xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bắt chước và… thất bại

THÔNG ĐẠT

Cá sấu bị bỏ đói đang tiếp tục là tình trạng phổ biến ở nhiều cơ sở nuôi loài vật này tại TP HCM và các tỉnh lân cận những ngày qua. Bị thương lái ép giá quá thấp, bán thì lỗ nên người nuôi neo lại chờ giá lên.

Một số chủ trang trại bớt khẩu phần ăn của cá sấu nhằm giảm chi phí hao tốn từng ngày.

Lại một lần nữa, câu chuyện lao đao của "cây, con" tái diễn dù luôn có bài học nhãn tiền. Cũng vào nửa cuối năm 2016, hàng trăm ngàn con cá sấu tại tỉnh Bạc Liêu phải ghìm chuồng, bỏ đói. Bài học thời sự nóng hổi là "giải cứu" dưa hấu, thịt lợn lên tới bàn nghị sự phiên họp Chính phủ vào ngày 4-5. "Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chất vấn và chỉ đạo cần xem xét thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ tập trung vào sản xuất mà thiếu chú ý vấn đề tiêu thụ.

Hàng chục năm qua, nông dân vẫn chưa bỏ lề thói làm ăn với tầm nhìn ngắn, thấy bà con lối xóm nuôi trồng cái gì có lợi là bắt chước làm theo, không nghĩ tới may rủi, quy luật cung cầu của thị trường. Nhưng do thiếu kỹ năng, không có trình độ chuyên môn, nên cái gì dễ thì họ làm. Tình trạng rộ theo phong trào được đem vào cả đô thị, dân Việt thường bắt chước nhau những ngành nghề dễ làm dễ sống nhưng "mau tàn chóng xẹp" rồi lại chuyển "nghề". Ở nhiều vùng miền, nông dân đua nhau trồng cả vườn cây, nuôi hàng vạn con giống, một thời gian ngắn lại chặt bỏ, bán đổ bán tháo. Chuyện cây tiêu, điều ở Tây Nguyên, cây thanh long, cá sấu ở miền Tây Nam Bộ, trồng dưa hấu ở miền Trung, loay hoay chặt - trồng, nuôi - bỏ, kêu gọi giải cứu là những điển hình chua chát.

Hạn chế rõ nhất của dân Việt là nuôi trồng tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mạnh ai nấy làm và gần như không liên kết với nhau, không đưa ra mức giá thống nhất nên bị thương lái nước ngoài chèn ép. Ngoài ra còn có tình trạng mất đoàn kết, nghi kỵ, khôn vặt, không giữ chữ tín… càng đẩy giá cây, con xuống thấp hơn. Đơn cử trước đây TP HCM đã lập Làng cá sấu Sài Gòn để thu hút người nuôi tham gia hợp đồng, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá sàn 120.000 đồng/kg, nhằm ổn định đầu ra bền vững. Nhưng khi giá cá sấu được thương lái đẩy lên cao, một số người nuôi đã ký hợp đồng với làng cá sấu Sài Gòn lại phá vỡ hợp đồng, bán cá sấu ra bên ngoài.

Bỏ qua chuyện nuôi trồng theo cảm tính, thương người nuôi trồng vất vả nhọc nhằn mà không có đầu ra, người dân cả nước không ít lần xắn tay giải cứu. Nhưng tình trạng này kéo dài dễ tạo tâm lý ỷ lại vào "tình thương xã hội". Để bớt các nguy cơ thất bại, đòi hỏi phải sòng phẳng, căn cơ từ phía người nuôi - trồng và các cơ quan hữu trách. Theo các chuyên gia, nên phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, đưa các hộ gia đình vào hiệp hội hoặc hợp tác xã để ký hợp đồng thương mại chính ngạch… Sức mạnh nội tại chỉ có được khi sản xuất kinh doanh có kỷ cương, đoàn kết. Còn mãi theo cách ăn xổi, khôn lỏi thì chỉ thành công được một vài lần, sau đó là thất bại, thua thiệt mà thôi. Nhưng các bộ, ngành cũng phải xắn tay vào cuộc, không để nông dân đơn độc, loay hoay toan tính trên vườn ruộng của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo