Hãng tin Yonhap cho biết tính đến cuối ngày 17-4, đã có 9 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Sewol và 287 người vẫn còn mất tích. Số người được cứu sống là 179.
Những dòng tin nhắn cuối cùng
Tàu Sewol gặp nạn khi chở theo 475 hành khách, trong đó đa số là học sinh một trường trung học ở ngoại ô Seoul. Nhiều người không thể cầm nước mắt khi đọc những dòng tin nhắn, nghe kể về cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa học sinh trên tàu và cha mẹ mình trong giây phút định mệnh.
Một nam sinh nhắn cho mẹ: “Mẹ ơi, con không thể nói với mẹ bây giờ nên con phải gửi tin nhắn. Con yêu mẹ nhiều”. Người mẹ nhắn lại mà không hề biết con mình đang ở trên con tàu đang chìm: “Mẹ cũng yêu con, con trai của mẹ”.
Người thân của những người mất tích khóc trong đau đớn tại cảng Jindo hôm 17-4
Ảnh: REUTERS
Lúc 10 giờ 4 phút ngày 16-4 (tàu phát tín hiệu cầu cứu lúc 8 giờ 58 phút), một nữ sinh họ Shin nhắn tin trấn an cha mình: “Cha à, cha đừng lo. Con đang ở cùng bạn bè và chúng con có một chiếc áo phao”. Người cha nhắn lại: “Cứu hộ đang diễn ra nhưng nếu có thể con hãy tự tìm cách thoát ra ngoài”. Cô bé trả lời: “Giờ con không ra ngoài được. Hành lang đầy người và tàu bị nghiêng nhiều quá”.
Trang tin Bloomberg thuật lại trường hợp của nữ sinh tên Park Ji-yoon. Khoảng 12 giờ sau khi tàu xuất phát, em gọi điện thoại cho bà ngoại Kim Ok-young, người nuôi em từ nhỏ. Bà Kim ngạc nhiên vì trước đó khoảng 90 phút, cháu gái đã gọi điện. Bà cảm nhận rõ giọng nói run rẩy của Ji-yoon. “Bà ơi, cháu nghĩ cháu sắp chết. Tàu chìm và cháu đang bám vào thanh chắn. Cháu phải đi đây”. Điện thoại ngắt đột ngột.
Ở cảng Peng Mok, đảo Jindo, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 20 km, gia đình các hành khách mất tích ngồi bất động hàng giờ, nhìn chằm chằm về phía biển cả mênh mông. Những người mẹ, người bà chỉ biết ôm lấy nhau, khóc và an ủi nhau.
Anh hùng đời thường
Công tác cứu hộ thực sự đang gặp khó khăn. Mưa phùn không dứt khiến tầm nhìn bị hạn chế. Sóng lớn đã đánh dạt 3 thợ lặn nhưng họ may mắn được một tàu đánh cá cứu sống hôm 17-4. Chiều cùng ngày, các nhân viên cứu hộ cố gắng dùng một chiếc cần cẩu để ổn định con tàu.
“Có một số khu vực ở thân tàu vẫn ở trên mặt nước và không bị chìm. Vấn đề ở đây là nhiệt độ nước biển thấp (10 độ C) và việc đưa người đến cứu nạn nhân một cách nhanh chóng” - ông Mike Dean, Phó Giám đốc phụ trách giải cứu và lặn của Hải quân Mỹ, cho biết.
Giữa hỗn độn những thanh âm la hét, kêu gào cứu giúp và nỗi sợ chết bủa vây khắp con tàu đang chìm, những anh hùng đời thường xuất hiện giành lấy sự sống cho người khác bất chấp sinh mạng bản thân.
Park Ji-young, nữ thuyền viên 22 tuổi trên tàu Sewol, là một người như thế. Trong thảm kịch hàng hải tệ hại nhất Hàn Quốc kể từ năm 1993, cô vẫn lao đến giúp những hành khách ở tầng 3 và 4 mặc áo cứu hộ, hướng dẫn lối thoát cho họ.
“Khi con tàu nghiêng, hành khách bị dồn về một cánh cửa, một người bị rơi xuyên qua đó. Đúng lúc này, cô Park nhanh tay kéo người ấy lại và đẩy những hành khách khác thoát ra ngoài” - một người sống sót kể. Nhìn thấy thi thể con gái được chuyển tới bệnh viện, mẹ của Park Ji-young đổ gục và nức nở: “Mẹ không thể tưởng tượng con bỏ mẹ mà đi”.
Nam sinh Jeong Cha-woong 17 tuổi cũng được ca ngợi. Cậu thiệt mạng sau khi đưa áo phao của mình cho người bạn đang chìm và lao xuống nước để cứu những người khác.
Người thân tức giận
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won bị thân nhân của những người gặp nạn tấn công khi đến thăm họ tối 16-4. Cha của một học sinh mất tích đã cùng 10 phụ huynh bỏ ra 61.000 won thuê một chiếc thuyền và một thợ lặn tới hiện trường với hy vọng tự cứu được con mình. “Không có hoạt động cứu hộ nào đang diễn ra. Những gì họ đang làm lúc này là cố ngăn tràn dầu. Tôi vô cùng tức giận” - ông nói với tờ International Business Times lúc trở về bờ.
Chỉ triển khai 1 xuồng cứu hộ?
Có 46 xuồng cứu hộ trên tàu Sewol nhưng chỉ có 1 chiếc được triển khai. Theo đài CNN, thông tin trên chưa được kiểm chứng nhưng nếu đúng thì các thân nhân sẽ càng thêm phẫn nộ. Trong đoạn ghi âm do các nạn nhân sống sót thu lại có tiếng loa cảnh báo mọi người “ngồi im” vì di chuyển sẽ khiến họ gặp nhiều nguy hiểm hơn.
“Tôi xin lỗi” - ông Lee Joon-suk, thuyền trưởng của con tàu chìm, chỉ thốt lên khi bị phóng viên căn vặn. Ông này có thể bị buộc tội lơ là trách nhiệm và ngộ sát. Có suy đoán con tàu đã di chuyển lệch khỏi lộ trình và tông phải đá ngầm.
Bình luận (0)