xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dòng kênh khai sáng

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Trở lại kênh T5, nay là kênh Võ Văn Kiệt, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bao đổi thay. Đại công trình lịch sử này đã làm hồi sinh cả một vùng đất chết

Đứng trên cầu T5, đầu tuyến kênh Võ Văn Kiệt ở cánh đồng Lạc Quới, huyện Tri Tôn - An Giang phóng tầm mắt về hướng biển Tây, tôi cảm nhận được một sức sống mới thật mãnh liệt.
 
Màu vàng úa của đồng phèn, màu xám xịt của cỏ lác, cỏ năn nay được thay bằng màu xanh đầy sức sống của cây lúa, của dòng nước ở một vùng hoang hóa thuở nào.
 
Ký ức đồng phèn 
 
Tuyến đường đất dọc kênh Võ Văn Kiệt vẫn còn lởm chởm đá nhưng những căn nhà đã mọc lên đầy vẻ sầm uất. Ghé một ngôi nhà bên đường, tôi được ông Nguyễn Văn Ngôi, một trong những lão nông gắn chặt gần cả cuộc đời với vùng đất chết ngày nào này, đưa ngược thời gian về hàng chục năm trước.
 
Trong ký ức của ông Ngôi, 60 năm trước, vùng này chỉ là cánh đồng phèn trải dài bất tận. Là dân gốc Ba Chúc - Tri Tôn, lên 10 tuổi, ông Ngôi đã biết từng ụ tràm, đám lác ở vùng đất này.
 
Ông nhớ lại: “Lạc Quới ngày xưa hoang vắng lắm, qua khỏi ngã ba Ba Chúc mà vẫn không có nhà dân, nói gì vô tận miệt này. Đường từ Ba Chúc vào Lạc Quới mùa khô thì băng đồng, mùa nước thì đi xuồng. Hồi đó, chỉ có dân nghèo như tụi tui mới liều mình vô đây kiếm sống. Người nào gan lắm cũng chỉ dám ở tới 15 giờ - 16 giờ là phải về, nếu mặt trời hơi khuất là rắn rít ra cắn mất mạng”.
 
Lạc Quới khi ấy chỉ được mỗi thứ là tôm, cá nhiều vô kể. “Tuy nhiên, vì toàn là đồng đất hoang vu, lau sậy cao lút đầu người, vào sâu nữa là rừng tràm nên đâu có ai đánh bắt gì.
 
Chống xuồng qua kênh mà bỏ sợi dây vàm rớt xuống nước, khi lôi lên đã nhuộm dính một màu vàng quánh. Phèn nhiễm nặng đến nỗi tôm cá bắt về nấu vẫn còn hôi. Cánh đồng xung quanh nhà tôi thuở đó toàn cỏ lác, ai sơ sẩy chút là bị nó cắt chảy máu đầm đìa” – ông Ngôi hồi tưởng.
 
Năm 1958, cha con ông Ngôi bắt đầu vào khẩn hoang vùng đất phèn mặn trên cánh đồng Lạc Quới. Cùng lứa với ông Ngôi còn có các ông Năm No, Tư Ngoạn, Chín Xị, Hai Râu, Năm Bạch... Đó là những cư dân đầu tiên đặt chân đến khẩn hoang vùng khỉ ho cò gáy không một bóng người này.
 
 
img
Nông dân Nguyễn Văn Sơn: “Nằm mơ tui cũng không nghĩ được xứ này lại đổi mới như hôm nay”

 
Ông Năm Bạch kể: “Chuyện khai khẩn ở đây gian khổ không sao tả xiết. Muốn phá lác, đốn tràm đâu phải dễ, phải đợi mùa khô. Ròng rã khai hoang hơn 3 năm, cha con tôi cũng chẳng có được bao nhiêu công đất. Khai hoang đến đâu, chòi canh cũng bắt đầu được dựng lên đến đó để giữ đất, làm ruộng và có nơi trú mưa nắng”.
 
Khi đó, hầu hết những người đi khai hoang đều không có khái niệm gì về việc sẽ định cư ở chốn này. Anh Nguyễn Văn Út, con ông Ngôi, cho biết: “Ông nội rồi cha tôi cũng thế, cứ tới mùa lúa thì vô dựng lại cái chòi, ở tới lúc cắt lúa xong rồi trở ra Ba Chúc. Tới ngày đất nước giải phóng thì chỉ vài hộ cất nhà lá nho nhỏ ở đây, trong đó có gia đình tôi nhưng vùng này vẫn hoang vu lắm”.
 
Công trình lịch sử
 
Khi đồng hoang được khai phá, những cư dân sớm của vùng Lạc Quới bắt đầu trồng lúa. Song phèn, mặn vẫn còn rất nặng, lúa trồng xuống gặp mưa, nước dậy phèn liền cháy úa.
 
Ông Tư Ngoạn cho biết qua vài vụ, những đợt mưa lớn làm loãng bớt phèn và cây lúa dần dần cũng bén rễ được ở vùng đất mới nhưng chỉ làm được lúa mùa. Khó khăn nhất của vùng đất này là nước ngọt cho cả sinh hoạt và tưới mát ruộng đồng. Bao nhiêu năm làm lúa, nông dân ở đây chỉ trông cậy vào nguồn “nước trời” và cũng chỉ có cây lúa mùa mới chịu đựng được.
 
Rồi nguyện vọng, khao khát lớn lao của người dân cũng được đáp ứng. Ngày 22-4-1997, công trình đào con kênh T5 dài 48 km chạy qua An Giang, Kiên Giang đổ ra tận biển Tây, dẫn nước ngọt cho vùng đất này, được khởi công.
 
“Đó là đại công trình lịch sử do Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định và chỉ đạo thực hiện. Nghe nói đào kênh dẫn nước ngọt rửa phèn, thoát lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên, ai cũng vui mừng nhưng không khỏi lo âu vì thời gian thực hiện chỉ có 4 tháng. Hồi đó, tôi lui tới kiểm tra, đôn đốc anh em ráng làm tốt, làm nhanh” - ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhớ lại.
 
Ông Tư Ngoạn vẫn chưa thể nào quên những ngày rạo rực trong đời mình sau khi kênh T5 động thổ khởi công: “Xáng múc, xáng thổi, máy cuốc, máy cày... ùn ùn về đây.
 
 
img
Ghe mua lúa ngược xuôi trên kênh Võ Văn Kiệt
 
 
Ban ngày thì xáng múc chạy ầm ầm, công nhân làm việc dưới nắng chang chang không ngơi nghỉ. Chạng vạng, công trình thắp đèn điện sáng choang, máy móc, nhân công thay nhau làm việc cả về đêm nên con kênh hoàn thành trong vòng 4 tháng. Lúc khai miệng cống để dẫn nguồn nước từ kênh Vĩnh Tế vào kênh T5, nông dân vui sướng reo mừng, thiệt là biết ơn người đã khuất”.
 
Từ đó, những cố nông đầu tiên vào đây khai mở đất cũng bắt đầu di dời sang kênh T5 cất nhà định cư. Có nước ngọt đầy đủ, đồng phèn phần nào được tháo chua, bà con vùng Lạc Quới hào hứng tăng gia cày cấy, chuyển đổi từ lúa mùa sang lúa thần nông, mỗi năm 2 vụ.
 
Năng suất cứ nhích dần, ban đầu chỉ mười mấy giạ, dần dần 30-40 giạ/công. Thấy đã sống được trên vùng đất này, nhiều người dân Ba Chúc bắt đầu dời vô ở hẳn. Đại công trình dẫn nước ngọt đưa vào sử dụng đã làm thay đổi một vùng đất mới; bưng biền, đồng hoang được đánh thức sau hàng chục năm ngủ vùi.
 
Nước mát, đồng xanh
 
Dòng kênh mới không chỉ khai hoang, phục hóa hàng ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp, tưới ngọt một vùng phèn chua, cỏ lác mà còn mở ra hệ thống đường thủy huyết mạch cho vùng Tứ giác Long Xuyên, thông với dòng kênh Vĩnh Tế.
 

Công trình tri ân

Ngày 10-7-2009, HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố thủ tướng ở đầu tuyến kênh này.

TS Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang, cho biết dự án công trình công viên và bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay đầu kênh T5, cạnh UBND xã Lạc Quới, đã hình thành và sắp được khởi công. Dự kiến, công viên rộng khoảng 1.200 m2. Toàn cảnh công viên sẽ bố trí hài hòa, bia bằng đá granit nguyên khối. Đây là công trình mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng tri ân của nhân dân An Giang đối với người có công đánh thức một vùng đất chết.

Ngày nay, trên dòng kênh trĩu nặng phù sa này, ghe xuồng xuôi ngược dập dìu. Đầu vàm kênh Võ Văn Kiệt, tôi quá giang một chiếc trẹt gỗ chở máy cày của anh Út Nhiễu (làm ruộng tận miệt Bàu Đưng, huyện Kiên Lương - Kiên Giang) để cảm nhận hết sức sống mới của vạt đất sát mép biển Tây này.
 
Tiếng máy đuôi tôm nổ giòn, chiếc trẹt chạy xé nước tung bọt trắng xóa. Từ dưới bờ kênh nhìn lên, tôi háo hức ngắm những cánh đồng xanh ngát. Chốc chốc lại có những chiếc ghe bầu cỡ bự đặt chiếc cân đồng hồ trước mũi chạy tìm mua lúa.
 
Rồi tiếng rao của dân thương hồ ngược xuôi bán đủ thứ hàng tạp hóa. Chỉ cần ngồi dưới bến cầu trước nhà, người dân dọc bờ kênh Võ Văn Kiệt có thể dễ dàng vẫy gọi ghe bán hàng bông mua không thiếu thứ gì, từ đồ ăn đến món giải khát.
 
Nhìn dòng nước mát trên kênh đang chảy xiết, Út Nhiễu phấn khởi: “Nhờ có con kênh này mà bà con miệt xa như ở Bàu Đưng tụi tui mới có hàng hóa tới nơi, khỏi phải đi chợ xa.
 
Tuyến kênh đã trở thành cầu nối giúp cánh thương hồ tiếp cận với bà con vùng sâu, vùng xa. Con kênh này nối tới Kiên Giang nên việc vận chuyển máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp... rất thuận lợi”.
 
Con đường quê là bờ kênh xáng T5 giờ phủ kín những mái nhà ngói, nhà tường. Nằm lim dim trên chiếc võng mắc ven bờ kênh, ông Nguyễn Văn Sơn, 59 tuổi, đang thư thả nghe radio.
 
Giọng ông hồ hởi: “Điện đã về đây từ mấy năm trước, sắp nhỏ tối học bài khỏe re, nước thì cũng có nước máy rồi. Trường học, trạm xá, chợ búa cũng dời vô đầu kênh nên cái gì cũng dễ. Nói thiệt chứ nằm mơ tui cũng không nghĩ được cái xứ Lạc Quới này đổi mới như hôm nay”.
 
Trẻ em vùng Lạc Quới, Vĩnh Phước ven kênh giờ có thể tự đến trường ngay đầu vàm. “Con tui, đứa lớn cấp 2, đứa nhỏ cấp 1 đều đi học hết. Xóm này đã có gia đình có con vô đại học, như chú Năm No. Cỡ 5-7 năm nữa, sẽ có những kỹ sư, cử nhân thế hệ đầu tiên là con em vùng đất hoang hóa này. Dòng kênh đã khai sáng, hồi sinh một vùng đất chết, tạo nên sức sống mới cho ruộng đồng, cây lúa và cả con người của xứ này” – ông Sơn phấn khởi.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo