xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi chác với... thánh thần

LAN ANH - MẠNH DUY

Quá nhiều lễ hội đang bị biến thành “cỗ máy kiếm tiền”, màu sắc thực dụng lấn át những ý nghĩa tâm linh, văn hóa thiêng liêng

Nước ta hiện có đến 8.000 lễ hội, hầu hết diễn ra vào dịp đầu năm. Mỗi lễ hội đều có khởi nguồn văn hóa đẹp nhưng nhiều người lo ngại nguy cơ bị đồng hóa, mất bản sắc, phai nhạt truyền thống và nguy hiểm hơn là nhuốm màu thực dụng. Nhắc đến lễ hội, nhiều người nghĩ ngay đến chuyện cầu tài lộc, danh lợi, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền để “hối lộ” thần thánh. Nhiều nhà tổ chức lễ hội đang biến những kho báu văn hóa mà tổ tiên để lại thành nơi để… tăng nguồn thu.

Mua lộc, mua danh

Lễ hội ở những danh thắng tâm linh nổi tiếng, không riêng gì Yên Tử hay chùa Hương, ngày càng thu hút người hành hương. Tuy nhiên, phần lớn những người tìm đến các địa điểm tâm linh này lại không hiểu biết gì về lai lịch hay truyền thuyết của lễ hội. “Nhiều bạn trẻ vừa đi hội vừa đi chơi, thế nên cách nói năng, đi đứng vẫn còn chưa lịch sự, chưa đúng với những nơi tôn nghiêm” - ông Nguyễn Chí Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức (BTC) lễ hội chùa Hương, cho biết.

Cảnh bát nháo, chen lấn, xô đẩy... diễn ra ở hầu hết các lễ hộiẢnh: MẠNH DUY
Cảnh bát nháo, chen lấn, xô đẩy... diễn ra ở hầu hết các lễ hộiẢnh: MẠNH DUY

Nếu như ở các lễ hội tâm linh, nỗi lo về văn hóa và phong cách của du khách tham dự chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì ở những lễ hội tín ngưỡng với lời đồn về việc “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc” rất linh nghiệm, sự thực dụng thể hiện càng rõ. Ở đền Bà Chúa Kho, người ta sẵn sàng cung tiến rất nhiều tiền, hy vọng có lại được hơn số ấy. Một lần tình cờ vào gian “cấm cung” của ngôi đền này, chúng tôi chứng kiến cả một mâm tiền với những xấp 500.000 đồng xếp kín ban thờ. Số tiền ấy ước tính lên đến hàng tỉ đồng và chỉ là của một “thí chủ” cung tiến.

Nếu như giới làm ăn “kết” những ngôi đền cầu tài lộc như Bà Chúa Kho, Hoàng Mười... thì dân công chức lại mê Đền Trần bởi họ quan niệm có đến đây xin (mua) ấn đầu năm thì mới mong thăng tiến. Mỗi người đều có quyền cầu cho mình điều may mắn, hanh thông trong cuộc sống nhưng việc buôn thần, bán thánh ở lễ hội trở thành nỗi bức xúc của những người đến đây bằng tâm thế trong sáng.

Bà Đỗ Minh Hường, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngao ngán: “Người đi hội hiện nay dường như đang muốn đổi chác với cả thần thánh. Họ nghĩ có thể dùng tiền để mua lộc, mua danh. Quan niệm năng lễ bái để được “cô thương, cậu thương” cũng dẫn đến rất nhiều hệ quả xấu khi ở đời thực, người ta tự cho phép mình làm vô số điều bậy bạ nhưng cứ đem tiền đi lễ Phật, lễ thánh là sẽ được xá tội”.

Chịu thua “chặt chém”

Rất nhiều lễ hội đã giúp nuôi sống không ít người dân các địa phương. Tuy nhiên, các lễ hội này cũng đưa nhiều người vào vòng xoáy của nạn “chặt chém”, cốt sao để kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Với các lễ hội truyền thống, những dịch vụ đơn giản nhất, từ trông xe cho đến đổi tiền lẻ, đều hốt bạc. Đó là còn chưa kể một lực lượng đông đảo cò lễ hội, môi giới lễ hội đang xuất hiện nhan nhản, chỉ với mục đích giúp du khách đi hội được nhanh chóng, thuận tiện.

Với nạn “chặt chém” ở lễ hội, người dân chỉ đáng trách một phần bởi họ làm ăn tự phát, nhỏ lẻ. Nhìn sâu xa hơn, chúng ta thấy cả vai trò của nhà tổ chức. Hầu hết các lễ hội hiện nay đều chạy đua theo kiểu tăng quy mô tổ chức bằng cách diễn ra dài ngày hơn, mở rộng các điểm tham quan...

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) có thể coi là một điển hình về việc mở rộng quy mô. Từ ngôi chùa bình thường, khi lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư khu vực, Bái Đính đã hoàn toàn lột xác để được ghi kỷ lục là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. BTC các lễ hội dường như cũng có những cuộc cạnh tranh ngấm ngầm với việc ra chỉ tiêu mùa lễ hội năm nay phải đón lượng khách bao nhiêu, tăng bao nhiêu so với năm trước.

Một người chèo đò ở chùa Hương tâm sự: “Thực ra, tiền thuế, dịch vụ phải đóng cho BTC lễ hội rất nặng nên nếu không có tiền cho thêm của du khách, chúng tôi khó mà sống nổi”. Dịch vụ ăn uống “chặt chém” thì càng dễ hiểu bởi họ không những phải nộp rất nhiều khoản cho BTC lễ hội mà còn thuê mặt bằng, đóng thuế… Tất cả những thứ tiền ấy cuối cùng đều dồn lên đầu người đi hội.

Những lễ hội quy mô như Yên Tử, Bái Đính, chùa Hương... đều đem lại nguồn thu ngân sách khổng lồ cho địa phương tổ chức. Người ta thống kê chỉ riêng việc thu gom tiền lẻ mà du khách “thả” ở lễ hội chùa Hương mỗi năm đã lên đến hàng chục tỉ đồng. Số tiền công đức và nguồn thu từ vé của lễ hội chắc chắn sẽ còn “khủng” hơn thế rất nhiều. Tuy nhiên, chính việc mở rộng quy mô đã khiến màu sắc thương mại hóa ở lễ hội ngày càng phổ biến, dẫn đến lễ hội nào cũng  nhàn nhạt, na ná nhau.

Nhuốm mùi tiền bạc

Đánh giá về tổ chức lễ hội năm nay, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho rằng văn bản chỉ đạo nhắc nhở của cơ quan quản lý thế là đủ nhưng việc thực hiện ở địa phương rõ ràng chưa tốt.

“Kiểm tra lễ hội ở địa phương, chúng tôi rất khó chịu trước cảnh đổi tiền lẻ ngang nhiên ở các di tích. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Song, thực tế thì dịch vụ đổi tiền ăn chênh lệch vẫn ngang nhiên hoạt động tại các đền, chùa” - ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, để xảy ra trình trạng lộn xộn là do ban quản lý các di tích và chính quyền địa phương. “Nếu ban quản lý cắt cử người ra cất tiền lẻ vào hòm thì khác, đằng này lại cứ bày ra để “dụ” du khách. Việc nhét tiền lẻ vào tay Phật  làm ô uế cửa chùa, đáng lẽ sư trụ trì phải có thông báo, tuyên tuyền cho du khách thì nhiều nơi lại im lặng” - ông bức xúc.

Ông Bảo cho rằng những lễ hội đông người rất dễ xảy ra tiêu cực nhưng ngành văn hóa cố gắng mà các ngành khác không chung sức tham gia thì không thể kham nổi. “Đúng khen, sai chê, cần  phải sòng phẳng với nhau chứ không thể đổ hết lỗi cho Bộ VH-TT-DL. Khi đi kiểm tra, chúng tôi đã trao đổi ngay với ban quản lý di tích, BTC lễ hội nhưng đâu lại vào đấy. Rõ ràng để xảy ra tình trạng chặt chém, ăn xin đeo bám, đổi tiền lẻ, khấn thuê…, lỗi chủ yếu do chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội” - ông nhấn mạnh.

Về tình trạng dúi tiền vào tay Phật, nhét tiền khắp nơi trong chùa, ông Vương Duy Bảo cho rằng đến với thánh thần là bằng tấm lòng nhưng nhiều người lại dùng tiền làm cầu nối đổi chác. “Người xưa chỉ dùng chút lễ vật, dùng khói hương để tìm đến với các bậc thánh nhân nhưng ngày nay, nhiều người lại mang tâm niệm đến với thánh thần bằng tiền. Cứ mang quan niệm này thì hóa ra những người giàu, lắm tiền cung tiến thì được thánh nhân phù hộ, còn người nghèo thì không? Phật, thần nên được hiểu là những bậc cao siêu, mang đến sự bình an, giúp đỡ mọi người vì tấm lòng chứ không phải vì tiền như nhiều người vẫn quan niệm” - ông Bảo phân tích.

Nhường chỗ cho lòng tham

Theo GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cần phải nói thêm về văn hóa lễ hội của những người đi lễ. Phần lớn người đi lễ đầu năm là để cầu bình an, tài lộc nhưng có nhiều người làm việc không đoan chính, tham lam, vơ vét của công cũng đến cầu khấn thần linh phù hộ cho mình an lành. Có kẻ tham nhũng khi bị bắt lại coi như mình gặp “hạn”!..

GS Vũ Minh Giang tỏ ra bức xúc trước tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy, “cướp” lộc tại một số lễ hội. “Sự thành kính với tổ tiên, với các vị anh hùng dân tộc đôi lúc phải nhường chỗ cho lòng tham của con người. Xem cảnh người ta chen nhau “cướp” lộc mà tôi thấy sợ. Một cách biểu hiện văn hóa rất đáng buồn” - ông băn khoăn. Theo ông, đi lễ đầu năm là nét văn hóa đẹp để cầu an lành, để tâm hồn thanh thản nhưng các lễ hội giờ có quá nhiều biến tướng.

 

Phê bình chủ quản lễ hội chùa Hương

UBND huyện Mỹ Đức và Sở VH-TT-DL Hà Nội vừa bị ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP, phê bình vì làm không tốt nhiệm vụ được giao, để lễ hội chùa Hương tồn tại hàng loạt vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Rất đông du khách chen chân tại lễ hội chùa Hương
	Ảnh: MẠNH DUY
Rất đông du khách chen chân tại lễ hội chùa Hương Ảnh: MẠNH DUY

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác liên ngành do Sở VH-TT-DL Hà Nội chủ trì, kịp thời tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và khắc phục những vi phạm tại lễ hội chùa Hương. Công an TP Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các ngành liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại lễ hội; kiểm tra, xử lý và chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ; không để xảy ra hiện tượng cò vé đò, cáp treo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức tăng cường quản lý, tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay; sắp xếp lại hàng quán, trong khu vực I của di tích chùa Hương không kinh doanh dịch vụ ăn uống. UBND huyện Mỹ Đức cần chấn chỉnh tình trạng treo bán thịt động vật không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt du khách, nạn ăn xin, bói toán, cờ bạc, trộm cắp…

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo