xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

100 NGÀY SÔI NỔI (*): Vỡ òa niềm vui

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Hàng trăm cựu chiến binh khắp nơi trong cả nước đã có buổi gặp mặt đầy ý nghĩa tại Cao Lãnh sau hàng chục năm xa cách

Ngày 28-10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc với sự tham dự của những cựu chiến binh (CCB) đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Buồn vui lẫn lộn

Từ sáng sớm, hàng chục CCB đã dạo quanh khu trưng bày những hình ảnh ghi dấu một thời của quê hương Đồng Tháp Mười xưa và nay. Trong đó có những CCB đã nhiều lần cùng đồng đội tập kết ra Bắc học tập, đào tạo nâng cao trình độ để xây dựng quân đội chính quy, hậu phương miền Bắc vững mạnh phục vụ cho chiến trường miền Nam.

 

Các cựu chiến binh họp mặt tại Cao Lãnh trong lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc
Các cựu chiến binh họp mặt tại Cao Lãnh trong lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, CCB Lê Duy Thềm (bí danh Lê Thanh Nam; ngụ xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết ông rất vui mừng khi nhận được kế hoạch, chương trình kỷ niệm này của tỉnh Đồng Tháp từ năm ngoái. Càng phấn khích hơn khi ông được chọn là nhân chứng để viết hồi ký về những ngày tháng gắn bó với người dân vùng Đồng Tháp Mười cũng như của cả miền Nam ruột thịt. “Năm 1951, tôi là một trong những chiến sĩ thuộc Binh chủng Thông tin được chọn vào đoàn quân Nam tiến với nhiệm vụ bàn giao các tài liệu mật cho những đơn vị liên quan từ biên giới phía Bắc đến vùng Tây Nam Bộ. Giữa năm 1954, tôi và đồng chí Nguyễn Minh Kỉnh (nguyên Ủy viên Trung ương cục miền Nam, quê Đồng Tháp) tháp tùng đoàn cán bộ, chiến sĩ hơn 200 người tập kết ra Bắc để học tập về Hiệp định  Genève” - ông Thềm nhớ lại.

Theo ông Thềm, đoàn quân phải đi len lỏi bằng xuồng từng tốp một theo các con rạch từ Tân An (tỉnh Long An) mới về đến điểm tập kết tại bến Bắc Cao Lãnh. Hình ảnh không phai trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ là tình cảm thân thiết của người dân Đồng Tháp khi chia tay đoàn. Đặc biệt, khi đoàn quân đi qua các ngã ba, ngã tư kênh, biết bao người dân đã bắt tay hoặc ôm hôn thắm thiết. Có người còn đưa cả nắm đất quê hương để nhờ đoàn cán bộ, chiến sĩ gửi tặng Bác Hồ.

Khi đoàn quân vừa cập bến Sầm Sơn (phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), dân quân nơi đây phải lên tận các huyện miền Tây trong tỉnh để tìm các loại lá cây mang về cất lán trại dài hàng trăm mét. Chính quyền địa phương huy động hàng trăm thanh niên, dân quân làm mảng bè để cho cán bộ, chiến sĩ sang xuồng nhỏ vào đất liền. “Trong niềm vui hân hoan đó cũng có chút thoáng buồn vì chỉ sau 4 năm xa cách mà bố tôi đã không nhận ra con mình với giọng nói của người miền Nam. Sau khi được giải thích cặn kẽ, người thân trong gia đình và hàng xóm chạy ùa đến đón mừng tôi trong nước mắt” - ông Thềm kể.

Thỏa lòng ước mong

Có mặt trong buổi lễ dâng hương thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào chiều 28-10, nhiều CCB không khỏi vui mừng, xúc động khi gặp lại đồng đội năm xưa.

Là người được mệnh danh “Anh hùng bắn máy bay”, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - đại tá Nguyễn Văn Bảy cho biết ông rất mừng khi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi lễ đầy ý nghĩa này. Sau 60 năm kể từ ngày tập kết chuyển quân ra Bắc và hơn 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây là lần đầu tiên các CCB có dịp gặp lại nhau. “Dù không thể gặp lại toàn bộ đồng đội năm xưa nhưng tôi rất xúc động mà không có lời nào tả hết. Sau khi tập kết ra Bắc, tôi được tuyển chọn qua Liên Xô (cũ) học lái máy bay chiến đấu. Khi trở về nước, tôi đã trực tiếp chiến đấu và bắn rơi 7 máy bay của địch, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” - đại tá Bảy nhớ lại.

Theo đại tá Bảy, hiện ông rất tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương như vận động bạn bè ủng hộ tiền, hiện vật để làm đường nông thôn, kéo điện lưới quốc gia cho người dân sử dụng. Bên cạnh đó, ông còn tham gia các buổi nói chuyện về truyền thống yêu nước cho học sinh tại địa phương… “Tôi cũng không biết mình có còn cơ hội gặp lại đồng đội trong lần kỷ niệm tới hay không. Dù sao, lần gặp gỡ này cũng thỏa lòng ước mong của chúng tôi bấy lâu nay” - đại tá Bảy bộc bạch.

 

Ân tình người xứ Thanh

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Thanh Hóa đang hướng về Cảng Hới (thị xã Sầm Sơn), nơi mà cách đây 60 năm về trước là điểm đầu tiên được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong những ngày tháng đó, mặc dù đang còn gặp vô vàn khó khăn nhưng nhân dân Thanh Hóa luôn sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” cho đồng bào miền Nam. Sau một thời gian nghỉ tại Sầm Sơn, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được di chuyển đến các ngành ở trung ương và các địa phương miền Bắc để học tập, tham gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Trí Trác (76 tuổi) vẫn nhớ như in những ngày tháng đó. Ông kể: “Ngày đó tôi mới 16 tuổi, tham gia đội thanh niên xã Quảng Tiến, khi nghe tin Cảng Hới sẽ là nơi đầu tiên đón cán bộ, chiến sĩ miền Nam, chúng tôi ai nấy đều háo hức”. Theo ông Trác, dù thời đó ở Sầm Sơn nhiều nhà không đủ ăn nhưng vẫn dành cơm, quần áo ấm, chỗ ăn ngủ cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam để không một ai phải đói rét.

Cụ Trần Trí Hợi năm nay đã 92 tuổi, tuy trí lực không còn minh mẫn nhưng khi chúng tôi nhắc về những ngày tháng đó, mặt cụ như sáng lên thể hiện niềm tự hào. Hồi đó, cụ Hợi là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến và là người đứng ra chỉ đạo, tổ chức nhân dân địa phương đón tiếp cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. “Được cấp trên giao nhiệm vụ, chúng tôi đã huy động người dân đóng góp hàng ngàn cây luồng để làm bè, đổ đất đá làm đường ra cảng. Đích thân tôi chèo thuyền ra biển đón cán bộ, chiến sĩ miền Nam trên những chiếc tàu lớn của Nga, Ba Lan” - cụ Hợi nhớ lại.

Trở lại Thanh Hóa trong những ngày này, ông Lê Bá Kiều (quê Cà Mau, một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc) không khỏi bồi hồi xúc động. “Hồi đó, người dân Sầm Sơn đã dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam tình cảm vô cùng gần gũi thân thương khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc trên chuyến đi dài” - ông Kiều nói. T.Minh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo