xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dâng nén tâm nhang

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

Dạn dày qua những trận chiến “vào sinh ra tử”, chứng kiến bao đau thương mất mát song các cựu chiến binh vẫn không cầm được nước mắt khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong 2 ngày 6 và 7-10, cửa ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội mở cho nhân dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xen kẽ trong dòng người là các cựu chiến binh. Bất chấp cái nắng gay gắt của buổi trưa, các cựu chiến binh kiên nhẫn nhích từng bước để tới gần hơn với nơi gắn bó mấy chục năm của Đại tướng để được dâng nén tâm nhang tưởng nhớ.
img
Các cựu chiến binh ghi cảm xúc vào sổ tang

Chung lòng tôn kính

Dù mỗi người ở cương vị, vị trí công tác và chiến trường khác nhau nhưng họ đều có chung một tiếng nói, đó là vì hòa bình cho đất nước. Có những người từng chiến đấu trong đội ngũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có người gặp cũng có người chưa hề gặp Đại tướng một lần. Bằng nhiều cách khác nhau, người thì đợi từ đêm, người đến từ sáng sớm, người lặn lội hàng trăm km và đều có chung lòng tôn kính với vị Đại tướng của nhân dân, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bà Dương Thúy Yên (60 tuổi) là TNXP phường Liễu Giai, quận Ba Đình cùng đồng đội xếp hàng vào viếng. Bà kể khi hòa bình, được giao nhiệm vụ là công nhân xây dựng Lăng Bác Hồ. Trong quá trình xây dựng, bà 2 lần nhìn thấy Đại tướng đến thăm hỏi, động viên. “Đại tướng dành nhiều tình cảm yêu mến cho TNXP chúng tôi” - bà xúc động.

Ông Phàng Sao Vàng, người Mông, hay tin Đại tướng từ trần đã vội vượt hàng trăm km từ tỉnh Sơn La về TP Hà Nội. Ông Vàng cho biết đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và được gặp Đại tướng hai lần. Ông gắn tất cả huy chương cao quý lên ngực để vào viếng với tất cả niềm tự hào khi được chiến đấu dưới sự chỉ huy của vị Tư lệnh Tối cao.

“Với các cựu binh chúng tôi, không gì hạnh phúc hơn là được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng” - ông Vàng rưng rưng kể với những người trẻ đang xếp hàng cùng mình.

Mãi nhắc đến Đại tướng

Ông Nguyễn Trấn (90 tuổi, ngụ TP Hà Nội), nguyên đại tá quân đội, đứng trước căn nhà Đại tướng và khóc.

Ông Trấn nói: “Việt Nam phúc đức mới có một người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trăm, một nghìn năm sau, người ta mãi nhắc đến Đại tướng như một huyền thoại”.

Một cựu binh khác là ông Đinh Công Toán (69 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) cùng con trai đi từ quê lên TP Hà Nội từ sớm. Ông bảo nghe tin trên tivi mà rụng rời chân tay. Cả đêm, ông không ngủ, nằm hồi tưởng những trận đánh năm xưa.

Còn ông Nguyễn Hữu Trung (82 tuổi), từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đứng từ xa nhìn vào nhà của Đại tướng. Ông cho biết dù đã vào viếng song chưa về mà muốn được nhìn cảnh đồng bào vào viếng. Râu tóc bạc phơ song ánh mắt ông vẫn tinh anh và sáng lên niềm tự hào mỗi khi nhắc đến hai chữ Đại tướng.

Trong sổ tang, Đại tá Đàm Trọng, lính đặc công, viết: “Bác Văn kính yêu! Bác ra đi để lại một niềm thương tiếc vô hạn. Một di sản đồ sộ về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chúng cháu thề kế tiếp, quyết tâm thực hiện lời dạy của bác - người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Sáng 7-10, tại lễ chào cờ đầu tuần, Thành ủy TP HCM long trọng tổ chức phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; cùng ngày, dù trời mưa nhưng đông đảo người dân vẫn đến thắp hương viếng tại bàn thờ Đại tướng được lập ở trụ sở Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ.

Thanh bình đảo Yến

Nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở một hòn núi nhỏ nhô ra biển, phong cảnh hữu tình với vùng đồi đất cỏ cây xanh ngát

QUANG NHẬT

Từ tỉnh Hà Tĩnh đi về phía Nam, vượt qua đèo Ngang chưa đầy 4 km, Vũng Chùa - đảo Yến (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với những bãi biển sạch và đẹp, nhiều mõm đá nhô ra biển được người dân ví như những đầu rồng. Dãy núi này có chiều dài gần 3 km, như ôm trọn cả thôn Thọ Sơn. Khu vực này cách làng An Xá, nơi sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khoảng 70 km.

Dọc bãi cát ở Vũng Chùa - đảo Yến buổi chiều có rất nhiều người dân tản bộ hoặc đạp xe dạo mát. Chính vì cuộc sống thanh bình mà người dân thường cho rằng nơi đây chỉ dành cho những bậc khai quốc công thần an nghỉ vĩnh hằng.

Dù rất bận rộn cho một chuyến ra khơi nhưng ông Trần Văn Chuyển, một người dân thôn Thọ Sơn, cũng giới thiệu cho chúng tôi nghe về khu vực này. Trong câu chuyện, đôi mắt của ông ngấn lệ bởi niềm hạnh phúc và tự hào khi biết vùng quê của mình được chọn làm nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Chuyển kể Vũng Chùa - đảo Yến là nơi dân thường neo đậu tàu thuyền để đánh bắt cá, cua. Trên Vũng Chùa - đảo Yến trước kia có ngôi chùa rất lớn nhưng do bão nên đã sập. Trên đó cũng có một cái hang rất lớn, cao chừng 9-10 m, sâu hun hút. “Trước đây, cứ mỗi lần chúng tôi đi đánh cá vào ban đêm thì thường lên đảo nghỉ ngơi. Chúng tôi lên đảo không dám khua động vì sợ bầy yến bay hết” - ông Chuyển kể.

Dẫn chúng tôi đi dọc mép biển, ông Chuyển bảo khu vực này được người dân trong làng giữ gìn cẩn thận, là chốn linh thiêng, là nơi thường có những câu chuyện về những bậc thần tiên giáng trần ngắm cảnh. Cách núi Vũng Chùa chưa tới 15 phút đi thuyền, đảo Yến rộng chưa tới 35 ha, gồm 2 ngọn núi nối liền, hiện ra với cảnh hoang sơ, gần gũi. Theo ông Chuyển, hòn đảo này được người dân ví là lá chắn của những con tàu và từng nóc nhà ven mép biển, là nơi sinh sống của hàng ngàn con chim yến từ xưa đến giờ. “Nghe kể rất nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng cả làng chưa ai từng gặp. Giờ nghe tin Đại tướng sẽ về quê mình an nghỉ thì ai cũng hạnh phúc. Tôi không ngờ quê hương mình được vinh dự đó” - ông Chuyển tâm sự.

Cũng như bao người dân khác, ông Trần Ngọc Tri, trưởng thôn Thọ Sơn, rất tự hào và hạnh phúc vì quê mình được đón Đại tướng về. “Mấy hôm nay mất điện, tôi phải ra chợ mua ngay chiếc radio về nghe tin. Có hôm, cả thôn vây quanh radio để nghe những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - ông Tri cho biết.

Thôn Thọ Sơn có gần 1.000 nhân khẩu, mưu sinh bằng nghề biển và nghề nông, sống rất chan hòa với nhau. Ông Tri lý giải vì lúc trước ở dải núi Vũng Chùa có một cái chùa và trên đảo có rất nhiều chim yến sinh sống nên có tên là Vũng Chùa - đảo Yến. Trước đây, người dân thường lên đảo lấy tổ yến về ăn, lên núi Vũng Chùa để lượm củi, nhổ tranh về lợp nhà. Người dân coi địa danh này như là nơi nuôi sống mình nên ai cũng gìn giữ.
img
Núi Mũi Rồng nhô ra biển được chọn làm nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bộ đội công binh đang làm nhiệm vụ

Chiều 7-10, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết Vũng Chùa - đảo Yến được chọn là nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là địa điểm lúc còn sống Đại tướng đồng ý làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Vị trí được chọn làm nơi yên nghỉ của Đại tướng nằm trên lưng núi Mũi Rồng của đảo. Hiện đường ra khu vực này đã được bảo vệ nghiêm ngặt và bộ đội công binh đang làm nhiệm vụ. Tin-ảnh: H.Hà

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo