xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dừng hội họp để đối phó Thần Sấm

THÙY DƯƠNG - TRỌNG ĐỨC

Dự báo chiều nay (18-7), bão Thần Sấm (Rammasun) sẽ đến đảo Hải Nam - Trung Quốc và sau đó đi thẳng vào vịnh Bắc Bộ. Ngoài khơi phía Đông Philippines, một vùng áp thấp mới hình thành

Tại hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo, UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa ngày 17-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo:  “Rammasun là cơn bão lớn, đến sáng 17-7 đã mạnh lên một cấp - cấp 11, giật cấp 12, cấp 13, có lượng mưa 200-300 mm nên rất nguy hiểm. Do vậy, tất cả các địa phương phải chuẩn bị tinh thần ứng phó”.

Cấm biển

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để chỉ huy phòng chống bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử đoàn công tác đi kiểm tra ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên cần kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông; có phương án chống úng ngập cho các đô thị, các vùng trũng thấp, dừng mọi hoạt động sản xuất gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình thực hiện cấm biển từ ngày 17-7.

Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Thủy Nguyên Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Thủy Nguyên Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ sạt lở chủ động đối phó; kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão, đường sá...

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có  công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đối phó với cơn bão này.

Di dời dân

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến 19 giờ ngày 17-7, 100% tàu, thuyền đánh bắt xa bờ đã vào bờ, nơi trú ẩn an toàn; 6.640/8.407 tàu, thuyền, phương tiện đánh bắt ở gần bờ về nơi neo đậu, trú ẩn; 1.000 hộ dân nuôi cá lồng bè đã được đưa lên bờ. Cũng trong ngày, khách du lịch ở huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn được di chuyển vào bờ. Trước đó, từ 12 giờ 30 phút ngày 17-7, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ra lệnh ngừng cấp giấy phép rời cảng cho tất cả các tàu tham quan Vịnh Hạ Long nhằm tránh diễn biến bất thường của cơn bão.

Tại Hải Phòng, công tác sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do bão sẽ được thực hiện trước 16 giờ ngày 18-7. Đến chiều 17-7, các đơn vị chức năng tỉnh này đã thông báo cho 3.023 phương tiện, 498 lồng bè… đang hoạt động trên biển vào bến neo đậu. Hiện còn 572 phương tiện đánh bắt với 1.479 lao động vẫn đang hoạt động trên biển. Địa phương này cũng đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi, du lịch giải trí khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông từ 14 giờ ngày 18-7. Dự kiến, sáng 18-7, huyện Cát Hải tổ chức di dân tại chỗ hơn 1.300 người.

Tỉnh Thái Bình xác định 2 nhiệm vụ di dân khỏi nơi xung yếu và kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 18-7. Ngay từ sáng 17-7, tỉnh Thái Bình đã ra lệnh cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi.

Nguy cơ bão chồng bão

Trong khi cơn bão Rammasun (bão số 2) đang di chuyển nhanh, mạnh vào biển Đông và đe dọa tới đất liền nước ta thì theo các đài dự báo khí tượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện ở ngoài khơi xa thuộc phía Đông Philippines vừa hình thành một vùng áp thấp ở gần vị trí cơn bão Rammasun hình thành và phát triển.

Đối với bão Rammasun, đến chiều và tối 17-7, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13; giật cấp 15, cấp 16 và còn có khả năng mạnh thêm. Khoảng chiều ngày 18-7, vị trí tâm bão sẽ ở trên vùng bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14; giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão vẫn giữ hướng di chuyển giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và đi vào vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối 18-7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9; sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13; giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội. Từ đêm 18-7, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11; giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu Đông Bắc có gió mạnh cấp 6-7; có nơi cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to; đề phòng lũ quét, sạt lở đất. 

Lập các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ

Ngày 17-7, Bộ Y tế có công điện khẩn yêu cầu các Sở Y tế từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh miền núi phía Bắc bám sát tình hình mưa bão, chủ động lên phương án phòng chống bão trong các cơ sở y tế trực thuộc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn nhân lực, vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão và tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị và phân công các đội y tế cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần. Chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh.

N.Dung

 

Philippines: 38 người chết vì bão Rammasun

Philippines bắt đầu dọn dẹp các đống đổ nát, nối lại đường dây điện và dựng lại nhà cửa hôm 17-7 sau khi cơn bão Rammasun đi qua khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và 8 người mất tích.

Ông Alexander Pama, Giám đốc điều hành Cơ quan Thảm họa quốc gia Philippines, cho biết cơn bão đã phá hủy khoảng 7.000 ngôi nhà, làm hư hại 19.000 ngôi nhà và khiến hơn 530.000 người phải sơ tán. Theo ông Pama, thiệt hại do bão gây ra đối với cây trồng - phần lớn là lúa và ngô - ở khu vực Bicol ước tính lên đến 15 triệu USD. Ngoài ra, hầu hết trường học tại thủ đô Manila và Nam Luzon, khu vực đông dân nhất Philippines với 17 triệu người, đều phải đóng cửa. Công ty Điện lực Manila cho biết gần 1 triệu người vẫn phải chịu cảnh mất điện.

Rammasun được xem là cơn bão mạnh nhất đi qua Philippines trong năm nay.  Theo Tân Hoa Xã, bão này dự kiến đổ bộ Trung Quốc vào trưa 18-7 ở khu vực giữa đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông. Chính quyền các địa phương ở miền Nam và Tây Nam Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động. Trong khi đó, miền Nam Trung Quốc đang phải hứng chịu các trận mưa lớn làm ít nhất 34 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy và  hơn 300.000 người phải sơ tán hồi tuần rồi.

X.Mai

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo