xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động: Điều cần sửa vẫn chưa được sửa!

Gần 9 năm thực hiện Bộ Luật Lao động (BLLĐ) và hơn 7 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, chưa có cuộc đình công nào được đưa ra giải quyết tại hội đồng hòa giải cơ sở, hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh hoặc tòa án các cấp”. Ông Phan Đức Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết như vậy tại buổi hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi Pháp lệnh về phần đình công, do Bộ LĐ-TB-XH và Viện FES (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức ngày 12-9.

Toàn bộ trên 600 cuộc đình công đều sai luật!

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 1-7-1996, trong đó có 23 điều khoản quy định việc giải quyết các cuộc đình công (từ điều 79 đến 102). Theo quy định tại điều 80, cuộc đình công hợp pháp “phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động; được những người lao động (NLĐ) làm việc trong cùng một doanh nghiệp (DN) tiến hành trong phạm vi DN đó; có quyết định của hội đồng trọng tài lao động nhưng tập thể lao động không đồng ý mà không khởi kiện ra tòa; tuân theo khoản 1, 2 điều 173 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) (khoản 1: Trong khi hội đồng hòa giải, hội đồng trọng tài giải quyết đình công thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia; khoản 2: Việc đình công phải do CĐ cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký); DN không thuộc danh mục không được đình công và không vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hoãn hoặc ngừng cuộc đình công”. Như vậy, những cuộc đình công thiếu một trong những quy định trên là bất hợp pháp. Ông Phan Đức Bình cho biết: Chính vì thủ tục nặng nề, phức tạp như vậy nên kể từ khi BLLĐ được ban hành đến nay, cả nước xảy ra trên 600 cuộc đình công nhưng không có cuộc đình công nào đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định, kể cả khi đình công xảy ra tại các DN đã có tổ chức CĐ. Mặt khác, Pháp lệnh lại quy định chỉ có TAND mới có thẩm quyền kết luận cuộc đình công hợp pháp hay bất hợp pháp nên không có chủ DN nào dám kiện NLĐ ra tòa, bởi theo lời một giám đốc DN, “được vạ thì má đã sưng” vì thủ tục quá rườm rà.

Trình tự, thủ tục theo quy định đã “phá sản”

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu chỉ 50% các cuộc đình công sai trình tự thì cũng đã phải xem xét lại các quy định, đằng này toàn bộ đều sai, xem như quy định về trình tự, thủ tục đình công đã “phá sản”. Nội hàm của những khái niệm: đình công, tranh chấp tập thể, tập thể lao động... cũng chưa được xác định rõ, nên mỗi nơi hiểu theo một cách. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nói: “Để xác định tranh chấp lao động tập thể thì căn cứ vào số lượng người tham gia hay nội dung tranh chấp liên quan đến quyền lợi nhiều NLĐ? Tại điều 81 quy định việc lấy ý kiến của quá nửa tập thể lao động để làm thủ tục tiến hành đình công, đối với một DN có vài ngàn lao động thì việc này không thể thực hiện”. Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đặt vấn đề: “Điều 86 quy định trong trường hợp xét thấy đình công có nguy cơ cho nền kinh tế quốc dân thì Thủ tướng Chính phủ quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công. Nhưng làm sao Thủ tướng biết cuộc đình công nào có nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng, an toàn công cộng mà tạm hoãn hoặc ngừng cuộc đình công?”. Còn tại điều 99 quy định việc tiến hành hội nghị hòa giải để xét tính hợp pháp cuộc đình công thì thành phần tham gia, nội dung công việc, trình tự thủ tục giải quyết lặp đi lặp lại, kéo dài đến mức không cần thiết. Một bất hợp lý khác là Pháp lệnh vừa mang quy phạm tố tụng, lại vừa mang quy phạm nội dung nên rối rắm, phức tạp.

Dự thảo sửa đổi: Thiếu tính khả thi

Ban Soạn thảo đề nghị bổ sung điều 78b về việc các DN có thể ban hành một số quy định cấm đình công ở các khâu trọng yếu trong dây chuyền sản xuất (đối với DN không thuộc danh mục DN không được đình công). Ông Mai Đức Chính cho rằng quy định này vi phạm quy định của BLLĐ, xâm phạm quyền đình công của NLĐ đã được luật cho phép. Ở điều 79, thiếu quy định về thủ tục đình công ở các DN chưa có CĐ nhưng Ban Soạn thảo lại không bổ sung quy định này mà chỉ đề cập đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng khi đã xảy ra đình công, nghĩa là chỉ giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. Bà Mai Thị Tuyết, thư ký Hội đồng Trọng tài Lao động tỉnh Đồng Nai, thắc mắc: “Có đến 60% DN chưa có tổ chức CĐ; vậy thì, những cuộc “ngừng việc tập thể” ở đấy có được coi là đình công không? Nhất thiết phải bổ sung quy định về đình công ở nơi chưa có CĐ; nếu không, sẽ không có căn cứ để xử lý”. Theo ông Phùng Văn Hùng, Trưởng Phòng Quản lý lao động các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp TPHCM, dự thảo mới sửa đổi, bổ sung 7 điều của Pháp lệnh (78, 79, 86, 98, 99, 100, 102) nên không thay đổi được những bất hợp lý cơ bản của các quy định về việc giải quyết các cuộc đình công (gồm 23 điều)”. Nhiều đại biểu khẳng định: Cái gốc của vấn đề là làm thế nào đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục đình công để không còn những cuộc đình công trái luật, thì dự thảo lại không đề cập đến. Và nếu như điều này không được khắc phục thì sắp tới, sẽ lặp lại tình trạng: 100% cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục!

Hồng Vân

DIỂN ĐÀN QUẢN LÝ

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Quản lý Lao động với nước ngoài (Sở LĐ-TB-XH TPHCM):

Phải sửa trình tự, thủ tục đình công

Tại TPHCM, từ tháng 8-2002 đến tháng 8-2003 đã xảy ra 83 cuộc đình công và tất cả đều không đúng trình tự. Nhưng hầu hết các cuộc đình công đều do người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Xét về mặt nội dung thì nguyên nhân đình công là chính đáng, nhưng hình thức đình công thì lại sai trình tự. Tôi cho rằng, cốt lõi của vấn đề là sửa đổi trình tự, thủ tục sao cho lý luận và thực tiễn “gặp nhau”.

Ông Trần Văn Khanh, Trưởng Phòng Quản lý lao động các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai:

Nên bổ sung thẩm quyền giải quyết của CĐ và cơ quan quản lý lao động

Hiện nay, khi xảy ra đình công chỉ thấy cơ quan lao động và CĐ có mặt, chủ yếu là giải quyết cho “được việc” trước mắt, nghĩa là làm sao để chủ DN thỏa mãn yêu sách, còn công nhân thì ngừng đình công. Rồi đâu lại vào đó: Không biết ai sai, ai đúng vì cơ quan lao động, CĐ đâu có thẩm quyền kết luận đình công hợp pháp hay không?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo