xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảm thức ngày thống nhất

Thanh Thảo

TP HCM rất khác với Hà Nội mà tôi đã nhiều năm sống ở đó, và từ đó vào chiến trường. TP HCM lung linh và mộc mạc, sức sống như bung ra khỏi những đường phố nhưng lại quá hồn nhiên, nhanh và trật tự

Mới vừa đây, trong đám giỗ ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tôi gặp lại chú em tên Vinh, tục gọi “Vinh xẹo”, ngày mới giải phóng tình nguyện đưa tôi và nhà văn Ngô Thế Oanh đi nghêu ngao khắp

TP HCM. Không rõ gặp Vinh ở đâu, chỉ nhớ mấy anh em cứ tấp vào với nhau là đi.

Lặng lẽ nở hoa

Vinh người Quảng Ngãi, bấy giờ đang học năm thứ 4 ĐH Vạn Hạnh. Sau này tôi mới biết, chú là em trai của một người bạn học cùng lớp với tôi ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tên chị là Yến Tuyết.

Người dân TP HCM tất tả với cái ăn, cái mặc vào những ngày đầu sau giải phóng
Người dân TP HCM tất tả với cái ăn, cái mặc vào những ngày đầu sau giải phóng

Mới qua chiến tranh, chúng tôi đứa nào đi bộ cũng giỏi. Lạ, chú em này ở TP HCM nhưng đi bộ cũng giỏi không kém. Đi với chúng tôi, Vinh luôn đeo một cái túi mìn claymore, chân mang dép râu. Thì ra, do nhà nghèo, bố tập kết nên Vinh đi học cũng toàn cuốc bộ. Tôi với Oanh đã tới nhà trọ của Vinh, trông còn nhếch nhác thảm hại hơn nhà trong rừng của chúng tôi nữa.

Rạp hát những ngày ấy sáng đèn mỗi đêm
Rạp hát những ngày ấy sáng đèn mỗi đêm

Ngày ấy có đi bộ mới biết TP HCM còn nhiều người nghèo lắm, hoa lệ thật nhưng những khu ổ chuột còn rất nhiều, không ít những “ngôi nhà” mà vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng… hộp các-tông bỏ đi. Tôi, một người ở rừng rất lười dựng nhà, cũng phải ngả mũ trước những ngôi nhà hộp các-tông này. Phải gọi những “ngôi nhà” kỳ lạ như thế bằng tên gì, tôi cũng chưa nghĩ ra. Người ta sống, sinh hoạt trong đó từ mùa mưa tới mùa khô, sinh con đẻ cái, thì lạ thật!

Một gia đình ở trung tâm thành phố Ảnh: tư liệu
Một gia đình ở trung tâm thành phố Ảnh: tư liệu

Vinh tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nơi ở TP HCM, gặp gỡ nhiều tầng lớp nhân dân nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với những “ngôi-nhà-các-tông” ở Chợ Lớn. Con người vẫn có thể sống được ở “nơi tưởng chừng cạn nước” như cây xương rồng “mà lặng lẽ nở hoa” vậy sao? Không hiểu. Thực tình, tôi không hiểu.

Cũng còn sự khích lệ khác. Khi tôi với Ngô Thế Oanh đi mua sách bán “xon” ở vỉa hè đường Lê Lợi, cơ man nào là sách, nhiều quyển sách dịch rất quý (không phải quý theo kiểu đồ cổ mà vì tầm thế giới của những tác phẩm ấy) được bán với giá rất bèo. Chúng tôi tha hồ chọn lựa, thậm chí có thể trả treo, người bán vui vẻ chấp nhận hết. Những người bán sách chỉ lập tức cuốn ni-lông, thu gọn đống sách khi có lực lượng trật tự đô thị đến xua vì để bảo đảm đường thông hè thoáng.

Thấy chúng tôi là quân giải phóng mà đi mua sách nhiều như vậy, nhiều người dân ngạc nhiên để ý. Có một nhóm người ngồi cà phê vỉa hè theo dõi chúng tôi, mà tôi đoán là những trí thức TP HCM. Họ lặng lẽ nhìn chúng tôi mua sách. Sau đó, mấy người ra giúp chúng tôi gói sách, chủ yếu để đọc tên sách chúng tôi mua. Họ ngạc nhiên thực sự vì toàn là sách kinh điển, sách “lớn”.

Có vài anh hỏi chúng tôi: “Các anh cũng đọc những sách này à?”. Tôi vui vẻ: “Vâng, có một số quyển tôi đã đọc từ hồi trong rừng, nhiều quyển khác tôi biết danh nhưng chưa được đọc”.

Mấy vị trí thức tỏ ra thích thú. Họ đã khám phá thêm một nét mới ở quân giải phóng trẻ: Có học, thích đọc sách và đọc sách kinh điển. Họ mời chúng tôi uống cà phê và cho địa chỉ nhà riêng, hẹn đến nhà uống rượu. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, thời gian cụ thể sẽ thu xếp theo đường đi bộ (chứ không phải theo đường ngoại giao). Sau đó, tôi với Oanh, có Vinh tình nguyện dẫn đường, đã tới nhà mấy vị trí thức này (gồm luật sư, nhà văn, nhà báo…) và uống rượu rất vui, nói bao nhiêu là chuyện. Chúng tôi hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, từ những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế.

Vừa quen vừa lạ

Ngày đó, nói thật, tôi đã rất nhuyễn chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc của cách mạng vì tôi thường xuyên viết bài cho đài theo chủ đề này qua nhiều năm. Nhưng từ nói tới làm là một khoảng cách. Từ suy nghĩ tới thực tế trực tiếp lại là một khoảng cách khác.

Bao nhiêu năm sau khi chiến tranh kết thúc, cái “đuôi sao chổi” của chiến tranh vẫn còn. Hôm rồi, gặp một chú em làm báo, chú nói số lượng người Việt hiện ở nước ngoài đã lên hơn 6 triệu người và rải ra hơn 100 nước trên thế giới. Có lẽ người Việt mình chỉ thua người Do Thái về độ lang thang làm ăn trên khắp hành tinh. Dĩ nhiên, người Do Thái quá giỏi, quá thành công. Đây chỉ là so sánh về khả năng lang thang. Làm sao, để người Việt dù đi tới đâu, dù ở đâu, vẫn là người Việt, giống như người Do Thái...

Lang thang qua chiến tranh, rồi những ngày hòa bình đầu tiên tôi lại được lang thang giữa một TP HCM vừa quen vừa lạ. Quen, vì cũng như bao người bạn làm thơ khác,

TP HCM đã sống trong tôi, sống da diết trong những bài thơ, đoạn thơ của tôi từ hồi còn chiến tranh ác liệt. Lạ, vì đây là lần đầu tiên tôi thực sự được gặp, được sống, được lang thang giữa TP HCM, một thành phố rất khác với Hà Nội mà tôi đã nhiều năm sống ở đó, và từ đó vào chiến trường. TP HCM lung linh và mộc mạc, sức sống như bung ra khỏi những đường phố nhưng lại quá hồn nhiên. TP HCM tốc độ và trật tự.

Khí chất Sài Gòn - TP HCM

Nhiều đêm, tôi và đồng đội đã đứng mấy giờ liền trên tầng ba ngôi nhà của cơ quan ở đường Hồng Bàng, quận 5 chỉ để ngắm xe chạy trên đường phố. Cơ man nào là xe. Cơ man nào là người. Cơ man nào là âm thanh và tốc độ. Thú vị quá, lạ quá!

Những ngày đó, tôi cũng chưa hiểu hết tâm trạng thật của người TP HCM trước một biến cố lớn lao dường ấy. Nhưng tôi thấy người TP HCM hồn hậu, thật dễ gần. Và họ đón nhận sự thay đổi một cách đặc biệt nhanh nhạy. Đi trên nhiều đường phố TP HCM ngày ấy, tôi đã gặp những “chợ vỉa hè” bán “dép lốp VC” do chính người

TP HCM chế tác. Biết được nguyện vọng của hàng vạn người lính giải phóng từ miền Bắc muốn mua một vài món quà nhỏ nhoi cho gia đình mình, món quà đơn sơ ấy là con búp bê và chiếc khung xe đạp, gần như cả TP HCM đã biến thành một công xưởng chuyên sản xuất búp bê và khung xe đạp để cung ứng cho “người tiêu dùng” là các chiến sĩ giải phóng từ miền Bắc vào. Sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường ấy thật đáng kinh ngạc, nhất là với những người sống trong thói quen bao cấp như tôi.

Sự cởi mở, hào phóng của người dân

TP HCM thì tôi đã nghe, đã đọc từ trước đó nhiều năm nhưng bây giờ mới được trải nghiệm. Tôi nghĩ, những đức tính ấy người TP HCM đã có từ thời Gia Định thành dưới sự quản lý điều hành của Tả quân Lê Văn Duyệt và còn hiện hữu cho tới hôm nay.

Dù người ta có nói gì thì tôi nghĩ, những nét đẹp trong tính cách trong tâm hồn người TP HCM đương đại, nhất là tính ngay thẳng, biết thương người, biết chia sẻ, hồn nhiên và bộc trực thì vẫn không hề mai một. Đó là những nét tính cách được hình thành từ mấy trăm năm qua, qua biết bao thăng trầm biến cố, qua bao hy vọng, thất vọng rồi hy vọng.

Được lang thang giữa TP HCM ngày mới hòa bình, tôi càng thấy với người dân Việt Nam, hòa bình có một ý nghĩa sống còn như thế nào. Chợt nhớ bài Nhớ bà mẹ Nam Hoành của nhà thơ Phạm Tiến Duật - một trong những bài thơ mà theo tôi là hay nhất trong sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật, có câu:

Nhớ khi mẹ nói, câu nói như chắt ra từ nước mắt:

- Thà ăn muối suốt đời

Còn hơn là có giặc!

Quả vậy, không ai yêu hòa bình hơn những người từng phải sống trong chiến tranh và giặc giã.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo