Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm và kể cả Sở Tài chính - Vật giá (TC-VG) đã trình báo cáo về chính sách ĐBGT ở đây để UBND TP xem xét, quyết định. Nội dung hai báo cáo này chỉ khác nhau một điểm duy nhất đó là nên hay không nên có nhiều phương thức đền bù cho người dân?
Không đền bù bằng nền nhà, chuyện gì sẽ xảy ra?
Theo Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm, công tác ĐBGT không thể do các chủ đầu tư tiến hành theo từng dự án, mà do cơ quan Nhà nước tiến hành quy hoạch và chủ động trực tiếp tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư. Ban Quản lý cũng đề xuất UBND TP là không thực hiện phương thức đền bù bằng nền nhà, dù theo bất kỳ tỉ lệ nào. Đối với đất nông nghiệp, người có đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp canh tác trên đất nông nghiệp, chỉ tính theo giá trị sử dụng đất nông nghiệp tạo ra và có xem xét về việc san nền, không tính thêm bất kỳ một khoản hỗ trợ nào khác.
Phải thừa nhận rằng phương thức đền bù của Ban Quản lý là rất kiên quyết, chủ yếu để lập lại tình hình bất ổn định do sang nhượng mua bán đất trái phép tại đây. Tuy nhiên, một thực tế khá đau đầu là làm cách nào xác định người dân chuyển nhượng đất vào thời điểm nào. Hiện tại, giá thực tế chuyển nhượng trong khu quy hoạch này đã tăng gấp 4, 5 lần khung giá đền bù. Hầu hết là mua đi bán lại rất nhiều lần. Như vậy, những người nào sang nhượng lần cuối cùng sẽ hứng trọn hậu quả.
Đền bù theo cách của dự án Đông - Tây
Đây là quan điểm của Sở TC-VG khi trình các phương án ĐBGT, tái định cư ở KĐTM Thủ Thiêm cho UBND TP. Ông Lâm Triều, Phó Giám đốc Sở TC-VG, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định đền bù TP, cho biết: “Dự án Đông - Tây có đi qua địa bàn Thủ Thiêm, nhất là cửa hầm Thủ Thiêm sẽ được mở trực tiếp ở đây, vì vậy chúng tôi đề xuất TP nên áp dụng đền bù theo dự án Đông-Tây dành cho khu vực quận 2 nói chung và Thủ Thiêm nói riêng”. Theo ông Lâm Triều, phương thức ĐBGT như dự án Đông- Tây đang áp dụng thực sự đang diễn ra rất thuận lợi, nhiều hộ dân đã nhận tiền và đã di dời, chứng tỏ các phương thức đền bù ở đây là có hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Sở TC-VG đề nghị 3 phương thức đền bù thiệt hại: Đền bù bằng căn hộ chung cư, đền bù bằng đất ở khác hoặc bằng tiền nếu có yêu cầu tự lo nơi ở mới. Theo ông Lâm Triều, vẫn có thể đền bù lại bằng đất ở, chủ yếu lấy ở các khu vực vòng ngoài khu trung tâm, bởi theo ông Triều, nếu tất cả người dân lên nhà cao tầng mà chúng ta giải quyết được việc làm, cuộc sống ổn định thì không có gì phải bàn, nhưng thực tế hiện nay thì chưa được như vậy nên phải cân nhắc tính toán thật kỹ.
Về đền bù đối với đất nông nghiệp, Sở TC-VG cũng đề nghị, đối với các hộ có diện tích đất nông nghiệp lớn (mức diện tích lớn là bao nhiêu sẽ được bàn và quyết định), có đông nhân khẩu (cư ngụ tại địa bàn), có nhu cầu đất ở thì sẽ được xem xét, giải quyết nhà ở, đất ở tại các khu tái định cư của dự án; còn lại thì nhận bằng tiền theo giá quy định. Ở một số dự án của TP hiện nay nhất là ở các dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở thường áp dụng thêm phương thức hoán đổi đất ở khi thu hồi đất nông nghiệp với tỉ lệ từ 7% đến 15%, tùy vị trí khu đất và loại đất nông nghiệp.
Về tái định cư, Sở TC-VG đề nghị có quy hoạch các khu tái định cư (bao gồm chung cư và đất ở) như dự án Đông- Tây đã từng làm. Từ đó sẽ áp dụng nhiều phương thức như điều chỉnh, hoán đổi, bán đứt, bán trả góp, cho thuê. Diện tích đất nền tái bố trí theo quy hoạch không thấp hơn 40 m2/hộ và tối đa không quá 200 m2/hộ (có xem xét các trường hợp hộ gia đình có khuôn viên đất rộng, có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống trong một căn hộ...).
Đúng là cũng cần đưa ra nhiều phương thức cho người dân lựa chọn, nhưng nếu lấy khuôn mẫu của dự án Đông – Tây để định giá thì cần phải tiến hành thật nhanh chóng, vì ai cũng biết thị trường biến động từng ngày, không khéo đến lúc chọn đền bù như dự án Đông-Tây thì đã không còn phù hợp nữa.
Bình luận (0)