xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình bốn bể

Nguyễn Quang Thân

Cách đây hơn 10 năm, một anh bạn người Pháp nhờ tôi một việc. Một đôi vợ chồng hiếm muộn là chỗ quen thân với anh muốn tìm lại người bố của Hàna, đứa con gái mình đang nuôi. Ông ấy là một người Dao đỏ Bắc Kạn, góa vợ, ở một bản nào đó cách rất xa thị xã.

Dữ liệu duy nhất anh bạn gửi cho tôi là một số điện thoại di động mạng Việt Nam mà người Pháp kia không bao giờ gọi được mấy năm nay.

Thật may mắn, bất ngờ như có trời phù hộ, sau bao lần gọi tuyệt vọng thì cuối cùng cũng có người bắt máy. Ông em họ của người cha khốn khổ đã nhặt được và sử dụng cái sim bị vứt bỏ vì không có tiền nạp thêm đã trả lời tôi. Anh ta cho biết ông Hoàng Văn Khê, bố đẻ cháu Hàna, đã không còn ở Bắc Kạn nữa mà di cư tự do vào Ðắk Nông lập nghiệp. Vợ chồng nhà Philippe rất vui và yên tâm là ông ấy còn sống. Năm 2004, người cha nuôi đánh đường sang, quyết tìm gặp cho bằng được ông Khê. Thật không may, cuộc tìm gặp lúc ấy bất thành. Quãng thời gian ấy tôi lại có việc hơn một tháng ở Bordeaux nên không giúp được gì cho ông.
 
img
Từ trái qua: Hàna, bà Françoise và bé Tomara. Ảnh: N.Q.T
 
Mãi đúng 15 năm sau ngày đưa bé Hàna về Pháp, tháng 7-2012, gia đình Philippe gồm hai ông bà, cháu Hàna cùng bé Tomara (cậu bé trai con nuôi thứ hai người Campuchia) sang Việt Nam để bé Hàna gặp lại cha đồng thời cho Tomara trở lại thăm trại mồ côi ở Phnom Penh. Bà Françoise viết thư trước nhờ tôi liên lạc với ông Khê, nhờ tôi giúp phiên dịch chứ không biết nhờ ai.
 
Ðã thương thì thương cho trót, tôi và vợ là nhà văn Dạ Ngân quyết định dùng căn nhà nghỉ bé xíu của mình ở Ðà Lạt để làm nơi gặp mặt cho cái "hỗn hợp gia đình" ấy. Kế hoạch là ngày 23-7, ông Khê sẽ đến nhà tôi ở Ðà Lạt trước một ngày, ngày hôm sau (24-7), nhà Philippe từ TPHCM lên, cha con gặp nhau và tất cả cùng ăn trưa ở nhà tôi với sự xoay xở bếp núc của Dạ Ngân.
 
Nhưng không chỉ mình ông Khê như chúng tôi dự tính mà cả một đại gia đình. Ông Khê, bà vợ kế, cô em gái ông Khê tên là Tràn và cậu Ðoàn, anh trai Hàna năm nay 19 tuổi. Làm sao cả nhà lại không đến đây để gặp Hàna, đứa con lưu lạc bên trời 15 năm đằng đẵng được chứ? "Mấy chú trong họ cũng đòi đi nhưng tôi sợ nhà ông bà chật không chứa hết"- ông Khê nói.
 
Cô em gái ông Khê kể: "Sinh cháu Hàna xong thì chị ấy bị băng huyết rồi mất. Vậy là em phải nuôi cháu. Cháu quặt quẹo như cái lá rách, em chưa có con nên cũng quá vất vả trong 5 tháng khốn đốn ấy. Thế rồi ông bà Philippe tới…". Thật sự thì cuộc đời đứa bé gái 5 tháng tuổi Hàna sẽ như thế nào nếu năm 1998 ấy ông bà Philippe không đến Bắc Kạn với ý định xin một đứa con nuôi? Có thể em cũng sẽ thành một cô gái Dao đỏ xinh xắn như vẫn xinh cho đến bây giờ. Nhưng điều chắc chắn hơn là em sẽ khó qua được vì đói khát và bệnh tật.
 
Số mệnh không hứa gì với ai. Cậu anh trai tên Ðoàn là một chàng trai thông minh, nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn tuy có chút dị tật bên chân trái. Trong ngày chờ đợi đứa em gái, Ðoàn đã săm sắn nhờ tôi dạy cậu lập tài khoản email qua cái iPhone Tàu "để sau này cháu sẽ viết thư cho Hàna" (không biết hai đứa sẽ viết cho nhau bằng thứ tiếng gì?).
 
Vợ chồng ông Khê thì đứng ngồi không yên. Tôi lặng lẽ quan sát người bố 50 tuổi. Ông kể, từ Bắc Kạn vào Ðắk Nông với hai bàn tay trắng, 10 năm qua, ông đã trồng được 6 sào cà phê. Ăn sắn trồng cà phê, bán cà phê mua gạo để có bát cơm độn sắn chứ không chỉ toàn sắn, cuộc đời người đàn ông Dao đỏ ấy ít có ngày được ăn no.
 
Từ bến xe cách thị xã 80 cây số phải đi bộ mấy giờ nữa mới tới nhà. Phải vào sâu mới có đất, vào sâu mới có cái cây, con suối, con cá quen thuộc với người Dao. Vào sâu mới sống được, sống như con nai, con hoẵng trong rừng mới yên. "Ra sống gần phố thì hãi lắm"- ông Khê bảo. Tôi bỗng hiểu vì sao mấy cái ngân phiếu của Philippe gửi từ Pháp giúp ông Khê đã mất tích như đá ném xuống ao bèo.
 
Tôi và Dạ Ngân cũng hồi hộp chờ cuộc gặp khó tin này bởi vì chúng tôi chưa hề biết mặt vợ chồng Philippe. Hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp ông Khê, cũng là lần đầu tiên chúng tôi tiếp tại nhà mình một gia đình người Dao đỏ.
 
img
Hàna và bố nuôi Philippe. Ảnh: N.Q.T
 
Kia rồi! Ðứa con gái của núi rừng Bắc Kạn, sinh ra nơi con suối, cái cây quen với người Dao đã tới. Mới 5 tháng tuổi ra đi trên tay một người đàn bà Pháp xa lạ, hôm nay, Hàna 15 tuổi đang xuống taxi bên bà mẹ, ông bố nuôi người Pháp cùng cậu em trai gốc Campuchia, một gia đình "bốn biển" 3 nguồn gốc Pháp - Việt - Miên. Hàna rạng rỡ và đáng yêu như một cô gái Pháp với bộ quần áo chẽn rất teen, mái tóc đen xiêu xiêu kiêu kỳ một chút và cặp kính cận của cô học trò trung học từng học giỏi tiếng Pháp nhất lớp.
 
Mọi người muốn nhìn nhưng rồi giả vờ lơ đễnh quay đi khi hai bố con ôm lấy nhau. Người bố chắc ít nhiều mặc cảm không nói một lời mà muốn nói cũng không biết nói thế nào khi đứa con không biết cả tiếng Dao đỏ lẫn tiếng Kinh. Giờ đây, ngôn ngữ của tình yêu và tình thương là sự im lặng. Tất cả chúng tôi cũng đều im lặng. Cũng không thấy giọt nước mắt nào trên mắt ai. Vẻ xinh xắn, rạng ngời của Hàna không làm rơi nước mắt. Cuộc gặp mặt rất có hậu, ai mà khóc được khi thấy cô bé mồ côi đã được cứu vớt bởi tình yêu và lòng nhân ái bao la của con người, trong cái biển khổ mênh mông thường được gọi là "đời người"?

Tất cả mọi người cùng bối rối. Hàna ngồi bên cạnh bố trên chiếc sofa, chỉ mỉm cười mà không nói gì. Ðoàn trân trân nhìn em gái, người mẹ kế loay hoay thu xếp mấy cái túi vải đi đường cho có việc, cô Tràn tìm cách vào bếp giúp Dạ Ngân để giấu cảm xúc có lẽ đang ngổn ngang, ông Philippe đưa Tomara ngắm hoa ngoài sân. Tôi dẫn bà Françoise đi uống cà phê cạnh nhà, nhìn ra đồi Mộng Mơ với những cây thông cao và thẳng thớm như lòng nhân ái.

Françoise bối rối thực sự vì những món quà chuẩn bị từ bên Pháp. Một phong bì cho ông Khê và bà vợ kế, túi quà cho Ðoàn. Không có quà cho cô em gái ông Khê. Ðơn giản vì khi bước chân vào nhà tôi, bà mới biết có mặt cô Tràn, người đã từng nuôi Hàna. Nhưng không thể không có quà cho cô gái Dao đỏ bây giờ đã là người chủ một gia đình ở Ðắk Nông, người cô đã buộc phải làm mẹ ở tuổi thiếu nữ để nuôi đứa cháu mồ côi trong 5 tháng trời. Mắt Françoise bắt đầu đỏ hoe. Và đó là những giọt nước mắt đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Bà khóc có lẽ vì nghĩ rằng nếu không có người cô chịu thương chịu khó này thì chắc gì Hàna còn sống để trở thành món quà quý giá nhất mà cuộc đời tặng cho vợ chồng bà?

Tôi thấy Françoise run rẩy cởi đôi bông vàng hình giọt lệ có đính hai hạt đá sapphire trên tai rồi đặt vào tay cô Tràn. Ðến lượt cô Tràn khóc và mắt những người khác cũng đỏ hoe theo tác động dây chuyền. Tôi dịch cho Tràn nghe những lời của Françoise: "Chị rất có lỗi vì đã không biết mà chuẩn bị quà cho em. Chị cảm ơn em rất nhiều". Cô Tràn cầm đôi bông rất đẹp lên, đáp: "Chính em và gia đình em phải cám ơn chị mới đúng. Chị và ông Philippe đã cứu cuộc đời Hàna. Em không thể nhận một món quà lớn như thế này. Em không thể…". Mọi lời nài nỉ, thương lượng của hai ông bà người Pháp đều vô ích. Tôi biết bà con miền núi, đặc biệt là người H’Mông và người Dao, luôn coi tình người và danh dự lớn hơn vàng.

Quanh bàn ăn là một gia đình có nhiều quốc tịch, có nhiều gốc rễ. Có câu "bốn bể là nhà" nhưng đây là "một nhà bốn bể". Tôi thầm nghĩ, gia đình không chỉ là mái nhà và bếp lửa với những con người cùng chung giọt máu đào. Gia đình là nơi hội tụ của những trái tim "biết yêu thương và có trách nhiệm", như Françoise đã nói.

Quá chiều hôm đó, mọi người ra xe. Gia đình ông Khê về lại Ðắk Nông còn Hàna và em trai cùng bố mẹ nuôi trở lại khách sạn để mai xuống Nha Trang theo lộ trình định trước. Chúng tôi nhìn theo họ. Sương chiều đang dâng lên từ thung lũng.
 
Món quà thiêng liêng
 
Chúng ta nên luôn luôn, trong phạm vi có thể, để đứa trẻ có khả năng thâm nhập lại và liên hệ với gia đình cha mẹ đẻ. Ðó là toàn bộ ý nghĩa của việc chúng tôi cố nhờ ông tìm ra địa chỉ của ông Khê để không bao giờ mất dấu ông ấy và như thế chúng tôi không phải nói với cháu Hàna rằng chúng tôi không biết cháu sinh ra từ đâu, cháu đã lớn lên như thế nào. Tuy nhiên, tôi cũng dự cảm được những cú sốc tinh thần nếu tất cả lại được gặp nhau.
 
Thế giới của chúng ta đã khác trước nhiều… nhưng chúng tôi muốn tin rằng tình người sẽ gắn tất cả chúng ta lại. Bất kể thế nào, nếu có một cuộc gặp trong tương lai thế nào cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo. Thường xuyên tôi vẫn "nói" với bà Phạm - mẹ đẻ của Hàna - là bà không phải lo lắng gì cho nó, rằng chính tôi đang hết lòng chăm sóc con gái của bà. Tôi hy vọng mình không làm gì để bị chê trách… Philippe luôn mong được gặp ông Khê, anh ấy đang chuẩn bị một chuyến đi nữa.
 
Hôm nay, 20-3-2008 là sinh nhật của chồng tôi (anh ấy đã 50 tuổi). Ngày mai, 21-3, cũng là một ngày trọng đại với chúng tôi vì cách đây 10 năm, chúng tôi lần đầu gặp bé Hàna…
 
Hôm ấy, khi cháu đăm đắm đôi mắt đen tuyệt đẹp nhìn vào mắt chúng tôi, nó đã trở thành đứa con của chúng tôi suốt đời. Giây phút ấy để lại một trong những khoảnh khắc mãnh liệt nhất của cuộc đời chúng tôi, là món quà sinh nhật đẹp nhất tặng chồng tôi.
 
Hôm nay, cái nhìn của nó vẫn chưa mất hết vẻ mãnh liệt ấy. Ðó là một đứa bé đầy sức sống, quả quyết và bướng bỉnh… Kín đáo, bí ẩn… với một vẻ hài hước dịu dàng. Chúng tôi yêu cháu đến điên cuồng nhưng vẫn không quên rằng bố đẻ của cháu tên là Khê, mẹ cháu có họ là Phạm và người anh trai tên là Ðoàn… Chúng tôi chỉ là một mắt xích trong cuộc đời cháu và chính cha mẹ Việt Nam của cháu mới là những người đã cho cháu cả cuộc đời.
 
Tôi là bà mẹ được Hàna và em trai Tomara của nó lấp đầy bằng tình thương yêu.
 
Nếu tôi đã lỡ không có hạnh phúc mang trong bụng đứa con của mình, tôi lại biết rõ niềm hân hoan được mang nó trong trái tim. Hàna đối với tôi là món quà trời cho… Tôi đã xuất hiện trên đường đời của cháu và sẽ làm hết sức mình để trở nên một bà mẹ xứng đáng.
 
(Trích thư bà Françoise gửi nhà văn Nguyễn Quang Thân)
 

Ði hai, về ba

Tháng 9-1996: Chúng tôi được chính phủ Pháp cấp phép xin con nuôi. Ðể hiểu rõ hơn đất nước nơi đứa con tương lai của mình sinh ra, chúng tôi sang Việt Nam du lịch vào tháng 7 năm 1997.

22-2-1998: Tôi nhận được fax cho biết có một bé gái ở Bắc Kạn đang chờ bố mẹ nuôi. 14-3, chúng tôi bay từ Paris và đến Hà Nội ngày 16-3, đọc trước hồ sơ. Ðược biết, mẹ của cháu bé đã chết sau khi sinh con, bé còn một anh trai và người cha đã đưa bé đến một trung tâm y tế.

21-3-1998: Chúng tôi lên Bắc Kạn. Cuộc gặp đầu tiên. Cái nhìn của cháu bé lôi cuốn chúng tôi mãnh liệt. Chúng tôi phát hiện Hàna không biết bú, chưa bao giờ được bú sữa và chỉ được nuôi bằng cách bón cháo bằng thìa. Nó đã được 5 tháng. Chúng tôi nhận con và đưa cháu về Hà Nội để chăm sóc.

26-3: Trở về Bắc Kạn để làm tiếp thủ tục. Thật xúc động. Ở đó chúng tôi bắt đầu dấn thân như là những người bố bà mẹ thực thụ, biết thương yêu và có trách nhiệm. Khó nhọc trở về Hà Nội. Trời quá nóng bức. Hàna rất mệt mỏi.

30-3: Hàna bị nôn, tiêu chảy và suy sụp, gầy yếu. Chúng tôi đưa cháu tới bệnh viện nhi. Nó vẫn suy dinh dưỡng, viêm ruột, mất nước, phải truyền dịch vào đầu. Thật sự là địa ngục!

31-3: Hàna đã khá hơn. Nó mút tay trong khi ngủ. Tôi đút vào miệng nó cái núm vú của chai sữa. Hàna đã biết bú, đã được cứu sống!!! Chắc chắn tôi đã khóc… những giọt nước mắt vui mừng.

2-4: Chúng tôi rời bệnh viện. Thử thách này đã củng cố sức mạnh cho mối liên hệ giữa cháu và chúng tôi, cái nhìn của Hàna nói với tôi rằng chúng tôi đã là bố mẹ của nó rồi!

11-4: Sau nhiều lần đi lại và hoàn tất thủ tục với Ðại sứ quán Pháp, chúng tôi rời Hà Nội. Buồn vui lẫn lộn. Nhất định chúng tôi sẽ trở lại đất nước mà chúng tôi yêu mến, đất nước của con gái tôi. Nhiệt độ ngoài trời 35 độ C.

12-4-1998: Ðến Paris…0 độ C và có tuyết. Chúng tôi khi đi là hai, lúc trở về đã là ba! Sung sướng nào bằng!

(Trích nhật ký của bà Françoise)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo