xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ván cờ cân não Mỹ - Trung

Xuân Mai

Trong ván cờ ngoại giao, Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự hợp tác sâu hơn của Trung Quốc để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Cùng lúc, ông chủ Nhà Trắng lại đang khởi động một kế hoạch được cho là khó tránh xung đột về thương mại với Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump dự kiến chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bắt đầu xem xét các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ từ ngày 14-8.

Mặc cả bằng thương mại

Trở về Washington sau kỳ nghỉ chính thức đầu tiên, ông Donald Trump dự kiến sẽ ký một bản ghi nhớ quyết định có điều tra Trung Quốc về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không, liên quan tới cáo buộc Bắc Kinh thất bại trong việc ngăn chặn nạn đánh cắp bí mật thương mại và gian lận mạng, vi phạm quyền tác giả và hàng giả.

Ván cờ cân não Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford (trái) bắt đầu công du 3 nước châu Á: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản từ ngày 13-8 Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Lẽ ra, Nhà Trắng đã yêu cầu mở cuộc điều tra theo điều 301 Đạo Luật Thương mại, ban hành năm 1974, từ đầu tháng 8-2017 song động thái này phải tạm hoãn khi Mỹ tập trung hợp tác với Trung Quốc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Politico, trang phân tích chính trị của Mỹ thông tin đầu tiên về việc này, cho rằng điều tra không đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt tức thời nhưng kết quả có thể dẫn đến những mức thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao nói với đài CNN rằng ông Donald Trump đã thông báo về bản ghi nhớ nêu trên trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11-8. Động thái đó chưa phải là một cuộc điều tra chính thức nhưng sẽ là cơ sở cho quá trình này. Nếu sai phạm bị phát hiện trong cuộc điều tra, ông Donald Trump có thể áp đặt thuế lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Đây sẽ là bước ngoặt đáng kể trong nỗ lực tái định hình mối quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của tổng thống Mỹ. Theo báo The New York Times (Mỹ), một cuộc điều tra như thế, nếu diễn ra, sẽ dẫn đến các hành động trả đũa.

Cũng trong cuộc điện đàm hôm 11-8, Tổng thống Donald Trump đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân tầm xa có khả năng vươn đến Mỹ. Khác với những người tiền nhiệm luôn cố phân định rạch ròi giữa vấn đề an ninh và thương mại trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump rõ ràng đã liên kết 2 vấn đề này. Tổng thống Mỹ nói với báo giới hôm 10-8: "Nếu Trung Quốc giúp chúng ta, tôi sẽ nghĩ khác về thương mại".

Hết kiên nhẫn

Ông Donald Trump đã tìm cách gây áp lực về vấn đề thương mại và Triều Tiên với Trung Quốc trong nhiều tháng qua. Sau cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại bang Florida hồi đầu năm, tổng thống Mỹ chuyển từ lạc quan sang thất vọng khi Bắc Kinh không có động thái đáng kể nào. Sự mất kiên nhẫn của ông Donald Trump dẫn đến quyết định công khai đe dọa về khả năng hành động quân sự chống lại Triều Tiên - lời cảnh báo rõ ràng có ý để Bắc Kinh nghe thấy.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra bất mãn về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ít quan tâm đến đề xuất giải pháp "đóng băng đổi lấy đóng băng" của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, để đổi lại việc Bình Nhưỡng đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ phải ngừng các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên.

Bà Yun Sun, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington - Mỹ, nhận định các nhà lãnh đạo Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ xem Trung Quốc là đe dọa chiến lược số 1 và vấn đề Triều Tiên được sử dụng để nhằm vào Trung Quốc, thông qua trừng phạt và nhiều biện pháp khác. Theo nữ chuyên gia này, Bắc Kinh cũng lấy làm bất bình vì Mỹ từ chối thảo luận về những mặc cả lớn liên quan đến việc chấm dứt cuộc chơi trong tương lai của bán đảo Triều Tiên. Theo đó, điều quan tâm nhất đối với Trung Quốc lúc này là việc triển khai lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc trong tương lai khi số lượng binh sĩ hiện ở mức 28.500 người.

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng về chương trình hạt nhân Triều Tiên, ngày 14-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford sẽ có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận về liên minh quốc phòng song phương và những mối đe dọa tên lửa, hạt nhân Triều Tiên. Chuyến thăm Hàn Quốc là một phần trong chuyến công du châu Á của ông Dunford, gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, nhằm thảo luận với các nước này về vấn đề an ninh khu vực bức thiết hiện nay. 

Nhan nhản hàng Triều Tiên dán mác Trung Quốc

Các thương nhân và doanh nghiệp ở TP Đan Đông - Trung Quốc tiết lộ những công ty dệt của nước này ngày càng tăng cường sử dụng các nhà máy Triều Tiên để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.

Hãng tin Reuters ngày 13-8 dẫn lời các nguồn tin trên cho biết các sản phẩm may mặc gia công ở Triều Tiên đều được dán nhãn "sản xuất tại Trung Quốc" và được xuất khẩu khắp thế giới. Việc sử dụng Triều Tiên để sản xuất quần áo giá rẻ này cho thấy mỗi khi một cánh cửa của Bình Nhưỡng bị đóng lại vì lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), một cánh cửa khác có thể sẽ mở ra. Từ trước đến nay, các biện pháp của LHQ không bao gồm lệnh cấm nào về xuất khẩu hàng dệt may.

"Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp thế giới" - một doanh nhân tại Đan Đông, thành phố biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cho biết. Cũng giống như nhiều người khác trong phóng sự của hãng tin Reuters, vị doanh nhân này đề nghị được giữ kín danh tính vì tính nhạy cảm của sự việc. Theo ông, có hàng chục đại lý may mặc tại Đan Đông hoạt động như những bên môi giới cho các nhà cung cấp quần áo Trung Quốc với người mua từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga. Trong khi đó, một thương nhân Trung Quốc sống tại Bình Nhưỡng tiết lộ các nhà sản xuất có thể tiết kiệm tới 75% chi phí khi gia công quần áo tại Triều Tiên. Tất cả nhà máy tại Triều Tiên đều thuộc sở hữu của chính phủ và hoạt động liên tục.

Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), hàng dệt may là mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ 2 ở Triều Tiên sau than và các khoáng sản khác với tổng giá trị 752 triệu USD trong năm 2016. Tổng giá trị hàng xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 4,6% lên 2,82 tỉ USD. Theo người phát ngôn Hải quan Trung Quốc Huang Songping, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỉ USD trong nửa đầu năm 2017, trong đó phần lớn là các nguyên liệu dệt may và hàng hóa truyền thống cần nhiều sức lao động khác không có trong danh sách cấm của LHQ.

Các lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ, được nhất trí vào đầu tháng này, đã hoàn toàn cấm xuất khẩu than tại Triều Tiên. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may phát triển cho thấy Triều Tiên đã dần trở nên thích nghi với các lệnh trừng phạt kể từ năm 2006, khi nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên.

Bảo Hạnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo