xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mối đe dọa vô hình của thế giới

Hoàng Phương

Hà Nội thuộc tốp 10 thành phố lớn có số người dân bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao nhiều nhất thế giới

Nước biển dâng cao do nhiệt độ thế giới tăng thêm 4 độ C có thể nhấn chìm các khu vực đang là nơi sinh sống của 760 triệu người trên thế giới. Ngoài ra, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm hơn 100 triệu người tới trình trạng cực nghèo vào năm 2030 nếu các nước không có biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời từ bây giờ.

Con người trả giá

Đó là những cảnh báo đáng lo ngại trong 2 báo cáo được tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central (Mỹ) và Ngân hàng Thế giới công bố trước thềm Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu  (COP21) diễn ra ở Pháp từ ngày 30-11 đến 11-12.

Theo báo cáo của Climate Central, 10 thành phố có số cư dân bị ảnh hưởng nhiều nhất trong kịch bản nêu trên đều nằm ở châu Á, trong đó có Thượng Hải (Trung Quốc), Calcutta, Mumbai (đều của Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Jakarta (Indonesia), Hà Nội…

Đáng chú ý, Trung Quốc - hiện là nước thải nhiều khí carbon nhất thế giới - sẽ gánh nhiều rủi ro nhất với 145 triệu người đang sống trong khu vực bị đe dọa nhấn chìm. Đối mặt tác động tương tự là gần 55 triệu người sống ở ven biển tại Ấn Độ - nước thải khí carbon nhiều thứ ba thế giới.

Trong khi đó,  Mỹ - nước thải khí carbon nhiều thứ hai thế giới - là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ngoài châu Á với 25 triệu người đang sống ở các vùng có nguy cơ nêu trên.

 


Khói mù bao trùm TP Thượng Hải - Trung Quốc,

một trong những nơi bị đe dọa khi mực nước biển dâng cao Ảnh: REUTERS

Khói mù bao trùm TP Thượng Hải - Trung Quốc,

một trong những nơi bị đe dọa khi mực nước biển dâng cao Ảnh: REUTERS

 

Cũng theo báo cáo, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể giảm đáng kể nếu nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C nhờ những biện pháp cắt giảm khí thải mạnh mẽ. Khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao giảm xuống còn 130 triệu, bao gồm 64 triệu người ở Trung Quốc. Ngoài ra, diện tích đất đai bị đe dọa nhấn chìm ở Mỹ và Ấn Độ sẽ giảm phân nửa.

Tại COP21 sắp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận biện pháp để giữ nhiệt độ Trái đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được xem là mức tăng nhiệt độ cao nhất Trái đất có thể chịu được mà không dẫn đến những thay đổi thảm họa đối với hoạt động sản xuất lương thực và đánh bắt cá, mực nước biển, đời sống hoang dã, sa mạc, nguồn dự trữ nước...

Tuy nhiên, ngay cả mức tăng 2 độ C cũng đủ làm hầu hết rạn san hô và sông băng biến mất, đồng thời làm tan chảy một phần không nhỏ chỏm băng Greenland, từ đó đẩy mực nước biển dâng cao đáng kể.

Nỗi lo ở đây, theo một số chuyên gia khí hậu, là những cam kết cắt giảm khí carbon của các nước cho đến giờ vẫn chưa đủ để chinh phục mục tiêu nêu trên.

Khí thải tăng cao

Văn phòng Khí tượng Anh hôm 9-11 cho biết nhiệt độ toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9-2015 lần đầu tiên cao hơn 1,02 độ C so với mức bình quân trong giai đoạn 1850-1900. Theo cơ quan này, thời tiết từ giờ đến cuối năm 2015 vẫn còn nóng do hiện tượng El Nino.

Cùng ngày, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố hàm lượng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã chạm mốc cao kỷ lục của năm 2014. Chẳng hạn, hàm lượng khí CO2 đạt 397,7 phần triệu (ppm), tăng 143% so với mức trước năm 1750.

Ông Michel Jarraud, Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhận định đây là tình trạng mà con người chưa từng chứng kiến trên Trái đất “trong 800.000 năm hoặc thậm chí là 1 triệu năm”. Quan chức này cảnh báo sẽ có thêm người dân trên thế giới sớm phải sống trong bầu khí quyển có hàm lượng khí CO2 vượt qua ngưỡng 400 ppm.

“Chúng ta không thể thấy khí CO2. Đó là mối đe dọa vô hình nhưng rất thật. Điều này có nghĩa nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao hơn, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, tốc độ băng tan nhanh hơn, mực nước biển dâng cao cũng như tình trạng axít hóa đại dương trầm trọng hơn” - ông Jarraud cảnh báo.

 

Lời kêu gọi của tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 9-11 chính thức gia nhập mạng xã hội Facebook với thông điệp đầu tiên nói về biến đổi khí hậu. Đoạn video được đăng tải trên trang Facebook chiếu cảnh ông Obama đi dạo ở Nhà Trắng và kêu gọi người Mỹ “gìn giữ hành tinh xinh đẹp này cho thế hệ mai sau”.

Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ: “Tôi không chỉ muốn những tổng thống tương lai có thể đi dạo như thế này mà còn hy vọng người dân Mỹ có thể thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của các công viên quốc gia, những ngọn núi, đại dương... - những món quà lớn nhất mà chúng ta nhận được”.

Theo ông Obama, điều này đòi hỏi những bước đi nghiêm túc nhằm giải quyết triệt để vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa khí thải carbon. Nhân dịp này, ông thông báo sẽ đến thủ đô Paris - Pháp để tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu sau vài tuần nữa. Lý giải việc chọn Facebook để gửi gắm thông điệp, ông Obama cho biết với số lượng người dùng đông đảo, mạng xã hội này thực sự là nơi lý tưởng để kết nối với mọi người.

Xuân Mai

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo