Kể từ cuộc làm việc với VKSND tối cao hồi tháng 8 để được hướng dẫn thủ tục theo quy định Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam, đến nay cơ quan công tố Nhật Bản vẫn chưa gửi hồ sơ sang.
Cũng theo nguồn tin này, trước đó Viện Công tố địa phương Tokyo đã gửi “giấy đề nghị cùng hợp tác điều tra” vụ án về vi phạm Luật Thuế pháp nhân và Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản, liên quan đến Công ty cổ phần Pacific Consultants International Nhật Bản (PCI). Tuy nhiên, việc “đề nghị cùng hợp tác điều tra” này chưa đúng thủ tục luật định của Việt Nam nên VKSND tối cao - cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp, chưa thể tiếp nhận thụ lý.
Giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên trong vụ việc cụ thể này, phía Việt Nam chỉ có thể xem xét nhận ủy thác tư pháp trên cơ sở quan hệ có đi có lại và thông qua cơ quan ngoại giao hai nước. Cơ quan công tố cũng như điều tra hai bên không thể trực tiếp trao đổi, làm việc với nhau như trường hợp đã có hiệp định tương trợ tư pháp.
Cho đến nay, Viện Công tố địa phương Tokyo đã bắt giữ bốn người của PCI. Sự việc khả nghi được Viện Công tố mô tả là PCI trong quá trình tham gia các dự án xây dựng ở nước ngoài đã có chính sách hối lộ cho quan chức sở tại để dễ dàng kiếm được hợp đồng tư vấn. Gây quỹ cho hoạt động “bôi trơn” này, PCI thành lập và chuyển tiền cho một công ty ở Hong Kong (BIC). Để đối phó với thuế quan Nhật Bản, PCI biến hóa những khoản tiền đó thành chi phí không có thật, qua đó hạch toán vào hoạt động kinh doanh, trốn thuế thu nhập.
Trong quá trình điều tra, hai bị can là ông Sakashita (thành viên ban giám đốc PCI) và ông Takasu (nguyên đại diện BIC) đã khai ra việc đưa hối lộ một số tiền lớn cho một quan chức Việt Nam.
Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, để làm rõ những nghi vấn nêu trên, Viện Công tố địa phương Tokyo phải chuyển cho VKSND tối cao hồ sơ ủy thác điều tra mảng vụ việc, đối tượng ở Việt Nam. Phía Nhật Bản có thể sẽ thông báo cho cơ quan pháp luật Việt Nam đặc điểm nhận dạng, quốc tịch, nơi ở của đối tượng trong vụ án hình sự và những người có thông tin liên quan đến vụ án. Cơ quan công tố Tokyo có thể nêu rõ các yêu cầu về vấn đề cần thẩm vấn, câu hỏi đặt ra, tài liệu, hồ sơ hoặc vật chứng được đưa ra...
Được biết, trong những lần làm việc vừa qua với VKSND tối cao, cùng với “giấy đề nghị cùng hợp tác điều tra” phía Nhật Bản cũng chuẩn bị sẵn những vấn đề cụ thể cần làm rõ như căn cứ pháp lý, quá trình thành lập, chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây...
Bình luận (0)