết xác chuột chết trên đường ở TPHCM không được thu gom, tiêu hủy, chúng chỉ biến mất sau khi bị xe cán nát thành bụi. Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ xác chuột chết rất cao

Đến sáng 18-12, xác chuột nằm ở góc đường Quang Trung-Nguyễn Du (sát bên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phường Hiệp Bình, quận 9 - TPHCM) đã thành đống thịt bầy nhầy sau khi bị nhiều xe máy cán qua. Cách đó vài mét cũng có một xác chuột bị xe cán bẹp gí trên mặt đường. Một người chạy xe ôm ở đây cho biết những con chuột này là do người dân vứt ra đường.

Bẫy chết, vứt ra đường

Trưa 18-12, quay trở lại góc đường Quang Trung-Nguyễn Du, chúng tôi thấy xác con chuột lúc sáng đã “dịch chuyển” ra giữa đường. “Tôi thấy chuột chết dơ quá nên kêu chị lao công của trường gói vào túi ni lông bỏ sọt rác, nhưng chị ta nói con chuột không nằm trong khuôn viên của trường nên chỉ vứt ra xa một đoạn”. ông Nguyễn Hữu Nhơn, bảo vệ Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, chậc lưỡi khi thấy hết người này đến người khác vô tình chạy xe cán qua xác con chuột đã nát bấy trên đường.

Từ quận 9 quay về trung tâm TPHCM, trên xa lộ Hà Nội, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều xác chuột chết trên đường. Đến đường Điện Biên Phủ, phía trước số nhà 66A, phường 21, quận Bình Thạnh, chúng tôi nổi da gà khi thấy xác con mèo bị xe cán thành một đống thịt đỏ loét. Theo những người dân ở đây, xác con mèo này được vứt ra đường vào tối 17-12.

img
Xác chuột bị xe cán bê bết máu ở góc đường Quang Trung - Nguyễn Du (Q.9-TPHCM) sáng 18-12. Ảnh: T.Thạnh

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết thông thường ở các TP, số lượng chuột nhiều gấp 10 lần số dân. Nói thế, có nghĩa tại TPHCM có trên 80 triệu con chuột và số chết mỗi ngày cũng không ít.

Chỉ trong hơn 1 giờ đi dọc một số tuyến đường nội thành của TP, sáng 18-12, chúng tôi đã bắt gặp khoảng gần 20 xác chuột chết. Điều đáng lưu ý, xác chuột chết thường nằm ở những khu vực đầu hẻm. Theo phản ánh của người dân ở mặt tiền đường, những xác chuột chết chủ yếu là do người dân ở trong hẻm bẫy chết rồi vứt ra đường.

Chui vào... phổi

Sau khoảng một tuần, khi bị hàng ngàn lượt xe cán qua, xác con chuột cống to bằng bắp chân giữa đường Phan Đăng Lưu (phía trước siêu thị Hà Nội, quận Phú Nhuận) chỉ còn một nhúm lông khô. Trên đường Phan Đăng Lưu, Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), đường Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Thị Diệu (quận 3)... nhiều xác chuột chết bị cán dẹp khô nhưng vẫn không được công nhân vệ sinh thu dọn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết xác chuột chết trên đường ở TPHCM không được thu gom, tiêu hủy, chúng chỉ biến mất sau khi bị xe cán nát thành bụi.

PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng chuột mang rất nhiều vi trùng nên bụi từ những con chuột chết khi chui vào phổi của những người hít phải sẽ rất nguy hiểm. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cũng cho biết đối với những xác chuột chết mang mầm bệnh khi vứt ra đường thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất cao. Do đó, khi trong nhà có chuột chết, người dân nên cho vào túi ni lông, bỏ vôi vào diệt khuẩn sau đó buộc chặt bỏ vào thùng rác.

“Tình trạng vứt chuột chết ra đường không chỉ xảy ra ở TPHCM mà ở Hà Nội cũng khá phổ biến. Tôi đi tham quan nhiều TP ở các nước trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có tình trạng vứt chuột chết ra đường như ở nước ta” - PGS-TS Nguyễn Văn Phước nói.

Do ý thức kém!

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, cho rằng ngay trong năm TP thực hiện Nếp sống văn minh đô thị nhưng tình trạng vứt chuột chết ra đường vẫn còn phổ biến, chứng tỏ ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị còn quá kém.

TP nên phát động phong trào thu gom xác chuột chết để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra cần tiến hành phân loại rác tại nguồn và yêu cầu lực lượng thu gom rác phải thu gom xác chuột chết.

img
Xác chuột chết nằm nhiều ngày bên điểm thu gom rác ở đường Nguyễn Thị Diệu (Q.3) nhưng không được quét dọn