xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao lưu trực tuyến: Chính sách lao động nữ

NLĐO

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong lao động cũng như xây dựng, phát triển xã hội, Nhà nước đã có nhiều quy định chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Cụ thể, Bộ Luật Lao động đã dành hẳn 10 điều quy định về chính sách lao động nữ.

Tuy nhiên, trong thực tế, chính sách lao động nữ vẫn còn bị vi phạm; thậm chí, vi phạm nghiêm trọng... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó có tình trạng cả doanh nghiệp và người lao động chưa hiều rõ các quy định để thực hiện.

img
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Biên tập Báo NLĐ (trái) tặng hoa cho ông Cao Văn Sang, GĐ BHXH TPHCM tại buổi giao lưu. Ảnh: T. Thạnh

Nhằm giúp bạn đọc, nhất là lao động nữ và doanh nghiệp sử dụng lao động nữ hiểu rõ các quy định cùng cách giải quyết một số tình huống cụ thể thường xảy trong thực tế, Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến về “Chính sách lao động nữ”.

Khách mời giao lưu hôm nay có ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM; bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM và Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TPHCM.

Nguyễn Tố Trâm, Công ty Thiết kế M.T,quận Phú nhuận –TPHCM: Tôi nghỉ thai sản. Vì công việc không có người bàn giao nên sau khi sinh con 3 tháng tôi đã trở lại làm việc. Công ty cho rằng tiền lương trong những tháng tôi nghỉ thai sản đã có cơ quan BHXH thanh toán nên chỉ trả phần chênh lệch. Công ty giải quyết như thế có trái luật ?

img- Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM: Điều 36 của Luật BHXH quy định trong thời gian đi làm sớm sau khi sinh con thì ngoài trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH trả, NSDLĐ vẫn phải trả lương cho những ngày làm việc. Cách giải quyết của công ty chị là sai quy định.

 

Nguyễn Thị Dung, quận Bình Thạnh –TPHCM: Trường hợp con tôi bệnh, nhưng tôi không nghỉ việc mà thuê người khác chăm sóc con. Theo luật, tôi vẫn được hưởng trợ cấp BHXH. Tôi phải làm thủ tục như thế nào ?

- Ông Cao Văn Sang: Nội dung chị nêu được quy định trong chương lao động nữ của Bộ Luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ 1-1-1995). Tuy nhiên, Luật BHXH (có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2007) không nêu nội dung này.

Theo nguyên tắc, nếu văn bản quy phạm pháp luật có mức độ ngang nhau (ở đây đều là luật do Quốc hội ban hành) thì áp dụng điều luật cùng nội dung ở văn bản ban hành sau. Vì vậy, hiện nay không còn áp dụng trợ cấp chăm sóc con ốm do thuê người khác làm thay (phải trực tiếp nghỉ chăm sóc con mới có trợ cấp).

 

Trần Thị Mỹ, quận 4-TPHCM: Do sức khỏe yếu, tôi xin nghỉ trước khi sinh con 1 tháng. Công ty không chấp nhận và yêu cầu chỉ được nghỉ trước một tuần

img-  Bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng Ban Nữ công, LĐLĐ TPHCM: Theo Điều 112, Bộ Luật Lao động, lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không phải bồi thường theo quy định tại Điều 41 của luật này, nếu có giấy của thầy thuốc chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong trường hợp này, chị không cho biết có giấy chứng nhận của bác sĩ hay không. Nếu không có giấy chứng nhận của bác sĩ, thì việc xin nghỉ trước khi sinh một tháng là do người lao động và NSDLĐ thỏa thuận. Tuy nhiên, theo Luật BHXH, quy định lao động nữ có tham gia BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 4 tháng nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện bình thường. Nghỉ thai sản 5 tháng nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, làm theo ca, làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên… Trong trường hợp này, khuyến khích NSDLĐ tạo điều kiện cho lao động nữ có thai được nghỉ trước và sau khi sinh là 4 hoặc 5 tháng để đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ và thai nhi.

 

Khánh Linh, Q.3, TPHCM: Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và nghỉ thêm không hưởng lương tôi trở lại làm việc thì công ty bố trí sang bộ phận mới, không đúngvới ngành nghề trước đây. Công ty có quyền làm như vậy không?

img- Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TPHCM: Điều 117 BLLĐ quy định: Trong thời gian nghỉ việc để đi khám thai, để thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình hoặc do sảy thai, nghỉ để chăm sóc con dưới bảy tuổi ốm đau, nhận sơ sinh làm con nuôi, người LĐN được hưởng trợ cấp BHXH hoặc được NSDLĐ trả một khỏan tiền bằng mức trợ cấp BHXH. Trong thời gian nghỉ việc và chế độ do Chính phủ quy định. Trường hợp nguời khác thay người mẹ chăm sóc con ốm đau, thì người mẹ vẫn được hưởng trợ cấp BHXH.

2- Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được phép nghỉ thêm không hưởng lương, khi trở lại làm việc, người LĐN vẫn được bảo đảm chỗ làm việc. Do đó, trường hợp của bạn, công ty không có viphạm quy định của BLLĐ. Để có thể kết luận cần phải xem xét cụ thể nội dung HĐLĐ giữa bạn và công ty.

 

Mai Bích Thúy, huyện Củ Chi –TPHCM: Công ty tôi yêu cầu làm thêm ngày chủ nhật. Tôi có thai 7 tháng cũng không được nghỉ mà phải tăng ca như mọi công nhân khác. Như vậy, công ty có vi phạm chính sách với lao động nữ không ?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Theo Điều 115 Bộ Luật Lao động, NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa. Nếu công ty vẫn yêu cầu chị làm thêm ngày chủ nhật và tăng ca như mọi công nhân khác là đã vi phạm chính sách đối với lao động đang mang thai theo luật định. Trường hợp này, chị có thể gởi đơn yêu cầu NSDLĐ thực hiện đúng quy định.

 

Hoàng Thị Chinh, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ chi –TPHCM: Công ty chỉ đóng BHXH trên mức lương 500.000 đồng. Trong khi thu nhập của tôi là 3 triệu đồng. Khi nghỉ thai sản, tôi chỉ được BHXH trả lương trên mức lương 500.000 đồng. Như vậy tôi bị thiệt thòi rất nhiều ?

- Ông Cao Văn Sang: Trợ cấp thai sản được tính trên mức lương bình quân làm cơ sở nộp BHXH của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ sinh (không tính trên lương thực lĩnh).

Nếu thấy mức nộp của mình chưa đúng, chị có thể khiếu nại đơn vị sử dụng lao động. Nếu không được giải quyết thì tiếp tục khiếu nại đến Sở LĐ-TB-XH. Sau đó có thể khởi kiện ở Tòa án.

 

Hoàng Thị Phê, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động trong trường hợp lao động nữ mang thai, sinh con được hiểu và thực hiện như thế nào ? Thời hạn kéo dài bao lâu?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Căn cứ Khoản 3, Điều 111 Bộ Luật Lao động, trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, kéo dài thời hiệu xem xét, xử lý kỷ luật, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Trường hợp này được hiểu việc tạm hoãn kéo dài cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi, sau đó việc xử lý kỷ luật lao động sẽ được thực hiện theo pháp luật lao động.

 

Ngọc Thủy, quận 1-TPHCM: Chúng tôi làm công việc như nam giới nhưng lại hưởng mức lương thấp hơn. Như vậy công ty có vi phạm quy định chính sách lao động nữ ? Chúng tôi phải làm gì để được bảo vệ quyền lợi ? 

- Bà Mai Thị Bích Vân: Pháp luật lao động nghiêm cấm NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với lao động nữ. NSDLĐ phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động.

Câu hỏi chị đặt ra không cụ thể, như: chị có cùng trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, thâm niên công tác, năng suất lao động… như đồng nghiệp nam không ?. Nếu tất cả các yếu tố trên chị đều đạt bằng nam giới và làm cùng một công việc như nhau nhưng tiền lương thấp hơn thì công ty đã vi phạm chính sách lao động nữ. Trường hợp này, chị có quyền yêu cầu công ty xem xét lại chính sách tiền lương. Nếu công ty không thực hiện thì chị có thể gởi đơn đến Hội đồng hòa giải cơ sở yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích.

 

Một bạn đọc: NSDLĐ không được sử dụng người lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con theo danh mục do Bộ LĐ-TB-XH ban hành. Xin cho biết đó là những danh mục nào ?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Thực hiện theo Thông tư liên bộ số 03/TT-LĐ ngày 28-1-1994 của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế “Quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ”. Đề nghị chị tham khảo thêm

 

Một bạn đọc: Công ty quy định, nữ công nhân làm việc được ký HĐLĐ, trong 2 năm đầu không được sinh con thì có đúng quy định của pháp luật. Nhiều lao động vi phạm quy định này bị cho nghỉ việc. Công ty có quyền làm như vậy không ?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Căn cứ Điều 9, Nghị định 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp luật dân số: nghiêm cấm các hành vi cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình: Ép buộc, áp đặt sử dụng các biện pháp tránh thai, mang thai, sinh sớm…

NSDLĐ không được đưa ra các điều khoản trái luật, hạn chế quyền làm mẹ của lao động nữ. NSDLĐ không có quyền sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do có thai, kết hôn, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, (trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt họat động). Nếu bị cho nghỉ việc vì lý do trên, lao động nữ có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để được bảo vệ quyền lợi.

 

Ngọc Lan, Hà Nội: Công ty không có quy định về việc lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút để làm vệ sinh. Vậy công ty có vi phạm luật ?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Theo khoản 3 Điều 115 Bộ Luật Lao động quy định: lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút mà vẫn hưởng nguyên lương.

Nếu công ty không quy định về việc này thì đã vi phạm quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng quyền lợi của lao động nữ. Chị có thể yêu cầu công ty thực hiện quy định trên hoặc các cơ quan chức năng can thiệp bảo vệ quyền lợi.

 

TRẦN THỊ KIM NGÂN, 15,KHU 2,ẤP 7,XÃ AN PHƯỚC,HUYỆN LONG THÀNH,TỈNH ĐỒNG NAI, ngantran73@yahoo.com: " Năm 1999 tôi có làm việc cho CTY TNHH GIÀY DA KWANG NAM, ở phường 9,quận Phú NHuận,TP.HCM và tôi nghỉ việc năm 2004 nhưng đến nay tôi chưa được thanh toán BẢO HIỂM XÃ HỘI. Hiện nay tôi đã về quê sinh sống nhưng không biết cách nào để nhận được tiền BHXH đó, mong rằng LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TPHCM hướng dẫn hoặc can thiệp giùm tôi.

- Ông Cao Văn Sang: Theo quy định tại Điều 56 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, nếu thấy quyền lợi BHXH của mình bị vi phạm thì người lao động làm đơn khiếu nại gởi đến người vi phạm (Công ty Kwang Nam). Sau 40 ngày, nếu không được giải quyết thỏa đáng, người lao động tiếp tục khiếu nại đến giám đốc Sở LĐ-TB-XH. Nếu vẫn không được giải quyết thì khởi kiện tại Tòa án. Đề nghị chị tiến hành đòi quyền lợi của mình theo trình tự quy định trên. 

 

Đoàn Kim Hanh, hanh_doan1979@yahoo.com: Tôi mới sinh con được hai tháng.Theo chế độ bảo hiểm tôi được hưởng 100% mức lương đóng BH 4 tháng và 1 tháng tã lót.Từ 01/06- 03/07 tôi đóng mức 85% của hệ số lương2.34x 450.000 Nhưng từ tháng 4 tôi đóng 100% của hệ số trên. Vậy mà tôi chỉ được hưởng chế độ mức 85%. Xin cho tôi biết vì sao tôi chỉ được hưởng mức đó

- Ông Cao Văn Sang: Theo quy định tại Luật BHXH, mức bình quân đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Do chị không nói rõ chị nghỉ hưởng trợ cấp thai sản tháng nào nên không đủ cơ sở xác định mức mà chị đã được hưởng đúng hay sai.

Giả sử chị nghỉ từ tháng 5-2007, mức bình quân tính như sau: Lương bình quân = [(2,34 x 85% x 5 tháng) + (2,34 x 1 tháng)]: 6 x 450.000 đồng. Trường hợp chị nghỉ sinh từ tháng 4-2007, tính như chị đã được hưởng (85% của bậc lương) là đúng.

 

Nguyễn Hoàng Ngân, Bình Dương, lehang1978tvbd@yahoo.com: Vui lòng cho tôi hỏi về chế độ khi mẹ nuôi con ốm trong thời gian con nằm viện. Xin cảm ơn.

- Ông Cao Văn Sang: Theo quy định của Luật BHXH, người lao động có con dưới 7 tuổi bị ốm đau, có xác nhận của cơ sở y tế yêu cầu phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm, được hưởng trợ cấp BHXH như sau: Tối đa 20 ngày/năm nếu con dưới 3 tuổi; tối đa 15 ngày/năm nếu con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

 

Phạm Văn Mão, 480-Trưng Nữ vương - Hải Châu - TP Đà Nẵng, phamvanmao.ebs@gmail.com: Vợ tôi năm nay 48 tuổi , đã nghỉ theo chế độ 41 được 2 năm nay . Hiện tại sức khỏe tốt muốn trở lại làm việc tại một công ty tư nhân . Vậy vợ tôi có thể tiếp tục đóng bảo hiểm và làm việc cho đủ 55 tuổi và đủ thời gian công tác là 30 năm để nghỉ hưu đủ năm công tác và đủ tuổi về hưu có được không? Nếu đi làm lại thì thủ tục phải làm như thế nào?

- Ông Cao Văn Sang: Sau khi nghỉ việc và ngưng nộp BHXH, người lao động được bảo lưu thời gian đã nộp BHXH (thông qua sổ BHXH). Khi có việc làm mới thuộc khu vực bắt buộc tham gia BHXH, người lao động nộp sổ BHXHcho đơn vị sử dụng lao động mới để tiếp tục ghi nhận quá trình nộp BHXH.

 

img
Luật gia Lê Trúc Phương (bìa phải) đang trả lời trực tuyến. Ảnh: T. Thạnh

Nhã Sơn, Bình Chánh, TPHCM: Khi vào làm việc công ty yêu cầu chúng tôi phải cam kết hai năm đầu không đuợc sinh con. Tuổi tôi đã lớn và hiện tôi đã lập gia đìnhvà chưa có con. Nếu tuân thủ quy định này, tôi rất thiệt thòi. Công ty quy định như thế có trái luật không?

- Luật gia Lê Trúc Phương:

Điều 9 của Nghị định số 23/CP ngày 18 tháng 4 năm 1996 quy định: Các quy định cấm đối với NSDLĐ theo điều 111 của BLLĐ được quy định như sau:

- Cấm ban hành quy định không có lợi hơn những quy định của pháp luật cho người LĐN;

- Cấm những hành vi làm hạn chế khả năng được tiếp nhận LĐN vào làm việc;

- Cấm mạt sát, đánh đập … xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người LĐN trong khi làm việc.

- Trường hợp NSDLĐ vi phạm các điều cấm quy định trên, tùy theo tính chất,mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Như vậy, quy định của công ty bạn đã vi phạm pháp luật lao động.

 

Minh Hải – Công ty Pou Yuen: Tôi độc thân nhưng xin con nuôi sơ sinh. Vậy tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Theo quy định tại điều 28 Luật BHXH: NLĐ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận con nuôi, khi nhận con nuôi được hưởng:

-Chế độ thai sản cho đến khi con nuôi đủ 4 tháng tuổi.

-Mức hưởng: 100% lương bình quân 6 tháng đóng BHXH gần nhất.

-Trợ cấp một lần: 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

 

Hồng Nhung – Q.Bình Tân, TPHCM: Tôi có thai 7 tháng. Vì hàng hoá gấp, công ty yêu cầu tôi làm việc 8 giờ như những LĐ khác. Tuy nhiên, tiền làm thêm giờ thứ 8 của tôi chỉ được tính như giờ bình thường thì đúng không? Tôi có thể không đồng ý làm giờ thứ 8 hay không?

 

- Luật gia Lê Trúc Phương: Điều 115 của Bộ luật LĐ quy định:

-Người sử dụng LĐ không được sử dụng LĐN có thai từ tháng thứ bảy hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.

-Người LĐN làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ bảy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn được hưởng đủ lương.

-Người LĐN trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương.

Như vậy, bạn hoàn toàn có thể từ chối làm thêm giờ thứ 8 nếu bạn ở trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 115.

 

Thao Trinh, thienhi@gmail.com: Thưa anh/chị,
Tôi có một người bạn hiện đang làm tại phòng thí nghiệm nhà máy của một công ty nước ngoài và hiện nay bạn tôi đang mang bầu đến tháng 7-8 tháng rồi. Hàng ngày bạn tôi thường phải kiểm tra mẫu sản phẩm trong đó có tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm hóa chất như: toluene, xylene, acetone hay các sản phẩm chứa benzen, tricloethylene, pyridine, chì acetate hay hợp chất chứa i ốt...Sắp tới bạn tôi chuẩn bị nghỉ thai sản. Như vậy theo luật bảo hiểm xã hội thì bạn tôi sẽ được nghỉ theo chế độ nào và được nghỉ trong bao lâu? Vì theo mục 1 điều 31 của luật BHXH :
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:
a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;
b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;
c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;
d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.

Thì bạn tôi cũng không hiểu rõ lắm về mục b). Mong anh chị giải thích giùm bạn tôi với? Và qui định " Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành" chúng tôi có thể xem ở đâu?
Mong sự giúp đỡ của anh chị. Xin chân thành cảm ơn!

- Ông Cao Văn Sang: Danh mục nghề, công việc nặng nhọc -độc hại do Bộ LĐ-TB-XH ban hành. Đến nay, đã có trên 5 Quyết định với hàng trăm loại nghề, công việc có trong danh mục

Đề nghị bạn chuyển câu hỏi này đến cơ quan BHXH để chúng tôi có thời gian tra cứu và trả lời cụ thể. Có thể gởi đến trang web theo địa chỉ: w.w.w.baohiemxahoihcm.org.vn

 

Văn Thị Thùy Trang, 402/7 Huỳnh Tấn Phát Q7, vtttrang_08@yahoo.com: Câu hỏi 1:* Chế độ cho LĐ Nữ nghỉ 30 phút trong những ngày hành kinh cho đến nay hầu hết các Cty không thực hiện với những lý do được đưa ra như :
+ Không kiểm soát được tính xác thực.
+ LĐ nữ ngại và khó xin nghỉ.
+ Cty cũng khó xử lý và chưa tìm được phương pháp khả thi.
Như vậy để đảm bảo cho LĐ nữ được hưởng chế độ này xin tư vấn cách xử lý phù hợp để đảm bảo chế độ cho LĐ Nữ.
Câu hỏi 2:Cty không có nhà tắm cho LĐ Nữ thì vi phạm quy định như thế nào, hình thức xử lý thế nào?
Xin cảm ơn

- Bà Mai Thị Bích Vân: Câu 1:

Theo khoản 3 điều 115, LĐN được nghỉ 30 phút trong những ngày hành kinh.

Trươc hết: Thông tin cho LĐN biết về quyền lợi của mình, từ đó yêu cầu được thưc hiện. Tiếp đến, công ty phải sắp xếp để LĐN được nghỉ. Nếu khó có thể quy thành tiền để trả cho LĐN.

Câu 2:

Theo khoản 1 điều 116: ở những nơi có sử dụng LĐN,phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm, nhà vệ sinh nữ. Nếu công ty không có, cần yêu câu lên cấp trên cho CĐ để CĐ bàn với người sử dụng LĐ thưc hiện. Nếu công ty không thực hiện, co thể báo cho CĐ cấp trên đến làm việc hoặc báo cho đoàn kiểm tra chế độ chính sách LĐ của địa phương hoặc của Sở LĐ-TB-XH để kiểm tra, xử phạt khi cần thiết.

 

Thúy Hiền, quận 3 – TPHCM: Tôi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nhưng vẫn phải làm việc 8 giờ/ngày. Như vậy, công ty có phải trả cho tôi tiền phụ trội làm thêm giờ hay không?

- Luật gia Lê Trúc Phương: Theo quy định tại khỏan 3 điều 113 của BLLĐ người LĐN trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi đuợc nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương. Trong thời gian cho con bú, nếu vì lý do khách quan nào đó mà không thể về cho con bú, ở lại làm việc cho doanh nghiệp, thì thời gian làm việc thêm (tương ứng với thời gian cho con bú) được doanh nghiệp trả trợ cấp theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ như quy định hiện hành.

 

Giải quyết “nóng” chế độ với LĐN có con dưới 12 tháng

Trong thời gian diễn ra buổi giao lưu trực tuyến , ban tổ chức đã nhận được câu hỏi của nữ CN Công ty Cổ phần May Nhà Bè với nội dung: “Công ty không bao giờ trả lương làm thêm giờ cho LĐN có con nhỏ. Nhân viên lao động tiền lương ở đây trả lời rằng: do chúng em làm ăn lương sản phẩm vì vậy làm càng nhiều giờ thì lưong sản phẩm càng cao chứ không có chế độ cho CN nữ có con nhỏ. Mong ban tư vấn giúp chúng em được hưởng chính sách với LĐN có con nhỏ”.

img
Bà Mai Thị Bích Vân điện thoại đến cơ sở, giải quyết ngay thắc mắc của bạn đọc tại buổi trực tuyến. Ảnh P. Trang

Ngay khi nhận được thắc mắc, bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM đã liên hệ qua điện thoại với ông Tuấn Nguyên Nghị, Chủ tịch CĐ công ty Cổ phần may Nhà Bè. Ông Nghị cho biết sẽ đề nghị bộ phận lao động tiền lương kiểm tra ngay và thực hiện theo đúng quy định đối với LĐN đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

Trần Trang, d11/4 Trần Não, trang79_designer@yahoo.com: khi phụ nữ có thai thì có được hưởng lương hoàn toàn không?

- Ông Cao Văn Sang: Trong thời gian mang thai, mức lương của thai phụ vẫn được giữ nguyên (nếu hưởng lương theo chế độ lương thời gian). Tường hợp hưởng lương theo sản phẩm thì phụ thuộc vào năng suất lao động cụ thể.

Trong thời gian nghỉ sinh con, nếu có ít nhất 6 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng (tính đến ngày sinh) thì được hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức lương bình quân (của 6 tháng đóng BHXH gần nhất). Ngoài ra, còn được trợ cấp một lần khi sinh bằng 2 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay là 2 x 450.000 đồng = 900.000 đồng).

 

Huỳnh Thị Diễm Trang, P.13, Q.10, TPHCM, diemtrangxauxi@yahoo.com: Tôi bắt đầu vào làm việc tại Cty CP Nhượng Quyền TM VINA, Q.3 tháng 1/2006, tôi được cty ký HĐLĐ vào tháng 11/2006 thời hạn HĐ 1 năm, trong quá trình làm việc tôi không vi phạm nội qui Cty, đến cuối tháng 6/2007 Cty phát lương như thường lệ rồi đưa cho tôi giấy quyết định thôi việc buộc tôi phải nghĩ việc ngay với lý do Cty làm ăn thua lỗ cần giảm biên chế và ngoài tiền lương cty còn tính tiền thâm niên cho tôi là 1 tháng rưỡi tiền lương và gọi là tiền trợ cấp thôi việc.Tôi muốn hỏi trong trường hợp cty buộc tôi thôi việc như vậy là có đúng qui đinh của pháp luật không? Trong khi thời hạn HĐ của tôi với cty chưa hết hạn, cho tôi nghỉ không thông báo trước, tiền thâm niên và tiền trợ cấp thôi việc có phải là một hay không nếu không, nó khác nhau như thế nào? và tôi hiện đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi và quyền lợi của tôi như thế nào trong trường hợp này? tôi có thể gửi đơn thưa được không? nếu được tôi gửi đơn kiện ở đâu và khi nào thì thưa được ?
Kính mong nhận được sự phản hồi sớm từ Báo Người Lao Động.
Chân thành cám ơn.

- Bà Mai Thị Bích Vân: Trường hợp của chị công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật quy định tại Khoản 3 điều 111 Bộ Luật LĐ.

Chị có thể gởi đơn khiếu nại đến Toà án Nhân dân cấp quận huyện để được bảo đảm quyền lợi.

 

NGUYỄN LÊ PHƯƠNG LINH, meonhi29@yahoo.com: Trong một số doanh nghiệp, nhân viên nữ được lãnh tiền vệ sinh phí, nhưng công ty tôi thì nhân viên nữ không được hưởng chế độ đó. Như vậy Tôi có thể yêu cầu công ty cho chúng tôi được hưởng chế độ đó không?

- Bà Mai Thị Bích Vân: Trong Bộ Luật LĐ không có chính sách vệ sinh phí. Nếu muốn được hưởng chế độ này bạn cần thoả thuận với người sử dụng LĐ.

 

Thanh Thương, Tổ 21, KP3B, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, thuongnam2003@yahoo.com: Gởi lời chào giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang.Cháu có hai câu hỏi như sau:
1)Hiện tại cháu đang mang thai được 4 tháng, thẻ khám chữa bệnh ban đầu tại BV 175 nhưng cháu lại muốn khám thai tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, vậy cháu có được nhận tiền 5 ngày khám thai hay không?
2) Công ty cháu hiện tại cũng không mấy sáng sủa, vậy nếu cháu nghỉ trong khoảng thời gian mang thai được sáu tháng vây cháu có được nhận tiền trợ cấp thai sản hay không? cách thức và các loại giấy tờ cần thiết để nhận tiền trợ cấp thai sản như thế nào?

- Ông Cao Văn Sang: 1. Về nguyên tắc, phải đi khám thai đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì phiếu khám thai mới được xem là chứng từ hợp lệ để thanh toán trợ cấp BHXH. Chị có thể xin Bệnh Viện 175 giới thiệu đến Bệnh Viện Từ Dũ để được hưởng đủ tiêu chuẩn bảo hiểm y tế và có chứng từ hợp lệ để thanh toán trợ cấp BHXH.

2. Để được hưởng trợ cấp thai sản, NLĐ phải có đóng BHXH ít nhất 6 tháng trong vòng 12 tháng (tính từ ngày sinh con trở về trước). Vì vậy, nếu chị đóng BHXH khi đã mang thai đến tháng thứ 6 (còn khoảng 3 tháng sẽ sinh con) thì đã đủ điều kiện để nhận trợ cấp thai sản sau khi sinh.

Nếu đã nghỉ việc, chị có thể nộp hồ sơ tại BHXH quận, huyện nơi cư trú. Hồ sơ gồm:

- Sổ BHXH

- Bản sao giấy khai sinh của con

- Đơn xin nhận trợ cấp thai sản

 

img
Ông Cao Văn Sang đang trao đổi, trả lời trực tuyến

Linh, Phường 26, QBT,

emanTP@yahoo.com: Khi lao động nữ có bầu nhưng công ty vẫn bố trí làm ca đêm, nếu không chấp hành sẽ bị trừ tiền chuyên cần tháng đó. Vậy thắc mắc này hỏi ai?Hàng năm công nhân có nhu cầu về thăm gia đình trong dịp nghỉ phép. Nhưng hàng tháng lao động được trả 1 ngày công tính vào phép chỉ là ngày công trong ký HDLĐ. Nhưng chúng tôi yêu cầu không lĩnh tiền mà để dành đi phép. Nhưng công ty không chấp thuận. Và khi nếu có việc mà xin nghỉ phép là công ty trừ tiền chuyên cần tháng đó và cuối năm thưởng tết lại tính lần nữa. Vì vậy chúng tôi không được hưởng đúng quyền lợi của mình đáng ra được hưởng. Nếu công ty xử lý như vậy thì luôn có lợi cho công ty và người lao động luôn bị thiệt thòi.
Chúng tôi rất mong Bộ LĐTBXH quy định cụ thể việc nghỉ phép hàng năm cho công nhân phải được thực hiện theo thỏa thuận của người LĐ va người SDLĐ., chứ không áp đặt như trên.

- Bà Mai Thị Bích Vân: Theo khoản 1 điều 115 Bộ Luật LĐ, người sử dụng LĐN không được sử dụng LĐN có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, hoặc ban đêm và 9i công tác xa. Nếu thắc mắc, em có thể hỏi Chủ tịch CĐCS, nếu đơn vị không có CĐ thì em có thể hỏi CĐ quận huyện để được hướng dẫn.

Trường hợp quy định thời gian nghỉ phép của công ty như vậy là chưa phù hợp với pháp luật LĐ. Em có thể gởi đơn đến LĐLĐ quận để đề nghị được giúp đỡ.

 

Nguyễn Đình Nam, KCX Tân Thuận, ngdinhnam78@yahoo.com.vn: Trong BLLĐ có quy định trường hợp người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng chỉ làm việc 7 tiếng mà vẫn hưởng đủ lương. Thực tế khi áp dụng điều luật này nhiều doanh nghiệp đã bố trí cho nữ công nhân được nghỉ 1 giờ nhưng không phải là về sớm hơn hay là đi làm trễ hơn. Như vậy quy định này không phù hợp.Tại sao luật không quy định cụ thể là nghỉ một giờ vào đầu giờ hay cuối giờ để tạo đều kiện cho những người có con nhỏ. Xin cám ơn BTC.

- Luật gia Lê Trúc Phương: Điều 115 của Bộ luât Lao động quy định

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.

2. Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ bảy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương.

Như vậy, Luật chỉ quy định là được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc, không có quy định cụ thể là nghỉ vào lúc nào. Việc quy định cụ thể nghỉ vào đầu giờ hay cuối giờ không hẳn sẽ thuận tiện hơn cho công nhân nữ.

 

windywang228@yahoo.com: Em được công ty cho nghỉ thai sản là bốn tháng, xin cho hỏi là khi chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian nghỉ thai sản có được tính vào thời gian làm việc cho cty để được hưởng trợ cấp thôi việc không? Xin cho hỏi cách tính trợ cấp thôi việc khi em làm việc cho cty tổng cộng là 23 tháng trong đó gồm 2 tháng thử việc-4 tháng nghỉ thai sản (em đã kí với cty tổng cộng hai hợp đồng lao động thời hạn 1 năm,hợp đồng đầu đã kết thúc, hợp động thứ 2 vẫn còn giá trị) Xin cám ơn!

- Luật gia Lê Trúc Phương: Khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 quy định

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc:

a) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc theo các bản hợp đồng lao động đã giao kết (kể cả hợp đồng giao kết bằng miệng) mà người lao động thực tế làm việc cho người sử dụng lao động đó;

b) Người lao động trước đây đã là công nhân, viên chức nhà nước nay vẫn làm việc ở đơn vị, thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc ở đơn vị đó;

c) Trường hợp người lao động trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước, nhưng chưa được trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đó theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sử dụng lao động trước đây có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp đã chi trả, nếu đơn vị cũ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ hoàn trả.

Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động kể cả thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó.

d) Ngoài thời gian nêu trên, nếu có những thời gian sau đây cũng được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động:

Thời gian thử việc hoặc tập sự (nếu có) tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;

Thời gian doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nâng cao trình độ nghề nghiệp hoặc cử đi đào tạo nghề cho người lao động;

Thời gian người lao động nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động;

Thời gian chờ việc khi hết hạn tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc người lao động phải ngừng việc có hưởng lương;

Thời gian học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;

Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận;

Thời gian bị xử lý sai về kỷ luật sa thải hoặc về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

Thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Lao động.

4. Mức lương cộng với phụ cấp lương (nếu có) để tính trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

5. Thời gian làm việc khi có tháng lẻ đối với người lao động làm việc trên 12 tháng được làm tròn như sau:

Từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 06 tháng làm việc;

Từ đủ 06 tháng đến 12 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

Theo quy định nói trên thì thời gian nghỉ theo chế độ thai sản (theo chế độ bảo hiểm xã hội ) được tính là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc.

img
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể BTV, PV Báo NLĐ

Chúng tôi mong muốn qua buổi giao lưu trực tuyến này, những quy định của chính sách lao động nữ sẽ được các doanh nghịêp và người lao động hiểu rõ hơn để thực hiện cũng như tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Xin cám ơn quý khách mời, cám ơn đơn vị tài trợ, cám ơn sự theo dõi của bạn đọc.

Các bài liên quan đã được Báo Người Lao Động thông tin:

Chính sách thai sản bị vi phạm

Chính sách lao động nữ: luật có như không

Chương trình do Công ty May thêu giày XNK An Phước tài trợ:

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo