Triều Tiên cách xa “tâm chấn” của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi hàng ngàn cây số. Tại nước này chưa có ca nhiễm Ebola nào trong khi tổng số trường hợp tử vong trên toàn cầu đã hơn 9.000 người.
Thế nhưng, từ tháng 10-2014, Bình Nhưỡng đóng chặt các cửa khẩu nhằm hạn chế khách du lịch quốc tế tới đây do lo ngại lây lan Ebola. Không chỉ vậy, những người nước ngoài đến Triều Tiên còn bị cách ly 21 ngày (thời gian ủ bệnh tối đa).
Nhân viên ngoại giao đoàn hoặc các tổ chức quốc tế được phép ở tại nơi cư trú của mình. Tuy nhiên, thông điệp gởi đến các nhà ngoại giao ở Bình Nhưỡng nêu rõ: “Một vài thành viên của các ngoại giao đoàn vẫn chủ trì hay tham gia tiệc tùng, họp hành”. Các nguồn tin ngoại giao xác nhận với hãng tin Reuters rằng thông điệp đề ngày 2-2-2015, được gửi đến các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11-2 tuyên bố kế hoạch rút gần 1.300 quân triển khai tại Tây Phi thực thi nhiệm vụ đối phó dịch Ebola trước ngày 30-4. Quyết định này được đưa ra khi ông nhận thấy số ca nhiễm mới Ebola giảm.
Trái lại, Bình Nhưỡng vẫn cảnh giáo cao độ. Chẳng hạn, ông Kim Yong-nam, người đứng đầu nhà nước Triều Tiên về danh nghĩa, bị kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi trở về từ châu Phi vào cuối tháng 11-2014, một quan chức chính phủ Hàn Quốc vừa cho biết.
Những người làm việc trong ngành công nghiệp du lịch của Triều Tiên vẫn chưa biết khi nào lệnh cấm du lịch sẽ được dỡ bỏ nhưng dự kiến, có thể mở lại các tour trong tháng 4.
Trong vụ việc khác, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, hôm 12-2, Bình Nhưỡng công bố một danh sách 310 khẩu hiệu mới. Ví dụ như khẩu hiệu tuyên truyền cho chủ trương lớn duy trì sức mạnh quân sự của Triều Tiên: “Nếu kẻ thù xâm phạm đến nước ta, hãy tiêu diệt đến tên cuối cùng”…
Bình luận (0)