xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất an với tính mạng trên đường

Văn Duẩn

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về ý thức, đạo đức và việc tuân thủ pháp luật của người điều khiển xe cơ giới


Đến nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 13 người chết xảy ra tại tỉnh Gia Lai hôm 7-5. Hậu quả của các vụ TNGT luôn thảm khốc nhưng những biện pháp ngăn chặn có vẻ chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Vi phạm tràn lan, hậu quả nặng nề

Ngày 12-5, 2 xe tải khi chạy đến đường tránh qua TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã tông nhau làm cả 2 tài xế tử vong sau tay lái. Trước đó, chiều 2-5, trên Quốc lộ 1A (đoạn qua thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), 2 thanh niên chở nhau trên xe máy đi đúng làn đường nhưng đã bị một xe tải đi ngược chiều với tốc độ cao tông trực diện. Cả 2 thanh niên tử vong tại chỗ.

Bất an với tính mạng trên đường - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn làm 13 người chết ở tỉnh Gia Lai ngày 7-5 Ảnh: HOÀNG THANH

Một vụ tai nạn nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra vào ngày 22-5-2016, tại Km1730+300 Quốc lộ 1 (đoạn qua thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) khiến 13 người chết, 39 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn đã được cơ quan công an điều tra là do một xe khách khi vượt một xe khách cùng chiều đã tông thẳng vào một xe khách khác chạy chiều ngược lại. Sau cú tông mạnh, cả 2 xe khách bốc cháy. Nhiều hành khách không thể thoát ra ngoài, tử nạn trong ngọn lửa.

Theo kết quả giám sát hành trình trong năm 2016, cả nước có 1,6 triệu lượt phương tiện vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cho biết con số này còn thấp so thực tế bởi chỉ có hơn 70% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về tốc độ đến hệ thống của cơ quan này.

Cục CSGT cũng thống kê năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ TNGT. Các lỗi vi phạm chủ yếu dẫn đến TNGT là đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chạy quá tốc độ và chuyển hướng không đúng quy định. Còn theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ TNGT (giảm 5,52% số vụ so cùng kỳ năm 2015). Qua phân tích, đa phần các vụ TNGT xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,6%). Trong đó, hành vi đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 25,32%; chuyển hướng không bảo đảm an toàn 8,91%; sử dụng rượu, bia 3,5%; chạy quá tốc độ quy định 9,35%...

Thiếu giám sát tốc độ hành trình

Nhìn nhận về thực trạng đáng lo ngại trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với loại hình ô tô vận tải hàng hóa còn chưa đúng mức, đặc biệt là trong khâu sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các loại xe tải lớn. Cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước ngay từ những khâu này để có đội ngũ lái xe vững chuyên môn, được trang bị đầy đủ kiến thức về ATGT và đặc biệt là có ý thức, đạo đức nghề nghiệp. "Những hành vi như chạy quá tốc độ, đi vào đường ngược chiều của các lái xe phải bị xử lý nghiêm với mức cao nhất. Bởi đó là hành vi coi thường tính mạng người khác, có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" - ông Liên bày tỏ.

Ngoài ra, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc quản lý xe tải, xe khách. Ông Liên nói việc lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS) là giải pháp chưa thật toàn diện, do đó đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét lại việc quản lý thiết bị này. Hiện nay, thiết bị GPS chỉ có tác dụng để trích xuất dữ liệu, phục vụ công tác xử phạt hoặc điều tra nguyên nhân tai nạn. Dữ liệu trên là dữ liệu "chết". Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm, gắn chặt trách nhiệm đối với các sở GTVT địa phương và các doanh nghiệp trong việc trực tiếp theo dõi, quản lý, đồng thời can thiệp kịp thời khi phát hiện lái xe vi phạm để tránh những hậu quả có thể xảy ra.

"Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng cần xem lại việc tuyển chọn đội ngũ lái xe của mình. Không thể vì thiếu mà tuyển lái xe kiểu "vơ bèo vạt tép", không nắm rõ về nhân thân lái xe dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc về sau" - ông Liên bày tỏ.

Với bằng chứng nghiên cứu qua các dự án về an toàn đường bộ rằng tăng tốc độ giao thông tỉ lệ thuận với tăng TNGT và tử vong, cùng với tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, trong dự án Thành phố sống tốt, Tổ chức HealthBridge (Canada) tại Việt Nam khuyến nghị rằng cần phải giảm tốc độ giao thông. Cụ thể, tốc độ tối đa trong khu vực nội đô không nên vượt quá 50 km/giờ; tốc độ giao thông tối đa tại các khu vực có mật độ người đi bộ và đạp xe cao không nên vượt quá 30 km/giờ, ví dụ như tại khu vực xung quanh các trường học, không gian công cộng.

Theo tổ chức này, cùng với uống rượu bia khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn, tầm nhìn hạn chế thì tăng tốc độ cũng là nguyên nhân chính góp phần gây mất an toàn đường bộ và cần được xem xét. Tốc độ cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các va chạm giao thông nghiêm trọng dẫn tới tử vong.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình:

Không để xe mất an toàn xuất bến

Tình trạng xe khách gây tai nạn nhiều là vấn đề nóng đặt ra đối với các bến xe và các địa phương. Do đó, trước khi xuất bến, các bến xe cần tăng cường kiểm soát, bảo đảm không cho rời bến những phương tiện không đủ điều kiện an toàn, xe chở quá số người quy định, thiết bị giám sát hành trình hoạt động không ổn định... Lực lượng tại các bến xe phải thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT chốt trực trên đường tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tài xế.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

Kiểm tra nghiêm ngặt qua thiết bị GPS

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành chỉ đạo các bến xe, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý. Trong các phương án này chú trọng kiểm tra chất lượng phương tiện vận tải; theo dõi, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của tài xế. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến công tác an toàn lái xe, bảo đảm tính mạng của hành khách.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia:

Phải xử lý từ gốc

Điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn vi phạm từ gốc, từ doanh nghiệp vận tải, lái xe và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng, an toàn kỹ thuật phương tiện.

Để kéo giảm TNGT, nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện, trong đó việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT; nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Ngoài ra sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với tài xế ô tô kinh doanh vận tải về kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện đi qua nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; điều khiển phương tiện trên địa hình đèo dốc, hiểm trở... Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Nhiệm vụ trọng tâm nữa sẽ được thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, việc xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội; tăng cường tuần tra kiểm soát; đẩy mạnh xử lý hành vi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm về nồng độ cồn, chở quá tải, chạy quá tốc độ. Đặc biệt là xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách nếu xảy ra mất ATGT.

Tăng tốc độ, tăng tử vong

Trong các va chạm giao thông thì tốc độ và khả năng tử vong liên quan chặt chẽ với nhau. Tổ chức HealthBridge dẫn nghiên cứu của Erik Rosén - một chuyên gia an toàn giao thông - tốc độ giao thông trung bình tăng 1 km/giờ làm tăng khả năng va chạm và TNGT từ 3%-5%. Còn theo nghiên cứu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong các va chạm giao thông, con người có tới 90% cơ hội sống sót nếu tốc độ của phương tiện dưới 30 km/giờ. Nếu va chạm với tốc độ hơn 45 km/giờ thì có tới 50% nguy cơ tử vong và gần như không có cơ hội sống sót nếu tốc độ lớn hơn 80 km/giờ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo