xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ quốc Ma Lăng

THƯỢNG VĂN (Theo baike baidu.com)

Người ta gọi đó là xứ sở “vô phu, vô phụ”, không ai gọi là chồng hay cha. Phụ nữ toàn quyền định đoạt, tựa như Tây Lương nữ quốc trong Tây Du Ký

Người Ma Lăng là dân tộc duy nhất ở Trung Quốc vẫn duy trì chế độ mẫu hệ và thực hiện nguyên tắc “nam bất thú, nữ bất giá” (nam không cưới vợ, nữ không gả chồng). Người Ma Lăng hiện có khoảng 4 vạn người, tập trung ở vùng Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên và Lệ Giang, tỉnh Vân Nam. Họ có ngôn ngữ riêng nhưng không có văn tự, hầu hết theo Phật giáo Tạng truyền nguyên thủy.

Các thư tịch cổ có nói đến tộc người này từ thế kỷ I, II trước Công nguyên. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu về việc tại sao người Ma Lăng duy trì chế độ mẫu hệ lâu dài như vậy.

Vĩnh viễn an ninh

Tịch dương buông xuống mặt hồ Lư Cô êm ả. Hồ thuộc địa phận huyện Vĩnh Ninh, cao nguyên Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, lọt thỏm trong những dãy núi trùng điệp, cao hơn 2.500 m so với mặt biển. Men theo bờ hồ Lư Cô và những triền núi uốn khúc là nơi cư trú của người Ma Lăng với số lượng khoảng 20.000 người.

Người Ma Lăng thờ nữ thần Cách Mẫu làm thần hộ mệnh, tính cách ôn thuận, đôn hậu, sống chủ yếu là trồng lúa, rau quả và chăn nuôi. Hàng ngàn năm qua, người Ma Lăng sống tụ cư cách biệt, không bị ảnh hưởng của ngoại giới. Vĩnh Ninh thực sự là nơi “vĩnh viễn an ninh”.

Nhà của người Ma Lăng làm hoàn toàn bằng gỗ. Căn nhà hình vuông, có lầu, rộng khoảng 180 m2. Giữa nhà là căn phòng chính rộng nhất dành cho nữ chủ nhân, còn gọi là “phòng tổ mẫu”. Đây cũng là nơi tế lễ, đãi khách, ăn uống, bàn việc.

Phòng tổ mẫu bắt buộc phải có 2 cây trụ chống đỡ gọi là “trụ nam” và “trụ nữ” đẽo từ một thân cây, lấy phần gốc làm trụ nữ, phần ngọn hay cành làm trụ nam, tượng trưng cho “nữ gốc, nam ngọn”. Giữa phòng tổ mẫu có một bếp lò, lửa trong lò tượng trưng cho sinh mạch của gia tộc, vì thế không bao giờ được tắt lửa. Trong gia đình Ma Lăng, chủ nhà không nhất định phải là người cao tuổi nhất, mà là người có khả năng lao động tốt nhất.

Khi khách bước vào phòng tổ mẫu, phải đặt lễ vật trên hòn đá trước bếp lò, đồng thời miệng nói liên tiếp “chu tuo”- nghĩa là “nhìn thấy rồi”. Phong tục này bắt nguồn từ câu chuyện cổ Ma Lăng kể rằng ngày xưa có hai mẹ con sống trong rừng sâu. Khi người mẹ qua đời, người con gái vẫn hằng ngày dọn bữa ăn cho hai người. Một hôm cô gái nghe trên núi truyền về tiếng của người mẹ: “Con ơi, sau này con đừng lo bữa ăn cho mẹ nữa mà chỉ cần đặt viên đá trước bếp, đến bữa đặt lên đó một ít thức ăn và nói “nhìn thấy rồi” là thỏa lòng mẹ rồi”.

Tình thương mãnh liệt giữa mẹ và con là tình cảm chủ đạo liên kết mối quan hệ trong gia đình người Ma Lăng, ngoài ra không tồn tại mối quan hệ tình cảm cha – con, vợ – chồng.

Chuyện của Chi Ma và Đa Xa

Chi Ma 38 tuổi, da ngăm đen, mũi thẳng đặc trưng, người gầy nhưng đầy sức sống. Chị đang chuẩn bị bữa ăn trưa đãi khách gồm khoai lang, rau tập tàng và thịt heo muối. Món thịt heo muối này là đặc sản của người Ma Lăng, được chế biến rất công phu: Heo làm thịt nguyên con, lấy hết nội tạng và xương ra, cho vào bên trong thật nhiều tiêu, ớt, muối và gia vị, sau đó may kín lại như nguyên trạng rồi đem phơi ở nơi khô ráo, thoáng gió từ 3 đến 5 năm mới đem xuống làm thức ăn. Món này có mùi vị rất độc đáo.

Nhà Chi Ma có tổng cộng 22 người, gồm mẹ, 6 chị em gái và 15 đứa trẻ. Những đứa trẻ này là con chung. Các chị em Chi Ma cùng hợp sức nuôi nấng chúng. Họ coi đó là bổn phận, không cảm thấy sự thiếu vắng đàn ông hay anh em trai trong nhà là điều đáng sợ. Ngược lại họ cho rằng được ở chung với nhau suốt đời như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Chi Ma nói bằng tiếng Ma Lăng: Cả thôn này giống như một nhà, ngay một đứa trẻ ra đời cũng không nhất định là mẹ đẻ phải chăm sóc mà tất cả phụ nữ ai có sữa cũng có thể cho bú như con mình. Trong ngôn ngữ Ma Lăng không có các từ “mẹ ruột”, “mẹ nuôi” hay “mẹ kế”. Phụ nữ trưởng thành đều gọi “A mi”, nghĩa là mẹ. Con trong thôn là con chung. Trong nhà không có đàn ông cũng không thành vấn đề.

Một số người Ma Lăng thậm chí không biết ai là mẹ đẻ của mình. Con cái của các A mi trong nhà đều coi nhau như anh em ruột thịt.

Chi Ma hiện có bạn tình là Đa Xa, 35 tuổi, ở cách nhà Chi Ma khoảng 15 phút đi bộ. Khi hỏi quan niệm của anh về vấn đề nam nữ, anh nói: “Đàn ông Ma Lăng không biết so đo, tính toán, dù thấy bạn tình kết hợp với người khác cũng không ghen tuông. Bạn tình và con cái đều ở nhà riêng, con thì do cậu của chúng chăm sóc, không cần đến tôi. Ngay tôi cũng là cậu những đứa con của chị em gái tôi. Bây giờ tôi chăm sóc chúng, về già chúng sẽ chăm sóc tôi”.

Đa Xa đã quan hệ tình cảm với 3 phụ nữ và có 3 con, nhưng anh không có trách nhiệm nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cũng giống như chế độ hôn nhân “một vợ một chồng”, đàn ông Ma Lăng không được đồng thời có hai bạn tình.

Nhiều ý kiến cho rằng người Ma Lăng lạc hậu, phóng đãng, nhưng cũng không ít người lại cảm thấy rằng vùng đất này thật yên tĩnh hài hòa, con người thuần phác, không cạnh tranh, hầu như không có án phạm pháp, đúng là “thiên đường nhân gian”.

Quyền của cậu

Trong thế giới người Ma Lăng, người đàn ông phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái của chị em gái. Do đó người cậu được gọi là “A wu”, nghĩa tôn kính là cha đẻ, rất được tôn trọng. Ngay người cha ruột muốn đánh con mình cũng phải xin ý kiến người cậu. Do anh em trong nhà có cha ruột khác nhau, tất cả đều do người cậu lo liệu.

Người Ma Lăng có thể biết cha mình là ai, nhưng điều đó không quan trọng. Khi đứa con đầy tháng, người mẹ sẽ mời cha ruột của đứa bé đến nhà để tặng quà nhận con. Khi con lớn, đến Tết Nguyên đán hay lễ lớn, người con phải đến nhà cha ruột để thăm, người cha cũng phải có quà tặng. Khi làm lễ trưởng thành, người cha bắt buộc phải đến chứng kiến. Người cha không chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con ruột, nhưng phải nuôi con của chị em gái mình, vì thế quan hệ với cháu ngoại lại mật thiết hơn với con ruột. Do đó người Ma Lăng thường nói “biết cha, không thân cha”.

Một đặc điểm của người Ma Lăng là họ cho rằng tất cả thành viên trong gia đình đều là huyết thống mẫu hệ đồng nhất, lại thêm ý thức đạo đức về tôn sùng người mẹ, nên mọi người trong nhà đều thân thiết hòa mục, kính già yêu trẻ. Nhờ đó, tính cách của người Ma Lăng là lễ độ mà rộng rãi, nhiệt tình mà thành thật, đàn ông hào sảng mà trọng nghĩa, phụ nữ đa tình mà hướng nội.

Phụ nữ Ma Lăng biết yêu, yêu say mê, thật lòng, nhưng không hề có chuyện yêu sống yêu chết. Người nam đến nhà người nữ ngủ và sáng sớm hôm sau phải rời khỏi nhà. Nếu có con, người nam không có trách nhiệm nuôi mà hoàn toàn giao phó cho nhà gái. Ngược lại anh ta phải lo nuôi nấng những đứa con của chị em gái, thậm chí cả mẹ mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo