xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi mới thể chế, con người để tăng trưởng

Bảo Trân

“Thể chế quyết định tăng trưởng. Do đó, nếu không đổi mới thể chế và con người thì động lực tăng trưởng của Việt Nam đã tới hạn” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) đã dành trọn ngày để nghe và thảo luận về báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Tái cơ cấu kinh tế cần “bình mới, rượu mới”

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2011-2015 đạt 5,78% không đạt mục tiêu đề ra (6,5%-7%) và cho thấy những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa rõ nét.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại hội trường Ảnh: HOÀNG NGỌC
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại hội trường Ảnh: HOÀNG NGỌC

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) tán đồng với đánh giá của báo cáo giám sát là quá trình tái cơ cấu nền kinh vẫn còn chậm so với yêu cầu. Đi vào vấn đề cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu con số DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 còn hơn 1.000 nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các công ty con, cháu, thậm chí là công ty chắt vẫn chiếm tỉ trọng 32% GDP. Trong khi một số khoản đầu tư ngoài ngành đạt hiệu quả thấp, thua lỗ.

Bà Khá cho rằng tình hình trên có nguyên nhân chỉ đạo điều hành chưa thực sự quyết liệt của một bộ phận người đứng đầu các cơ quan chức năng và DNNN. “Để tái cơ cấu kinh tế phải thực chất hơn, đạt được mục tiêu “bình mới, rượu mới” thì mạnh dạn cắt đi “cái đuôi” của nhóm lợi ích” - bà Khá thẳng thắn.

Là thành viên tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Thân Đức Nam, cũng đề xuất đối với việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể áp dụng biện pháp thay đổi cán bộ nếu trì hoãn cổ phần hóa. Theo ông Nam, những mục tiêu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế như nghị quyết QH kỳ họp thứ 2 chưa thể hiện được rõ nét.

Thêm quyền cho công ty mua bán nợ xấu

Phần lớn ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tập trung vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh xử lý nợ xấu nếu chỉ trông chờ vào cố gắng của ngân hàng là không đủ bởi đây là vấn đề của nền kinh tế và đòi hỏi sự tham gia nỗ lực của các ngành, các cấp và đồng bộ.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị nhằm từng bước xử lý tốt nợ xấu, cần mạnh dạn cải tổ khuôn khổ pháp lý như trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho tổ chức tín dụng.

Theo chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân, các tổ chức tín dụng đã xử lý 250.000 tỉ đồng nợ xấu mà chưa phải dùng đến ngân sách cho thấy hướng đi vừa qua là đúng, cần tiếp tục làm quyết liệt. Tuy nhiên, muốn giải phóng được nợ xấu thì cần trao quyền hạn nhiều hơn cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu.

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) nhìn nhận nợ xấu là sản phẩm của thị trường, phải tạo thị trường để giải quyết. Song thủ tục phát mại tài sản cầm cố ở ngân hàng đang rất nhiêu khê, phức tạp, có trường hợp 7 năm chưa bán được. Vì thế, cần tháo gỡ cơ chế để cho ngân hàng mua bán được nợ xấu, không thể để tình trạng người vay mà không hợp tác thì không phát mại được tài sản thế chấp.

Cấp thiết đổi mới đội ngũ cán bộ DNNN

Là vị “tư lệnh” duy nhất đăng đàn giải trình những băn khoăn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ  Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho rằng chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và cả động lực để tăng trưởng cũng đang có vấn đề.

“Đã đến lúc phải đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi thể chế. Đây không chỉ là mong muốn của ĐBQH mà là mong muốn của nhân dân” - ông Vinh trải lòng và bộc bạch “đã có những con số cụ thể để đánh giá nguy cơ và sự tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, nếu không đổi mới thì tăng trưởng sẽ không thể cao”.

Không đồng tình với phát biểu của ĐBQH cho rằng “tăng trưởng dưới tiềm năng”, ông Bùi Quang Vinh đặt vấn đề: “Nói là tiềm năng thì căn cứ vào đâu để tính? Tiềm năng của Việt Nam là tăng trưởng GDP 7%? Tôi khẳng định không phải. Vậy tiềm năng là 8%-9%? Quốc tế đang đề nghị Việt Nam phải tăng trưởng 8%-9%/năm thì 40 năm sau mới ngang bằng Hàn Quốc vào thời điểm này”.

Hội trường QH lặng đi trong 20 phút khi ông Vinh bất ngờ nêu quan điểm: “Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên mà chính là con người, là thể chế và quyết định tăng trưởng. Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người và Việt Nam có nhiều tiềm năng con người”.

Nhấn mạnh vai trò của đổi mới thể chế, ông Vinh nhìn nhận QH đóng vai trò cực kỳ quan trọng. “Đổi mới thể chế, ra các luật là QH. Chỉ có luật mới làm cuộc sống thay đổi được. Không thể dùng lời khuyên hay mong muốn để thay đổi. Trách nhiệm, trí tuệ của các ĐBQH là cực kỳ quan trọng. Chúng ta tạo ra động lực trong toàn xã hội, trong QH, trong Đảng thì Chính phủ mới có nguồn lực để đổi mới” - ông Vinh mong mỏi.

Theo ông Vinh, các chuyên gia quốc tế cho rằng nếu đổi mới DNNN mà vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra DN đó, lãnh đạo DN đó thời kỳ vẻ vang thì hôm nay, họ không thể tự mình chặt chân mình, phải người khác đến thì mới đổi mới được.

“Vì vậy, đổi mới đội ngũ cán bộ là một bước phải làm. Còn tự mình đổi mới mình thì khó lắm!” - ông Vinh quả quyết. 

ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu):

 

img

Cần tái cơ cấu bộ máy nhà nước

Điều quan trọng là phải chống cho được tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Lĩnh vực này đang rất nghiêm trọng.

Nhân dân hỏi chúng ta có cần cầu không? Chúng ta rất cần cầu. Nhưng bây giờ chúng ta có cần cầu dây văng lung linh? Có cần sân bay không? Cần, nhưng xây sân bay vào lúc nào, quy mô bao nhiêu? Chúng ta có cần những công trình văn hóa cả ngàn tỉ đồng mà bây giờ để cho thuê đám cưới không? Chúng ta có cần những làng văn hóa 3.200 tỉ đồng nay biến thành phim trường không? Nhân dân không chấp nhận được chuyện đó!

Trước khi đi họp QH, có một doanh nhân nói với tôi: “Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu DN nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông?”. Các ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách là mang tâm tư của cử tri quan tâm đến tái cơ cấu tổ chức bộ máy. Tái cơ cấu trách nhiệm là để phục vụ dân tốt hơn, để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế.

Đất nước ta không thiếu người tâm huyết, tài năng nhưng họ không có điều kiện và không có vị trí xứng đáng để ra giúp dân, giúp nước. Phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm công khai, minh bạch thì họ mới có cơ hội giúp dân, giúp nước? Nếu không có giám khảo công tâm tuyển chọn thì người tài mãi đứng thứ 4, xếp sau “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” và khó có cơ hội.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên):

img

Thẩm quyền đi liền trách nhiệm

Tái cơ cấu nền kinh tế phải giải quyết cho được 3 vấn đề là “cơ cấu, cơ chế và cơ hội”. Cơ cấu phải xác định rõ hơn yêu cầu tái cơ cấu đầu tư, bảo đảm được nguồn vốn đầu tư phát triển hằng năm, giảm đầu tư của nhà nước, tăng tỉ lệ ngoài nhà nước. Cần giảm cơ chế cấp vốn, tăng cường công khai minh bạch trong quản lý sử dụng vốn đầu tư. Phải gắn thẩm quyền đi liền với trách nhiệm. Ngoài ra cần tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng hơn nữa để giảm chi phí vô lý, trái pháp luật cho DN, giảm nhũng nhiễu phiền hà cho nhà đầu tư.

Bảo Trân ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo