Xử lý trơn tru thủ tục hành chính "phi địa giới"

Người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí khi làm thủ tục hành chính "phi địa giới" tại các đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 2-7, các xã, phường, đặc khu của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước bước sang ngày thứ 2 vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Cán bộ năng động, sáng tạo hơn

Trụ sở UBND phường Kim Liên, TP Hà Nội được thiết kế mở với các khu vực chức năng như khu vực tiếp nhận hồ sơ; khu vực trả kết quả; khu vực số hóa hồ sơ tài liệu; khu vực người dân tự đăng ký, kê khai. Đồng thời, sắp xếp hợp lý các thiết bị hỗ trợ gồm: máy lấy số thứ tự, màn hình tra cứu thông tin, màn hình tuyên truyền, bảng niêm yết các thủ tục hành chính.

Ông Trần Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên, cho biết đã quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức nắm rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu của việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - đó là hướng đến mục tiêu chính quyền tinh gọn để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đến làm thủ tục hành chính tại điểm phục vụ hành chính Từ Liêm (phường Từ Liêm, TP Hà Nội), anh Trần Đại Hùng (42 tuổi) cho biết được các công chức tại trung tâm hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Cùng với việc ứng dụng công nghệ, mọi thủ tục đều được thực hiện khá thuận tiện. "Với các trung tâm phục vụ hành chính công được đầu tư kỹ lưỡng, chuyển đổi số mạnh mẽ, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí khi làm thủ tục hành chính phi "địa giới". Đây là bước tiến rất lớn" - anh Hùng nhận xét.

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bến Thành, TP HCM, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nhịp nhàng. Người dân tấp nập ra, vào trung tâm để làm thủ tục hành chính trong khi cán bộ, công chức túc trực tại từng quầy, xử lý hồ sơ không ngơi tay, tận tình hướng dẫn và luôn giữ thái độ niềm nở, kiên nhẫn. Phường đã trang bị hệ thống ki-ốt lấy số thứ tự ngay ở lối vào, chia theo 4 lĩnh vực gồm địa chính - xây dựng, tư pháp - hộ tịch, sao y - chứng thực và văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, bố trí 2 dân quân tự vệ hỗ trợ người dân lấy số thứ tự, tìm đúng quầy giải quyết thủ tục. Màn hình thông báo số thứ tự và tra cứu thông tin được bố trí ngay khu vực chờ, giúp người dân chủ động theo dõi, tiết kiệm thời gian.

Chị Nguyễn Ngọc Cẩm, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bến Thành, cho hay trong 2 ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, số người dân đến làm thủ tục hành chính khá đông. Ngoài các thủ tục quen thuộc như sao y, chứng thực..., người dân còn làm nhiều thủ tục liên quan hộ kinh doanh, đăng ký kinh doanh... "Mỗi cán bộ, công chức đều ý thức rất rõ vai trò của mình, đó là làm sao để người dân đến đây cảm thấy được lắng nghe, giúp đỡ, được phục vụ nhanh chóng, đúng quy định. Những người làm công vụ cũng phải năng động, sáng tạo hơn" - chị Cẩm nói.

Xử lý trơn tru thủ tục hành chính "phi địa giới" - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức phường Bến Thành, TP HCM hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PHAN ANH

Không để người dân phải chờ

7 giờ sáng ngày 2-7, tại trụ sở UBND xã Phù Mỹ Tây, tỉnh Gia Lai, đội ngũ cán bộ, công chức đã có mặt đầy đủ để bắt đầu ngày làm việc. Tại đây, dù điều kiện vật chất vẫn còn hạn chế nhưng tinh thần phục vụ nhân dân vẫn được đặt lên hàng đầu.

Khẳng định việc vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, ông Ngô Vũ Hải, Chủ tịch UBND xã Phù Mỹ Tây, cho biết luôn xác định tinh thần phục vụ nhân dân là trọng tâm. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát quy trình, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.

Tại phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai, công tác phục vụ hành chính công nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân khi thủ tục được thực hiện thuận lợi, đội ngũ cán bộ, công chức thể hiện tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường, cho hay tại đây bố trí 6 công chức phụ trách tại các quầy; tăng cường 5 cán bộ, gồm cả công chức và cán bộ không chuyên trách, để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục. "Đối với các thủ tục đơn giản như sao y bản chính, xác nhận sơ yếu lý lịch hay chứng thực chữ ký, cán bộ không để người dân phải lấy số, chờ gọi tên mà trực tiếp hướng dẫn, trình lãnh đạo phường ký xác nhận ngay" - bà Minh thông tin.

Tại tỉnh Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Quyết đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các xã, phường tiếp tục rà soát, chuẩn bị, thực hiện đầy đủ các điều kiện, phương tiện, tâm thế để đi vào hoạt động đồng bộ. "Các đơn vị, địa phương cần nhanh chóng ổn định để thực hiện ngay công việc, không để gián đoạn, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực. Ưu tiên các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ người dân, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh" - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo.

Phường Long An, trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh, cũng nhanh chóng bắt nhịp mô hình mới. Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Long An đang tích cực tháo gỡ khó khăn ban đầu để bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả. Theo ông Võ Hồng Thảo, Chủ tịch UBND phường Long An, nhân sự tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được chọn lọc kỹ lưỡng, tập huấn các quy trình mới. "Cách thức nộp hồ sơ "phi địa giới hành chính" ban đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Có một số phát sinh liên quan đường truyền, hệ thống phần mềm chưa được cập nhật đầy đủ. Chúng tôi đang nỗ lực tháo gỡ để bộ máy vận hành hiệu quả hơn" - ông Võ Hồng Thảo cam kết.

Xử lý trơn tru thủ tục hành chính "phi địa giới" - Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: MINH CHIẾN

Khắc phục nhanh trục trặc

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch, tỉnh Quảng Trị, cho biết trong ngày thứ hai vận hành bộ máy mới, xã đã hoàn thành các thủ tục cần thiết như tiếp nhận con dấu, giới thiệu chữ ký lãnh đạo. Mọi hồ sơ của người dân được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, không để trễ hẹn.

Tương tự, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Gianh, hàng trăm hồ sơ của người dân đã được tiếp nhận, giải quyết ngay trong ngày đầu tiên. Các vướng mắc phát sinh liên quan kỹ thuật được báo cáo và xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch UBND phường Bắc Gianh, nhấn mạnh tinh thần chung là người dân phải được phục vụ tốt nhất khi đến với chính quyền. "Dù còn một số trục trặc nhỏ về hệ thống hạ tầng nhưng sẽ được khắc phục nhanh chóng" - ông Tình hứa.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trần Phong đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương "vào guồng" ngay từ ngày đầu vận hành bộ máy với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Theo ông Phong, 78 xã, phường, đặc khu mới hình thành sau sáp nhập đã được chuẩn bị kỹ từ trước về tổ chức bộ máy, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Tại phường Hải Châu, TP Đà Nẵng, 2 ngày qua cũng ghi nhận lượng lớn người dân đến liên hệ làm thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND phường, cho biết đã chủ động bố trí nhân lực, trang thiết bị để bảo đảm phục vụ người dân kịp thời, không để xảy ra tình trạng ách tắc. Do lượng người đến đông hơn dự kiến, phường đã bổ sung ghế ngồi chờ, triển khai phương án B để hỗ trợ người dân lấy số thứ tự. Trong ngày thứ hai vận hành bộ máy mới, việc giải quyết hồ sơ diễn ra trơn tru hơn, ổn định hơn so với ngày đầu. Là một trong 6 địa phương thí điểm mô hình chính quyền 2 cấp tại Đà Nẵng, phường Hải Châu đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cán bộ đã làm quen với quy trình xử lý hồ sơ.

Dự kiến hôm nay, 3-7, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức họp trực tuyến với các phường, xã để báo cáo, rút kinh nghiệm việc vận hành chính quyền 2 cấp. 

Tổ chức nhân sự hợp lý

Về tổ chức nhân sự, do mô hình mới là hợp nhất từ bộ máy cấp quận và cấp phường nên mỗi quầy giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu, TP Đà Nẵng đều có 2 cán bộ phụ trách, gồm 1 người từ cấp phường cũ và 1 người từ các phòng chuyên môn của quận. "Sự phối hợp này giúp người dân được hỗ trợ đầy đủ hơn khi thực hiện thủ tục hành chính" - chủ tịch Nguyễn Văn Duy cho biết.

Còn tại TP Cần Thơ, ông Trương Quốc Điền, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hòa, cho biết là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer nên xã đã bố trí cán bộ biết tiếng Khmer để giao tiếp với người dân. "Lãnh đạo xã sẽ thường xuyên theo dõi, rà soát những vấn đề còn hạn chế, bất cập để điều chỉnh phù hợp" - ông Điền khẳng định.