xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân tài bóng bàn Việt xa xứ

Đào Tùng

Ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong căn hẻm đường Tân Trang (quận Tân Bình, TP HCM), lão chủ nhân tuổi 80 treo tấm ảnh chụp tại Phủ Chủ tịch tháng 11-1964, trong đó Hồ Chủ tịch đang tiếp nhận món quà tặng của hai vị khách phương xa

Dường như hiểu nỗi băn khoăn của người đối diện khi cố gắng kết nối mối liên hệ giữa ông lão quắc thước trước mặt với những người trong ảnh, ông Or Kim cười hiền hậu: “Cháu có biết tôi lúc đó là Tổng Thư ký Hiệp hội Bóng bàn Campuchia kiêm trọng tài bóng bàn quốc tế không? Người trao món quà của hiệp hội - chiếc mâm bạc chạm trổ rất đẹp dùng để chưng những tấm quốc kỳ cỡ nhỏ - cho Hồ Chủ tịch, là ông Lai Hor, một người gốc Việt. Tôi có vinh dự tháp tùng chuyến đi ấy, được chụp ảnh với Hồ Chủ tịch và xem những trận đấu giao hữu giữa tuyển thủ bóng bàn hai nước. Đó là chuyến đi thăm đầu tiên trên phương diện thể thao của một tổ chức hiệp hội của Campuchia đến Việt Nam, theo lời mời của Hiệp hội Bóng bàn Việt Nam”.

Góp phần làm rạng danh bóng bàn Việt

Đó là thời điểm sau khi kết thúc một giải giao hữu quốc tế tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và trên đường về nước, đoàn Hiệp hội Bóng bàn Campuchia đã ghé thăm Hà Nội như đã nhắc đến ở trên. Ông Or Kim kể tiếp: “Về phía đoàn chủ nhà có các tay vợt nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Thị Mai. Còn trong đoàn Campuchia, ngoài tay vợt số một Yang Chhor Nam còn có các tuyển thủ gốc Việt là Trần Ngọc Châu, Phan Sính… Hồ Chủ tịch khi đó bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn chủ trì buổi tiếp đoàn Hiệp hội Bóng bàn Campuchia, có văn công múa hát chào mừng nhân ngày Quốc khánh Campuchia”.

img

Tuyển thủ Trần Ngọc Châu (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) trong thành phần đoàn thể thao Campuchia dự SEAP Games 2

Câu chuyện sau đó được ông Or Kim chuyển dần về hồi ức xung quanh thời hoàng kim của bóng bàn Campuchia những năm 30 đến 60 của thế kỷ trước. Ở phía đối diện bờ sông Tonle Sap có một khu cù lao có tên gọi bình dị Chru Chanvar, nơi rất nhiều gia đình Việt sinh sống từ nhiều đời. Người Việt “ở trển” (cách gọi chung về Nam Vang, tức Phnom Penh) ham thích thể thao, đặc biệt là hai môn bóng chuyền và bóng bàn. Năng khiếu là một lẽ, một lý do khác là chính quyền Campuchia thời bấy giờ rất trọng thị những người chơi thể thao. Lương một VĐV khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia khoảng 5.000 - 6.000 riel, khoản thu nhập khá cao nếu so sánh với giá 1 lượng vàng khi đó chỉ khoảng 3.000 riel! “Bóng bàn Campuchia phát triển rất mạnh từ những năm 1950.

Nhiều phòng tập bóng bàn đua nhau mở ra hoạt động, chủ yếu là tại Phnom Penh, với người tập phần lớn là những người gốc Việt. Tay vợt nhiều lần vô địch Việt Nam Trần Tuấn Anh được sinh trưởng ở đây, hay những bậc trưởng bối của anh như Trần Văn Mỹ (cha Trần Tuấn Anh), Mai Văn Minh (hồi đó dùng tên Lưu Thiện Minh), Trần Ngọc Châu, Phan Sính, Hồ Tất Khai, Lưu Đức Khôn… hoặc xa hơn có Đặng Tất (vô địch Đông Dương năm 1933) đều thành danh trên xứ người. Bản thân tôi cũng đứng ra mở một phòng tập như thế và với dàn VĐV tài giỏi như Mai Văn Minh, Khai Pu, Hồ Tất Khai và Yang Chhor Nam. CLB của tôi trở nên nổi tiếng. Yang Chhor Nam chính là người mang về cho bóng bàn Campuchia HCB đơn nam SEAP Games (tên gọi trước của SEA Games)  2”.

Quốc vương Sihanouk tặng 4 xe hơi

Sau chuyến ghé thăm Hà Nội vào năm 1964 kể trên, bóng bàn Campuchia vẫn duy trì được sức mạnh của mình, cụ thể là giành 3 HCB đồng đội nam, đôi nam và đơn nam tại SEAP Games 3 ở Malaysia 1965 vẫn với lực lượng nòng cốt kể trên. Tuy nhiên, phải đến kỳ SEAP Games 4, bóng bàn Campuchia mới thực sự tỏa sáng nhờ vào tay vợt nữ người Hoa gốc Việt là Trần Thục Trinh, thường được giới hâm mộ hai nước biết đến với tên gọi Trần Hoa Việt.

Ông Or Kim nhắc lại những thời khắc hào hùng này: “Năm đó, đoàn Campuchia giành tổng cộng 17 HCV, xếp hạng 5 toàn đoàn, người ra đón rợp sân bay Po Chen Tong nối dài về tận thủ đô. Tay vợt Trần Hoa Việt giành đến 4 HCV ở các nội dung đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội nữ, được đích thân Quốc vương Sihanouk gọi đến, tặng cho 4 chiếc xe hơi Desovo mới tinh. Yang Chhor Nam hồi giành HCB SEAP Games 2 cũng được Quốc vương mời lên tận Angkor Watt để chụp hình chung và tặng thưởng 100.000 riel”.

Cuộc đảo chính quân sự của Lon Nol vào tháng 3-1970 khiến cuộc sống người Việt ở xứ Chùa Tháp bị đảo lộn. Nhiều người quay về Việt Nam, trong đó có gia đình ông Or Kim, Trần Văn Mỹ, Mai Văn Minh… Riêng Trần Hoa Việt năm 1973 mới về nước và lập tức trở thành một hiện tượng của làng thể thao miền Nam Việt Nam. Với ưu thế về chiều cao, cô chơi giỏi cả bóng bàn lẫn bóng rổ, bóng chuyền, soán ngôi vị tay vợt bóng bàn số 1 nữ miền Nam của danh thủ Trần Thị Kim Ngôn. Nhiều tay vợt thành danh sau ngày đất nước thống nhất như Quách Pênh Huy, Hứa Tự Lực… cũng là những người Việt di cư từ Phnom Penh về sau sự kiện 1970.

Người Việt tại Campuchia còn tham gia vào bộ máy quản lý ở hiệp hội Bóng bàn Campuchia. Ngoài ông Or Kim từng đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký và sau làm Phó Chủ tịch hiệp hội, còn có các đời chủ tịch hiệp hội như Lai Hor, Khưu Du Hêng hoặc Tổng thư ký như Thái Vy Phan… đều là người gốc Việt. Hiện nay, bà Trần Hoa Việt sinh sống tại Mỹ, làm chủ một nhà hàng ăn nổi tiếng và thỉnh thoảng về thăm quê hương. Ông Trần Ngọc Châu hiện cư ngụ tại Pháp, ông Lưu Đức Khôn sang Mỹ; còn các lão danh thủ khác đều sinh sống ở quê hương như Phan Sính, Hồ Tất Khai, Mai Văn Minh, Trần Văn Mỹ…

Thể thao Việt Nam thời nào cũng nhiều nhân tài, kể cả trong số kiều bào nước ngoài. Tận dụng được tốt nguồn lực này chính là tạo cơ hội cho các tài năng kiều bào có cơ hội đóng góp cho quê hương, giúp nền thể thao của chúng ta cất cánh, bay cao hơn nữa” - ông Or Kim khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo