xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ám ảnh tai nạn nghề nghiệp!

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Mỗi năm có gần 1.000 người bị phơi nhiễm HIV, trong đó phần lớn là nhân viên y tế. Đây là rủi ro mà đội ngũ y - bác sĩ phải đối diện hằng ngày để luôn sẵn sàng tâm lý hết mình vì người bệnh

Những nỗ lực của 19 y - bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội giúp bệnh nhân HIV/AIDS hồi sinh đã được ngành y tế động viên, khen thưởng. Nhưng sau vụ việc này, rất nhiều lo ngại đặt ra về tai nạn nghề nghiệp đối với nhân viên y tế.

Sẵn sàng cho tình huống bất ngờ

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết báo cáo người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp phơi nhiễm HIV trên toàn quốc (gồm 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành) năm 2014 cho thấy có 951 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tập trung chủ yếu ở nhóm cán bộ y tế, công an, lao động - thương binh và xã hội, quân đội... Trong số này, có 853 người được khám tư vấn xác định có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV). Trước đó, năm 2013 cũng có 914 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp với 765 người có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Điều may mắn là trong số tất cả trường hợp này, không ai bị nhiễm HIV.

Phơi nhiễm HIV là tai nạn nghề nghiệp mà các nhân viên y tế luôn phải đương đầu
Phơi nhiễm HIV là tai nạn nghề nghiệp mà các nhân viên y tế luôn phải đương đầu

Theo ông Cảnh, rủi ro thường xảy ra khi cán bộ làm nhiệm vụ chăm sóc và điều trị, xét nghiệm, cho người nhiễm HIV như tiêm chích, phẫu thuật, xét nghiệm máu, đỡ đẻ, nhổ răng, dọn dẹp dụng cụ, làm vệ sinh, vận chuyển rác thải đi xử lý...; hoặc các chiến sĩ công an trong lúc làm nhiệm vụ bị tội phạm tấn công. Với khoảng 227.000 người nhiễm HIV và tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam cho thấy cán bộ y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao.

Vẫn có nhiều nhân viên y tế không chú trọng bảo hộ cá nhân khi thăm khám bệnh nhân
Vẫn có nhiều nhân viên y tế không chú trọng bảo hộ cá nhân khi thăm khám bệnh nhân

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cán bộ y tế phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền, trong đó có HIV. “Dù dự phòng tốt đến đâu nhưng trong môi trường làm việc có nhiều nguy cơ như y tế thì người thầy thuốc luôn phải sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ” - PGS Kính khuyến cáo.

Tai họa khó tránh

Từ vụ 19 y - bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng rủi ro nghề nghiệp đối với nhân viên y tế là rất khó tránh vì nhiều tình huống xảy ra không thể lường trước được.

Một kỹ thuật viên khoa xét nghiệm của BV Bệnh nhiệt đới trung ương từng bị phơi nhiễm HIV khi đưa ống máu của bệnh nhân AIDS vào máy xét nghiệm sinh hóa. Trong quá trình thao tác, nhân viên này để giá đựng huyết thanh va vào thành máy, vỡ ống làm huyết thanh bắn vào mặt và mắt. Trường hợp khác rơi vào một bác sĩ điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy và bị AIDS. Trong lúc đang tiêm thuốc cắt cơn thì bệnh nhân lên cơn vật thuốc rồi gồng mình, đá chân và gạt tay làm cho xi lanh đang tiêm tĩnh mạch bật trở lại cắm thẳng vào tay của bác sĩ. Dù hiểu được nguy cơ lây nhiễm nhưng phải mất hơn 1 năm sau, nhiều lần xét nghiệm cho kết quả âm tính bác sĩ này mới hoàn hồn vì thoát khỏi tai họa.

Theo bác sĩ Cấp, thông thường khi bệnh nhân vào cấp cứu sẽ được tư vấn làm xét nghiệm HIV, có thể vài giờ sau mới có kết quả dương tính hay âm tính. Thậm chí, nhiều bệnh nhân từ chối không làm xét nghiệm này thì nhân viên y tế vẫn phải cấp cứu bình thường. Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt (BV Việt Nam - Cuba, Hà Nội), cho rằng bất luận bệnh nhân vào cấp cứu có bị nhiễm hay không nhiễm HIV, có hợp tác xét nghiệm hay không thì trong mọi trường hợp đều phải trang bị bảo hộ tối đa, mọi mẫu bệnh phẩm đều phải coi là có nguy cơ lây nhiễm.

Đề phòng rủi ro nghề nghiệp

Ngoài phơi nhiễm HIV, nhân viên y tế luôn đối diện với nhiều rủi ro bởi nhiều loại bệnh lây nhiễm khác nhau. Đó là các bệnh lây qua đường máu như viêm gan B và C; bệnh lây qua đường hô hấp: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu; bệnh lây qua đường tiếp xúc: bệnh than, Ebola, Herpes, SARS, MERS-CoV… Thậm chí, có những căn bệnh mới, chưa đánh giá được hết nguy cơ và đường lây truyền trong khi lại rất dễ lây thì vô cùng nguy hiểm và đáng sợ. “Một đồng nghiệp của tôi khi chăm sóc bệnh nhân dại, đúng lúc họ vật vã, nhổ nước bọt bắn vào mắt. Xét nghiệm cho thấy nước bọt của bệnh nhân có rất nhiều virus dại. Nhân viên này đã phải tiêm phòng dại và theo dõi sức khỏe trong một thời gian dài. Ngay cá nhân tôi cũng đã một lần bị y tá phụ việc chọc kim tiêm vào tay. Điều may mắn là xét nghiệm bệnh nhân âm tính với HIV” - bác sĩ Cấp dẫn chứng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, với những tai nạn nghề nghiệp như thế thì không biết đâu mà lần. Chỉ cần không tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh vật, không bị kim tiêm đâm là ổn nhưng với các bệnh lây qua đường hô hấp, việc bảo đảm không hít thở phải mầm bệnh khó khăn hơn. Khẩu trang y tế không ngăn được tất cả các mầm bệnh.

Theo kết quả khảo sát của BV Bệnh nhiệt đới trung ương, những bệnh lây qua đường máu thì nguy cơ lây phơi viêm gan B là 6%-30% và viêm gan C là 1,8%-3%, cao hơn cả HIV. Khi bị các vật sắc nhọn đâm thì nguy cơ tùy theo vết thương lớn hay nhỏ, tiếp xúc với dịch sinh vật chứa nhiều mầm bệnh hay ít thì nguy cơ có khác nhau. Chẳng hạn, tiếp xúc với dịch não tủy, dịch màng phổi, màng bụng thì nguy cơ thấp hơn tiếp xúc với máu, dịch rỉ vết thương. “Với những bệnh đã có vắc-xin, chúng tôi thường khuyến cáo mọi người, đặc biệt các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao phải đi tiêm phòng. Nhưng viêm gan C và HIV không có vắc-xin nên chỉ có thể bảo vệ mình bằng thực hiện chuẩn mực các quy tắc an toàn nghề nghiệp” - bác sĩ Cấp nói.

“Khi bị phơi nhiễm HIV, nhân viên y tế sẽ được cấp thuốc uống để điều trị dự phòng nhưng mọi chuyện sẽ không nhẹ nhàng chút nào đối với họ. Họ phải chờ đợi 3-6 tháng để biết mình có bị nhiễm HIV hay không. Đây là quãng thời gian dài sống trong cảnh “tra tấn” tinh thần và nhiều khi uống thuốc chỉ là mang lại sự an tâm chứ chưa hẳn là phòng ngừa”  - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

 

Nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất từ tiêm truyền

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết hiện chưa thực hiện nghiên cứu quy mô lớn nào về tai nạn rủi ro nghề nghiệp của nhân viên y tế. Tuy nhiên, một nghiên cứu cách đây 10 năm tại 3 BV trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy có một tỉ lệ lớn nhân viên y tế nói rằng họ từng bị tai nạn rủi ro do vật sắc nhọn trong khi làm việc. Số trường hợp rủi ro xảy ra khi tiến hành tiêm chiếm nhiều nhất, tiếp đó là phẫu thuật, truyền dịch và làm các thủ thuật khác. Nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B và C là những tai nạn nghề nghiệp mà các nhân viên y tế luôn phải đương đầu. Các dạng phơi nhiễm thường là do kim đâm khi làm các thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu làm xét nghiệm, chọc dò... Vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh. Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào. Máu, chất dịch của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng). Ngoài ra, nhiều trường hợp phơi nhiễm với máu có HIV do bị người khác dùng kim tiêm chứa máu đâm vào hoặc trong quá trình làm nhiệm vụ đuổi bắt tội phạm.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo