xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến sĩ duy nhất còn sống trong vụ rơi máy bay: 120 ngày giành giật sự sống

Ngọc Dung - Phạm Ngọc

Thượng úy Đinh Văn Dương, chiến sĩ duy nhất sống sót trong vụ máy bay trực thăng Mi171 rơi làm 20 người hy sinh, đã trải qua những thời khắc sinh tử trong 4 tháng qua

Chiếc Mi171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916 thuộc Sư đoàn 371 rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội hôm 7-7 đã khiến 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đến nay, người duy nhất vẫn chống chọi để giành giật sự sống từ ngày định mệnh đó là thượng úy Đinh Văn Dương, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Hôn mê suốt 3 tháng

Suốt hơn 4 tháng thượng úy Dương nằm viện với gần 100 ngày hôn mê, 17 lần phẫu thuật, phải cắt bỏ 2 chân và toàn bộ ngón tay, nhiều y - bác sĩ không tin rằng bản năng sống và nghị lực của người lính đặc công này lại mạnh mẽ đến thế. Dương đã tỉnh táo, vết thương bắt đầu liền sẹo. Hiện anh có thể tự thở, tự ăn uống và đặc biệt là nói chuyện “tròn vành rõ chữ”.

 

Thượng úy Đinh Văn Dương đang từng ngày hồi phục  Ảnh: MẠNH DUY
Thượng úy Đinh Văn Dương đang từng ngày hồi phục Ảnh: MẠNH DUY

 

Nhớ lại những thời khắc tình trạng sức khỏe thượng úy Dương như ngàn cân treo sợi tóc, TS Nguyễn Hải An, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Viện Bỏng quốc gia, cho biết nhiều chuyên gia giỏi tham gia hội chẩn đều e ngại anh khó thể qua khỏi. Có giai đoạn anh bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, suy thận nặng, suy hô hấp... Cơ thể không thể cùng lúc chống chọi với quá nhiều thương tích, anh nhiều lần hôn mê sâu, vừa hồi tỉnh lại lập tức thiếp đi. Anh phải dùng rất nhiều thuốc an thần để giảm đau.

“Khi các bác sĩ tưởng chừng đã bó tay thì thượng úy Dương lại tự lực vượt qua được. Anh ấy có sức sống quá mãnh liệt, có nghị lực thật phi thường. Bệnh nhân này phục hồi được quả là điều rất kỳ diệu” - TS An thán phục.

Trong quá trình thượng úy Dương điều trị, các điều dưỡng lo lắng đến quặn lòng với những vết thương giày vò cơ thể anh. Có hôm Dương nôn ra đến 500-700 ml máu. Không ít lần họ đã tuyệt vọng nghĩ rằng anh sẽ ra đi như các đồng đội. Còn nước còn tát, mọi người chỉ biết động viên nhau phải tận lực cứu chữa cho anh.

Thế rồi, hy vọng của đội ngũ thầy thuốc tăng dần khi vết thương của thượng úy Dương bắt đầu liền lạc, phổi cũng từng bước hồi phục. Anh dần tự thở được, ít lệ thuộc vào máy móc. Ngày 1-11 là thời điểm vui mừng nhất của các y - bác sĩ và gia đình thượng úy Dương: Sau bao ngày hôn mê, anh đã có thể ăn được chút cháo.

“Đến giờ, đội ngũ y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực vẫn cứ ngỡ như mơ, không tin nổi. Một người đã không biết bao lần mười mươi là sẽ chết nhưng cứ mạnh mẽ vượt qua, để rồi nay có thể nói anh đã vượt qua được hiểm nguy. Chứng kiến trường hợp của thượng úy Dương, đội ngũ y - bác sĩ chúng tôi lại có thêm một bài học về điều kỳ diệu của sự sống: Đừng bao giờ tắt hy vọng và phải luôn tận tâm” - TS An bày tỏ.

Tỉnh lại, thượng úy Dương vẫn nhớ như in biến cố mà anh và đồng đội đã trải qua. Khi tỉnh táo, anh kể lại từng diễn biến vụ việc, thậm chí là những chi tiết nhỏ nhất: Chiếc Mi171 gặp các sự cố gì; phi cơ trưởng cố điều khiển tay lái, tránh khu dân cư ra sao; Dương văng ra, bật dù rơi xuống và vướng vào một cành cây thế nào... “Trí nhớ của Dương hồi phục nhanh nhất khi vợ anh đưa con trai mới sinh vào thăm. Anh ấy rất vui mừng, nhận ra vợ và rất vui khi thấy con” - TS An kể.

Làm nên kỳ tích

Theo các y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, những năm tháng nơi thao trường có lẽ đã rèn luyện cho thượng úy Dương một ý chí kiên cường khiến “tử thần” cũng phải lùi bước. Ở Việt Nam cũng như thế giới nói chung, trường hợp sống sót sau khi máy bay phát nổ là cực hiếm. Để có được chuyện kỳ diệu ấy, không thể không kể đến sự chăm sóc chẳng quản nhọc nhằn của đội ngũ y - bác sĩ và y tá, điều dưỡng.

Quá trình điều trị muôn vàn khó khăn, bệnh nhân phải được chăm sóc kỹ càng, bảo đảm sự vô trùng, dinh dưỡng cũng phải gấp 3 lần người thường. Khi thượng úy Dương chưa thể ăn uống qua đường miệng, nhân viên điều dưỡng phải cho anh ăn qua đường xông, đường huyết khoảng 4.000-5.000 calo/ngày bằng những loại sữa giàu dinh dưỡng, năng lượng cao.

Toàn cơ thể phỏng nặng đến 60%-70%, thượng úy Dương còn bị phỏng cả phần mắt. Các cơ quan trong cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, thận cũng bị tổn thương. Có giai đoạn phục hồi, anh đi ngoài đến 9-10 lần/ngày. Điều dưỡng, y tá vừa phải thay băng thường xuyên, cẩn trọng, làm sạch vết thương vừa bảo đảm phần mắt của anh không tổn thương thêm. Với cơ thể trai tráng khoảng 60-70 kg của Dương, việc giúp anh thay băng hay tập vận động nhẹ nhàng trên giường không hề đơn giản.

Chị Đinh Thị Hiền, chị gái của thượng úy Dương, không giấu được niềm vui khi chứng kiến em trai hồi phục từng ngày. “Hai chị em đã nói chuyện được với nhau. Khi biết Dương hồi phục, nhiều người, thậm chí có những người hoàn toàn xa lạ, đã gọi điện chúc mừng gia đình tôi” - chị Hiền xúc động. 

 

Trường hợp đặc biệt

Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Gia Tiến - Giám đốc Viện Bỏng quốc gia - cho rằng trường hợp thượng úy Đinh Văn Dương bình phục sau gần 4 tháng điều trị phỏng sâu, rộng gần 60% diện tích cơ thể, phỏng hô hấp, đa chấn thương, gặp hội chứng sóng nổ... không chỉ đặc biệt ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

“Với những thương tổn quá nặng nề, hôn mê gần 100 ngày nhưng cuối cùng, bệnh nhân vẫn vượt qua cửa tử rất kỳ diệu” - ông Tiến nhìn nhận.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo