xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp sự cố là đổ thừa trời, đất

AN BANG

Đó là cách “né đòn” nhanh và an toàn nhất vì chuyện gì “ông trời” cũng liên quan và khi bị đổ lỗi, dù có oan ức đến mấy thì trời, đất cũng phải gánh vì không nói được, chẳng thể nào phản biện được

Gần đây, mỗi khi xảy ra chuyện thì chúng ta lại nghe các bên phải giải trình trách nhiệm đổ thừa cho yếu tố khách quan để cho rằng đó là sự cố bất khả kháng.

Sao không gọi điện hỏi trời?

Mới nhất là vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (tỉnh Lâm Đồng) vào tuần trước. Đây là tai nạn được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, 12 công nhân suýt mất mạng, tiền của hao tốn cho công tác cứu hộ và giải quyết hậu quả cực lớn. Vậy mà đại diện chủ đầu tư (Công ty CP Long Hội) giải thích “ngon ơ”: Sập là do địa chất yếu, cộng với mưa nhiều làm nước đọng khiến đất nhũn (!). Đáng nói là những yếu tố này đều đã được cảnh báo trước và quá trình thi công thì đã thay đổi một vài đơn vị.

Hôm 21-10, tại cuộc họp bàn về giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn TP HCM với các sở, ngành và quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín “truy” vì sao TP còn 14 điểm tái ngập, 2 điểm ngập mới cộng với 11 điểm cũ chưa xóa xong (tổng cộng là 27 điểm). Đại diện trung tâm chống ngập giải thích do việc thi công chặn dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm gây 5 điểm ngập, còn 9 điểm ở quận Bình Thạnh ngập là do mưa quá lớn, vượt tần suất (hơn 100 mm).

 

Hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 người mắc kẹt, sau đó được giải cứu Ảnh: PHÙ DUNG
Hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 người mắc kẹt, sau đó được giải cứu Ảnh: PHÙ DUNG

 

“Trước, chúng ta xử lý ngập ở khu vực này bằng biện pháp cấp bách, căn cứ vào lượng mưa trung bình để xử lý. Bây giờ mưa lớn quá nên bị ngập” - đại diện trung tâm nói. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cắt ngay: “Vì sao không điện lên ông trời hỏi trước để tìm giải pháp mà để ổng mưa bất tử vậy rồi sao mà đỡ được? Hỏi ổng năm nay mưa kiểu gì để chuẩn bị. Nay mưa Bình Thạnh, mai mưa Gò Vấp..., vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân để xử lý chứ nói như thế thì vô phương rồi lại đổ thừa nhau?”.

Trước đó, cuối tháng 9-2014, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD vừa thông xe ít ngày đã lún, nứt. Trong lúc chưa tìm ra nguyên nhân thì cơ quan hữu trách khiến thiên hạ mắt tròn mắt dẹt khi nói: Lún, nứt là do đường quá dài, đi qua nhiều vùng thổ nhưỡng phức tạp cộng với thời tiết bất thường nên mới xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Công trình lộ thiên đổ thừa cho trời, còn công trình ngầm thì đổ thừa cho đất. Đó là đường ống nước Sông Đà (Hà Nội) bị vỡ nhiều lần khiến 70.000 hộ dân lao đao. Công trình “vàng” này có vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, đưa vào sử dụng 6 năm thì vỡ đến 9 lần, tốn cả ngàn tỉ đồng để khắc phục song chủ đầu tư (Vinaconex) vẫn cho rằng do nền địa chất yếu (?!).

Nghe không lọt tai

“Các đồng chí ơi, làm việc như thế này tắc trách lắm, có lỗi với dân lắm! Tiền của nhà nước bỏ ra mà giờ báo cáo mấy ông nói vậy, không ông nào nắm được nguyên nhân vì sao ngập thì làm sao mà tìm giải pháp?” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín trách cứ tại cuộc họp nói trên. Rõ ràng, đổ cho trời là không thể chấp nhận. Tỉnh, thành nào cũng có trời, cũng có mưa to nhưng nhiều địa phương rất hiếm khi ngập còn TP HCM thì hễ mưa to là ngập nặng, ngập năm này qua năm khác. Lý do chính xác là vì các giải pháp chống ngập vừa thiếu vừa không hiệu quả.

Các công trình bị lún, nứt, sập khác cũng vậy. Đến khi đường ống Sông Đà vỡ lần thứ 9 (tháng 7-2014), Vinaconex dường như chưa chịu thừa nhận do chất lượng đường ống không phù hợp và khâu thi công có vấn đề. Còn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thực hiện theo quy chuẩn quốc tế, các nhà thầu nước ngoài tham gia đều có tên tuổi... song lẽ nào vì địa chất phức tạp, mưa nắng bất thường mà mau hỏng? Cần biết thêm rằng hồi đầu năm 2012, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ rõ nhiều bất cập ở công trình này, như thi công nền đường chưa tốt; một số gói thầu chậm tiến độ do năng lực nhà thầu yếu, trong khi nhà thầu chính chưa làm tốt vai trò điều hành, quản lý... Đó là chưa nói trước khi thi công, nếu đủ thực lực và trách nhiệm, đơn vị khảo sát thiết kế phải đánh giá đúng hiện trạng địa chất.

Còn vụ Đạ Dâng, hãy nghe phản biện của ông Nguyễn Thế Phùng - chuyên gia Hội đồng Thẩm định nhà nước về công trình ngầm: Địa chất nào thì có thiết kế nấy. Đổ thừa cho thời tiết hay địa chất là bao biện.

Những kiểu đổ thừa như vậy chẳng thể nghe lọt tai nhưng cứ phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Chuyện gì cũng đổ hết cho trời, đất thì cuối cùng mọi thiệt hại cứ đổ xuống đầu người dân.

 

Trách nhiệm thuộc về con người

Bộ Giao thông Vận tải kết luận vết nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là do điều kiện địa chất biến đổi bất thường, xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn... chỉ là một cách nói ngụy biện. Trách nhiệm phải thuộc về con người.

 

img

 

Bởi vì, ở vùng địa chất xấu thì vấn đề quan trọng là người thi công phải theo dõi, đánh giá và xử lý như thế nào cho hợp lý. Nền đất dù biến đổi bất thường thì cũng phải có những chuyển động tự nhiên từ trước chứ không thể bỗng dưng có sự cố sụt lún. Trách nhiệm thuộc về những người làm nhiệm vụ xây dựng, tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Phải rà soát lại để xác minh thiếu sót nằm ở khâu nào thì khâu đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm
Bộ môn Đường bộ - Trường ĐH Giao thông Vận tải

Đừng đổ lỗi khách quan!

TP HCM vẫn còn xuất hiện các điểm ngập mới và tái ngập trong thời gian qua. Ngoài nguyên nhân khách quan như: biến đổi khí hậu, mực triều cường liên tục đạt kỷ lục mới... thì một phần cũng do con người. Cụ thể, quá trình thiết kế thi công hệ thống các công trình chống ngập chưa thật sự đồng bộ. Phần lớn hệ thống thoát nước được thiết kế trước đây nên không còn phù hợp.

 

img

 

Đó là chưa nói đến sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc chống ngập chưa chặt chẽ. Đáng lẽ ra trong quá trình thi công, hệ thống thoát nước nên được lắp đặt trước, sau đó mới thi công các cơ sở hạ tầng khác thì ở TP làm ngược lại...

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm
Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM

P.Nhung - T.Đồng ghi

 

Tội nghiệp ông trời!

Có ý kiến của “người trong cuộc” cho rằng sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) là do ông trời, lý do bất khả kháng!?

Nói tại ông trời chỉ nghe tạm được khi thiên tai vượt quá khả năng kỹ thuật hay tài chính của nhân loại. Chẳng hạn, Thái Lan không thể xây con đập đủ cao để bảo vệ thị trấn Khao Lak nhỏ bé trước sóng thần cao 20-30 m. Các nước ven biển hay quốc đảo cũng chẳng thể dựng tường thành ngăn đại dương cuồng nộ. Còn đây là hầm xuyên núi, các nước làm mãi rồi, đâu có lạ. Ai chẳng biết Pháp, Áo, Nga, Ý, Nhật... khoét núi cả trăm cây số. Quân dân ta đào hầm Điện Biên, Củ Chi, Vĩnh Mốc..., cuốc xẻng thô sơ mà có sập đâu. Còn Đạ Dâng mấy trăm mét, “trang bị tận răng”, đổ tại ông trời, nghe sao được!

Cũng may là chúng ta có phương tiện đào qua gần 20 m đất đá để cứu thoát 12 công nhân bị mắc kẹt. Vụ giải cứu này một mặt đề cao công tác cứu hộ, mặt khác cho thấy những người có trách nhiệm không phòng bệnh mà chỉ chữa bệnh mà người chữa lại từ nơi khác.

Về nguyên tắc, khi đào hầm, nếu gặp trời mưa, mực nước ngầm dâng cao, tạo thành cung trượt dễ gây sạt lở nên cần có biện pháp hạ mức nước ngầm bảo đảm an toàn lao động. Khi đào xong gương hầm thứ nhất phải kiểm tra đánh giá sơ bộ hiện trạng và độ ổn định, gia cố nếu điều kiện cho phép mới được đào gương hầm tiếp theo.

Chỉ cần nhìn trên tivi thấy mặt đất sụt xuống một mảng lớn là do khâu khảo sát, đánh giá về địa chất công trình rồi. Hay nói cụ thể hơn là do 3 vi phạm chính. Thứ nhất, khảo sát tiến hành không đạt yêu cầu, đường hầm được thiết kế trong khu vực nguy hiểm nhất (điều này sẽ còn ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến hầm trong quá trình vận hành sau này). Nếu đường hầm này là tuyến năng lượng (dẫn nước có áp) thì thiết kế khung vỏ chống

cũng sai.

Thứ hai, vi phạm trong thi công. Vỏ chống (khung chống) tạm của hầm được thiết lập quá dài, quá lâu so với thời điểm thiết lập/gia cố thành vỏ chống cố định (vĩnh cửu). Đây là vi phạm nghiêm trọng nhất. Thứ ba, sử dụng lao động nữ. Trên thế giới, từ những năm 70 của thế kỷ trước, hầu như các nước đều cấm sử dụng lao động nữ làm việc dưới lòng đất.

Người xưa dạy rằng nếu không biết phòng bệnh là thầy thuốc dốt, thiếu trách nhiệm. Những người có trách nhiệm liên quan đến vụ sập hầm nên gọi họ là gì? Phải quy trách nhiệm toàn bộ là chủ công trình, bồi thường toàn bộ là của nhà thầu, không thể lấy tiền thuế của dân được!

TÔ VĂN TRƯỜNG

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo