Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) từng nối thành công nhiều trường hợp bị đứt rời tay, chân, dương vật, các bộ phận vùng đầu mặt như da đầu, môi, mũi, tai... Theo bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, nhiều người nghĩ các bộ phận đó không nối được nên vứt vào thùng rác, xuống sông hoặc đem chôn.

Việc nối lại phần cơ thể đứt lìa có những chỉ định nhất định và tỷ lệ thành công tùy thuộc vào tuổi, tình trạng của tổn thương, thời gian từ khi bị tai nạn đến khi phẫu thuật… Nhìn chung với những bộ phận được bảo quản đúng cách thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn, theo bác sĩ Giang.
- Trường hợp có tổn thương đứt rời, nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
- Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.
- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
- Không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.
- Sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở có chuyên khoa tạo hình vi phẫu như: Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện 108 (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM…
Bình luận (0)