xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cả nước kính cẩn nghiêng mình

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Chưa kịp gượng dậy sau bão số 10 thì người dân làng An Xá nhận tin buồn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con yêu quý của làng - ra đi mãi mãi. Trên bàn thờ của mọi gia đình trong làng đều đặt ảnh thờ Đại tướng

Từ sáng 5-10, rất đông người kéo đến nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để thắp hương. Ai cũng thẫn thờ, mắt ngấn lệ. Vừa leo xuống khỏi mái nhà, ông Võ Đại Nhân (57 tuổi) chưa kịp rửa tay đã vội đến hỏi han tình hình. Tin Đại tướng mất khiến ông gác lại việc lợp nhà. “Buồn quá, An Xá đã mất một người con ưu tú” - ông Nhân nói.

img

Bà Võ Thị Lài (68 tuổi), gọi Đại tướng bằng bác, khóc ngất bên tượng Đại tướng: “Bác ơi! Bác đi rồi. Từ đây bác không về thăm, động viên nhà cháu nữa rồi. Những lời tiếc thương của bà Lài khiến không khí trong nhà lưu niệm trầm xuống. Nhà bà Lài ở cạnh bên nhà lưu niệm. Mỗi lần về thăm quê, bao giờ Đại tướng cũng ghé thăm bà. “Bác vô nhà tôi, bắt tay từng người, hỏi han từng việc. Bác kể cho cả nhà nghe chuyện đánh giặc” - bà Lài vừa khóc vừa kể.

Cách đây mấy hôm, vào ngày sinh nhật của Đại tướng (25-8 âm lịch), Chi hội Người cao tuổi làng An Xá đã tổ chức buổi văn nghệ chúc mừng. Rất nhiều vị cao niên trong làng đã đến nhà văn hóa của thôn để hát những bài ca về bác Giáp, hò những điệu hò về quê hương Lệ Thủy. “Năm nào đến dịp này chúng tôi cũng tổ chức sinh nhật bác Giáp, vậy mà lần này bác đi mãi mãi” - cụ Nguyễn Thị Muôm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng An Xá, tâm sự.

Ông Lê Thanh Châu (87 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Nghĩa (83 tuổi) kể khi nghe tin Đại tướng qua đời, cả đêm ông bà không thể chợp mắt. Ông và bà thức suốt đêm để ôn lại những kỷ niệm với Đại tướng, nhắc lại chuyện mỗi lần Đại tướng về thăm quê. Rồi khi trời vừa hửng sáng, bà giục con trai chở lên chợ mua ảnh Đại tướng in trong đá để mang về thờ. Trên bàn thờ nhà ông Châu, ngoài ảnh Hồ Chủ tịch, giờ có thêm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cầm bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thành cổ Quảng Trị năm 1976, nước mắt ông Châu tràn theo từng dòng ký ức. Ông kể năm đó ông là Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị nên trực tiếp tháp tùng và báo cáo tình hình cho Đại tướng nghe. “Bác hỏi cặn kẽ các vấn đề, động viên từng người lính. Biết tôi ở cùng quê, bác hỏi thăm tình hình quê nhà, vợ con ra sao và động viên tôi cố gắng phục vụ quân đội” - ông Châu nhớ lại.

Bà Nghĩa là một trong những người nấu ăn cho Đại tướng mỗi lần ông về thăm quê. Bà kể dù xa quê từ lâu nhưng lời nói, giọng điệu của Đại tướng vẫn đậm chất An Xá. Ông đi quanh làng, ghé thăm nhiều nhà, động viên từng người. Bà Nghĩa nhớ như in lần Đại tướng về thăm quê vào năm 1977. Lần đó, ông đi quanh làng, bảo mọi người nên trồng dừa, trồng cây phi lao để chắn gió, bão; lại dặn các cháu nhỏ cố gắng học hành chứ không được cậy nhờ vào ai. “Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ nhưng bác thì không có chuyện đó mô, các cháu lo học đi” - bà Nghĩa kể nguyên văn lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm đó.

Nhiều người dân làng An Xá cho biết họ đã bỏ hết việc nhà, chuẩn bị đón xe ra TP Hà Nội để viếng Đại tướng.

img
Anh Võ Hoàng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai từ phải sang), kể về những ngày cuối của Đại tướng Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Thanh thản ra đi...

Sáng 5-10, ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội được sắp xếp để chuẩn bị tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi thứ dường như vẫn ăm ắp trong ngôi nhà ấy, nơi Đại tướng đã sống mấy chục năm cuối đời, nhất là những bức ảnh với nụ cười vừa hồn hậu, lạc quan của Đại tướng hiện hữu khắp nơi.

Anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng, nén đau thương tiếp chuyện những đoàn vào thăm hỏi. Anh cho biết Đại tướng trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng.

Trong căn phòng trưng bày và tiếp khách, Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký phụ trách Văn phòng Đại tướng, trầm ngâm rồi cho biết khi nghe tin Đại tướng yếu nhiều, ông đã vào viện và đã ở bên cạnh giường chứng kiến Đại tướng yếu dần rồi ra đi một cách thanh thản. Từ thân nhân cho đến những người giúp việc cho Đại tướng đều chung một tâm trạng đau thương vô hạn. Dù biết trước ngày này sẽ đến song ai cũng rưng rưng... Nguyễn Quyết

GS Hoàng Tụy:

Rất tâm huyết với giáo dục

Hồi năm 2004, một hôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ gọi điện thoại cho tôi, nói hiện tình hình giáo dục rất kém, nhiều người bức xúc và có ý kiến phải chấn hưng, cải cách. Đại tướng khuyên nên tập hợp một số trí thức tâm huyết trong nước và Việt kiều. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến một bản kiến nghị 6 vấn đề “cơ bản và cấp bách” nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo. Dù tuổi cao sức yếu nhưng Đại tướng vẫn gặp tôi nhiều lần để trao đổi, bàn bạc và chúng tôi đã có những góp ý chân thành vào bản đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục - đào tạo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện. Nói thế để thấy việc đổi mới nền giáo dục - đào tạo đã được Đại tướng quan tâm từ nhiều năm trước.

GS-BS-TTND Trần Đông A:

Hơn cả huyền thoại

Tôi ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trước ngày giải phóng nên rất bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng qua đời. Tôi có vinh dự đứng sau lưng ông trong một lần Đài Truyền hình TP HCM làm cầu truyền hình ở Lăng Bác Hồ. Ông hơn cả huyền thoại - một huyền thoại được nhân loại kính nể. Huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã nhắm mắt nhưng những gì quân và dân nhớ về ông vẫn đọng lại mãi: Một danh tướng, một nhà trí thức, một người cộng sản chân chính.

Trung tướng Lê Nam Phong:

Người anh cả nhân hậu

Từng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi nhận ra mình vừa mất đi một cái gì đó gần gũi như máu thịt. Tôi và đồng đội đã mất một người anh cả. Nhiều lần được tiếp xúc và gần gũi với Đại tướng, tôi nhận ra ánh mắt vừa sắc sảo vừa ấm áp của ông. Sắc sảo là tài thao lược, ấm áp là lòng nhân hậu. Mỗi khi kết thúc các trận đánh lớn - nhỏ, bao giờ Đại tướng cũng hỏi đến thương vong của ta và nhiều lần ông khóc. Tài năng và đức độ của người anh cả trong quân đội hòa quyện vào nhau. Đó là hạnh phúc của toàn quân.

Đại tá Doãn Mậu Hòe, nguyên hiệu trưởng Trường văn hóa Quân khu V:

Gần gũi, thân tình

Khi tôi làm giáo viên ở Tổng cục Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên đến trò chuyện, động viên giáo viên của trường chúng tôi cố gắng lên vì dạy các vị tướng lớn tuổi hơn nên giáo viên rất khó khăn. Thời gian rảnh, Đại tướng còn mời các thầy cô về nhà ăn cơm, trò chuyện cùng gia đình.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thơm (TP HCM):

Nhìn xa trông rộng

Với tầm nhìn xa trông rộng của một vị tướng đại tài, có một không hai trên thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Trung ương trước khi giải phóng Sài Gòn là phải giải phóng quần đảo Trường Sa. Lúc đó, tôi là thuyền trưởng tàu 673 - một trong những tàu tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa.

H.Dũng - Ph.Anh - H.L.Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo