xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi thay từng ngày

TRƯỜNG HOÀNG - GIA MINH - SỸ ĐÔNG

Xóm nghèo, ô nhiễm “khét tiếng”; ốc đảo “3 không”... khốn khó một thời ở TP HCM đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho sự đổi thay

Ai đi xa có dịp quay lại TP HCM sẽ ngạc nhiên nếu không muốn nói là ngỡ ngàng trước hình ảnh những con kênh, rạch ngày càng thêm xanh; những mái nhà lụp xụp ven kênh, rạch nay đã lên đời… Câu chuyện đổi thay theo đó được người dân kể lại khi có ai nhắc đến chuyện xưa với cuộc sống khó khăn từng đối mặt.

Sang trang

“Một ngày cuối tháng 4 này, trở lại rạch Ụ Cây (quận 8), tôi không khỏi ngạc nhiên, thậm chí cảm nhận sự xa lạ khi “xóm bộ lạc” ngày xưa giờ đã khác hẳn” - ông Nguyễn Thành An (68 tuổi), một người con của xóm này cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chia sẻ khi có dịp quay về.

Theo ông, giờ bên con đường nhỏ chạy dọc bờ rạch là khung cảnh yên bình đến lạ kỳ. Đặt chân vào xóm, điều đầu tiên khiến ông An ngỡ ngàng là không còn những ánh mắt dòm ngó đề phòng, không cảm nhận thấy sự bon chen, lộn xộn mà thay vào đó là sự thân thiện, cởi mở của người dân nơi đây.

“Hồi đó, cứ nhắc đến rạch Ụ Cây là người ta lại lắc đầu ngao ngán bởi ở đó có “xóm bộ lạc”. Ít ai dám bén mảng tới khu vực này vì những người trong xóm luôn dè chừng, đụng tới một thành viên là rất dễ bị “đánh hội đồng” dù đúng hay sai. Thuở ấy, mấp mé trên rạch Ụ Cây là những căn nhà xiêu vẹo, rộng chừng 20 m2 và che chắn tạm bởi những ván ép gỗ hoặc tấm tôn gỉ. Còn dãy nhà bên trong có phần kiên cố hơn khi xây tường nhưng hầu hết đều chật hẹp và tối tăm. Khi đó, nước dưới rạch đen ngòm cùng rác thải bị dồn lại thành từng đống lớn, bốc mùi hôi nồng nặc. Mỗi khi triều cường dâng cao hoặc mưa lớn, nước bẩn lại ngập lênh láng, có lúc tràn cả vào nhà. Xóm nghèo khi đó giống như một bức tranh tương phản với khu vực sầm uất xung quanh” - ông An hồi tưởng.

Gặp lại anh Bùi Văn Bình (37 tuổi), ông An đã không khỏi xúc động về từng sự kiện đổi thay của xóm nghèo. Anh Bình kể cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện từ khoảng năm 2010, khi những hộ dân sống ven rạch di dời qua nơi ở mới, khu vực này cũng bắt đầu được cải tạo dần, trở nên thông thoáng hơn, ô nhiễm cũng giảm. Nhờ vậy, anh Bình đã mở quán cà phê nhỏ ở trước nhà để kinh doanh, trong khi vẫn làm chính tại một công ty thuộc địa bàn quận 5.

Góp thêm câu chuyện, bà Nguyễn Thị Cẩn (63 tuổi) hào hứng nói vài năm trở lại đây, người dân ven rạch Ụ Cây đa phần không còn bán vé số và trẻ em cũng đều được đi học, thoát cảnh phải lao động cực nhọc để phụ giúp cha mẹ như trước. Theo bà Cẩn, từ lúc những hộ dân ở ven kênh được giải tỏa để chuẩn bị cải tạo rạch, khu vực này giảm dần các tệ nạn xã hội, ô nhiễm…, từ đó giá đất tăng theo từng ngày. Dù vậy, ít ai bán nhà do hầu hết đã bám trụ tại đây lâu năm, coi nhau như bà con thân thiết…

Đứng trên cầu Nguyễn Tri Phương nhìn bao quát con rạch Ụ Cây dài chừng 1 km (từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Hiệp Ân) với hình ảnh các đơn vị gấp rút thi công, 2 bờ được kè đá kiên cố, còn phía dưới đang nạo vét và sắp tới xung quanh sẽ làm đường giao thông, trồng cây xanh mà người viết mừng thay cho bà con nơi đây.

Rời Ụ Cây, băng qua cầu Nguyễn Tri Phương, xuống đại lộ Võ Văn Kiệt, chạy một vòng cung qua đường Tôn Đức Thắng về gặp người dân sinh sống ở rạch Phan Văn Hân (đoạn từ đường Nguyễn Cửu Vân kéo dài ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thuộc phường 17, quận Bình Thạnh) lại được nghe những tiếng reo vui vì dự án cải tạo rạch Phan Văn Hân đang bước vào những công đoạn cuối trong cuộc “hồi sinh” dòng kênh ô nhiễm gần 20 năm qua, giờ đã là cống hộp với những ngôi nhà vững chắc.

Nhờ việc cải tạo kênh Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) mà những căn nhà lụp xụp ven kênh đã được thay đổi bằng những ngôi nhà vững chắcẢnh: SỸ ĐÔNG
Nhờ việc cải tạo kênh Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) mà những căn nhà lụp xụp ven kênh đã được thay đổi bằng những ngôi nhà vững chắcẢnh: SỸ ĐÔNG

Nườm nượp Thạnh An

“Vẫn là TP HCM nhưng không có tiếng còi xe inh ỏi, cũng không phải tấp nập người qua lại mà là Thạnh An - hòn đảo nhỏ thuộc huyện Cần Giờ - nơi khiến ai đến rồi đi cũng phải lưu luyến” - Ngọc Hải, cô bạn đồng hành với tôi trên thuyền từ bến Cần Thạnh ra xã đảo Thạnh An hồi đầu tháng 4, nói như vậy vì cô đã đến đây cách nay 2 năm.

Ngọc Hải chia sẻ Thạnh An lúc trước không có dịch vụ khách sạn hay nhà nghỉ. Vì vậy, muốn ở qua đêm thì có thể mua đồ tươi sống rồi ghé nhà dân nhờ chế biến, đồng thời xin nghỉ trọ. “Yên tâm, người dân ở đây rất ôn hòa và hiếu khách, không dè chừng trước sau như người dân ở nội thành đâu...” - Ngọc Hải nói.

Nhân nhắc đến thuyền đưa khách ra Thạnh An lại nhớ lời kể của bà Đặng Thị Huyền (một trong 3 chủ thuyền ở bến Cần Thạnh). Gia đình bà Huyền đã hành nghề này ít nhất là hai thế hệ. Đầu tiên thuyền rất nhỏ, chỉ chở được vài người và chủ yếu là cán bộ xã đi họp, người dân, học sinh ra thị trấn Cần Thạnh để làm việc, học hành. Sau đó, do đảo ngày càng phát triển, người dân và du khách qua lại nhiều nên đã thay thế thuyền to hơn. Hiện nay, thuyền đã chở được vài chục người, mỗi ngày có tổng cộng 12 chuyến qua lại đảo.

40 phút ngồi trên thuyền, Thạnh An hiện ra giữa một vùng mênh mông sóng nước, được bao quanh bởi rừng đước và con đê chắn sóng bằng đá. Thuyền cập bến, chúng tôi theo con đường bê-tông bằng phẳng đến với xã đảo Thạnh An. Đặt chân lên đảo, khác với những suy nghĩ ban đầu, dọc theo nhiều con đường nhỏ hẹp nhưng thẳng tắp là những ngôi nhà kiên cố và đẹp mắt.

“Mấy năm nay, lượng du khách đến đảo rất đông. Những ngày cuối tuần có thêm nhiều chuyến tàu đưa hàng trăm du khách đến tham quan khiến sinh hoạt của đảo nhộn nhịp hẳn lên” - ông Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đảo Thạnh An, mở đầu câu chuyện về sự đổi thay ở nơi đây. Du khách đến nhiều, hàng quán được mở ra và dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ đã xuất hiện trên đảo để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

“Có được sự đổi thay này phải kể đến công đầu của 2 “ông” điện và nước” - ông Trần Văn Chi, một người dân cố cựu của xã đảo, nói. Ông Chi nhớ lại hồi đó, khi đánh bắt cá về, người dân tranh thủ tắm giặt ở sông trước, sau đó về nhà chỉ được một ca nước ngọt xả lại. Nước ngọt thời đó khan hiếm lắm, 3 ngày mới có thuyền chở từ đất liền ra đảo nên phải tiết kiệm. Thế nhưng, hiện đường ống đã dẫn nước tới nhà. Nói về cái khó, cái khổ hồi chưa có điện, ông Nguyễn Văn Thanh chêm vào: “Bà xã tôi đẻ nhiều, nghèo đói đeo riết là tại cái đèn dầu không đủ sáng. Giờ thì khác rồi, điện xài cả ngày, thoải mái coi tivi”.

Chẳng thế mà cứ nhắc đến sự kiện hồi tháng 4-2016, dòng điện từ đất liền đã được đưa đến ấp Thiềng Liềng, một nơi heo hút của Thạnh An, chính thức hòa vào mạng lưới điện toàn xã thì từ già đến trẻ ở Thạnh An đều không quên. Theo các lãnh đạo xã Thạnh An, một động lực nữa khiến xã đảo này ngày càng chuyển mình đi lên chính là sự kiện trong chuyến thăm đảo vào tháng 4-2016, Bí thư Thành ủy

TP HCM Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo hết sức thiết thực nhằm định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội như tổ chức dạy cấp 3 tại xã, trồng cây tạo mảng xanh... “Thạnh An đang tập trung thực hiện từng bước những chỉ đạo trên và đời sống của người dân theo đó đi lên từng ngày” - ông Trần Văn Thanh vui mừng chia sẻ khi những ngày này, nơi đây đang nườm nượp đón du khách ghé thăm.

Tập trung di dời hơn 20.000 nhà ven kênh

TP HCM hiện vẫn còn hơn 20.000 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch, tập trung ở các quận 8, 4, Bình Thạnh…

TP đang tập trung thực hiện chương trình di dời những căn nhà trên nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay đến năm 2020.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo