xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Syria - Nơi nguy hiểm

NGÔ SINH

Cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm qua với 6.000 người dân chạy trốn khỏi đất nước này mỗi ngày

Các giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhận định tội ác chiến tranh và tội ác chống lại con người đang là “quy luật” ở Syria hiện nay. LHQ ước tính 5.000 người tử vong ở Syria mỗi tháng, đồng thời đánh giá đây là sự hủy hoại trầm trọng nhất của cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm rưỡi. Tổng số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria đã lên đến 93.000 người.

Thảm họa nhân đạo

Đề cập nỗi thống khổ mà thường dân Syria phải gánh chịu, Trưởng Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) Antonio Guterres nhấn mạnh rằng làn sóng người tị nạn ở nước này đã đạt đến mức độ kinh hoàng nhất kể từ cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Báo The Independent dẫn lời ông Guterres cho biết mỗi ngày trung bình có hơn 6.000 người tìm kiếm sự an toàn ở nước khác.
img
Có đến 6.000 người tị nạn Syria vượt biên giới mỗi ngày Ảnh: BBC

Theo UNHCR, số người Syria buộc phải tìm kiếm nơi trú ẩn ở nước ngoài kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến vào tháng 3-2011 đã vượt qua 2 triệu và không có dấu hiệu dừng lại. Cách đây gần 1 năm, số người Syria đăng ký tị nạn hoặc chờ đăng ký khoảng 230.670 người. Như vậy, trong vòng 12 tháng, số người tị nạn Syria đã tăng gần 1,8 triệu người.

Ông Guterres nhận định Syria đã trở thành một thảm họa nhân đạo ô nhục trong lịch sử thế giới. Hơn 97% người tị nạn Syria hiện cư ngụ tại các nước trong khu vực và là gánh nặng đối với cơ sở hạ tầng, nền kinh tế - xã hội các nước này. Họ đang cần sự hỗ trợ của quốc tế ở mức độ khẩn cấp để đương đầu với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Đặc phái viên UNHCR Angelina Jolie đã “hết hồn” trước mức độ chết chóc, thiệt hại và nguy hiểm buộc nhiều người Syria phải liều mạng chạy trốn. Bà lo ngại: “Nếu tình hình tiếp tục ở mức độ này, số người tị nạn sẽ còn tăng cao và một số nước láng giềng có thể nguy hiểm. Chúng ta phải trợ giúp hàng triệu người dân vô tội rời bỏ nhà cửa và giúp các nước láng giềng gia tăng khả năng đối phó với làn sóng người tị nạn Syria”.

Trong số 2 triệu người Syria tị nạn, 110 người hiện ở Ai Cập, 168.000 người ở Iraq, 515.000 ở Jordan, 716.000 ở Lebanon và 460.000 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, khoảng 52% số người tị nạn này ở độ tuổi từ 17 trở xuống. Theo UNHCR, người tị nạn Syria là trẻ em đã vượt quá con số 1 triệu.

Ngoài ra, theo dữ liệu của Văn phòng Phối hợp các vấn đề nhân đạo (OCHA), còn có 4,25 triệu người tị nạn bên trong đất nước Syria, một nửa trong số đó là trẻ em. Như vậy, tổng cộng có hơn 6 triệu người Syria chạy trốn sự tàn khốc của chiến tranh - số lượng người tị nạn cao hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Tị nạn trong nước

Hàng trăm ngàn người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã không được bảo vệ sau khi bị buộc rời bỏ nhà cửa, thường là nhiều lần, để tìm kiếm nơi an toàn hơn trong nước. Không nơi trú ẩn, thiếu thực phẩm và không được chăm sóc y tế thỏa đáng, nhiều người phụ thuộc chủ yếu vào nhu yếu phẩm trợ cấp từ các cơ quan cứu trợ.
img
Khoảng một nửa số người tị nạn Syria là trẻ em Ảnh: NEWS.COM.AU

Gia đình Ayesha nằm trong số đó. Ayesha kể bà rời bỏ quê hương ở phía Bắc Syria sau khi nhà cửa bị bom đánh sập, 2 con bà ở độ tuổi thiếu niên bị thiệt mạng. Bà đang sống tại một ngôi nhà hoang cùng với con cháu. “Gia đình tôi có 5 người mất mạng. Mỗi ngày, chúng tôi đều là mục tiêu của bom đạn, tên lửa và các tay súng bắn tỉa” - bà nhớ lại. Ayesha nằm trong số hàng triệu người có nhu cầu khẩn cấp được bảo vệ và hỗ trợ, theo nhận định của LHQ.

Nhà cửa, đất đai bị tàn phá đã buộc nhiều người từ bỏ cuộc sống bình yên của họ. Zenat kể rằng chị bỏ đi khi ngôi nhà bị trúng bom. Đứa con trai 4 tuổi của chị bị nhiều vết bỏng từ vụ đánh bom nhưng không được điều trị thích hợp.

Đài CNN xác nhận hệ thống y tế Syria chịu tổn thất nặng nề. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 50% bệnh viện ở Syria bị tàn phá hoặc không hoạt động. Điều đó có nghĩa là người dân sẽ không được chăm sóc y tế một cách tức thời, ngay cả trong tình huống nguy hiểm. “Chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ, cũng chẳng có bác sĩ. Vậy chúng tôi có thể đưa con đến đâu? Tim tôi thắt lại khi nhìn thấy con ở trong tình trạng đó. Đối với tôi, đó là một cảm giác rất nặng nề” - Zenat nhớ lại.

Theo dữ liệu do cơ quan phụ trách về y tế Syria đệ trình LHQ, tính đến tháng 7-2013, 60% trong số 91 bệnh viện công ở nước này đã chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Trong đó, 20 bệnh viện bị hư hại và 35 bệnh viện không hoạt động. Nhiều bác sĩ Syria cũng bỏ nước ra đi.

Đối với các cơ quan cứu trợ đang nỗ lực viện trợ về y khoa cho Syria, nước này vẫn là một trong những nơi nguy hiểm nhất. Người dân ở một số thành phố bị hư hại nặng nề thậm chí ít được tiếp cận với việc chăm sóc y tế. Bộ Y tế Syria ước tính ở Deir-ez-Zo, Idleb và Aleppo, 70% trung tâm y tế bị hư hại hoặc không hoạt động.

Năm 2013, cần 1,4 tỉ USD

Hội đồng Bảo an LHQ đang cố bảo đảm đưa hàng cứu trợ đến tận tay người tị nạn ở Syria, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này cho phép đưa hàng cứu trợ qua biên giới, cũng như kêu gọi các bên xung đột đồng ý tạm ngưng chiến sự cho các đoàn xe cứu trợ đi qua.

OCHA, cơ quan LHQ về hỗ trợ người dân Syria, ước tính chỉ riêng năm 2013, nước này cần khoảng 1,4 tỉ USD để đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng tăng. Tình trạng bất ổn của dân số Syria sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều năm sau. Còn lúc này, hàng triệu người sống trong tình cảnh cơ cực đang cần được trợ giúp tức thời.

 
Kỳ tới: Cuộc khủng hoảng ở Iraq
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo