xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Hớp hồn” khách Tây với chuột, dế

Bài và ảnh: Minh Hải

Từng học đại học nhưng 2 thanh niên ở vùng đất cao nguyên Lâm Viên - Lâm Đồng lại tự chọn cho mình hướng đi không liên quan gì đến ngành nghề đã học: Về quê nuôi chuột, dế… và vươn lên làm giàu

Tỉnh lộ 725 nối TP Đà Lạt với huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng từ lâu đã trở thành một tour du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Ngồi trên những chiếc mô tô do người địa phương điều khiển, du khách cả Tây lẫn ta được trải nghiệm nhiều cảm giác mạo hiểm khi băng qua đèo Tà Nung dài gần 10 km với nhiều khúc cua chóng mặt, được hưởng thụ không khí thiên nhiên trong lành mang đậm nét đặc trưng của phố núi Đà Lạt. Không những thế, họ còn được tham quan những làng nghề truyền thống hay được tận mắt quan sát, vuốt ve, thưởng thức nhiều loài động vật vốn lạ mắt, lạ miệng với người phương Tây.

Nuôi chuột “gọi” Tây đến

Học hết năm nhất ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Đà Lạt, vì nhiều lý do, anh Lưu Minh Tuấn (SN 1992; ngụ thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đành phải bỏ dở việc học, trở về phụ giúp việc đồng áng cho gia đình. “Tuy nhiên, đất đai của gia đình có hạn nên dù bươn chải, siêng năng đến đâu cũng chỉ đủ ăn. Khi đó, tôi nghĩ mình còn trẻ nên phải tính chuyện xa hơn, phải làm được một điều gì đó” - anh bày tỏ.

Dần dần, Tuấn nhận thấy mảnh đất nơi anh đang sinh sống ngày càng trở nên tấp nập hơn bởi lượng khách nước ngoài liên tục xuất hiện. Họ tham quan những mô hình sản xuất lụa tơ tằm, rượu gạo, cà phê truyền thống… của vùng đất Lâm Hà. “Tôi chợt lóe lên ý tưởng làm du lịch kiểu cộng đồng, dân dã nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì nơi này đã có quá nhiều mô hình du lịch tương tự” - anh cho biết.

 

Mô hình nuôi chuột, nhím... của anh Lưu Minh Tuấn
Mô hình nuôi chuột, nhím... của anh Lưu Minh Tuấn

 

Một lần ghé thăm cơ sở sản xuất lụa tơ tằm ở cùng huyện, Tuấn chứng kiến một đoàn du khách nước ngoài cứ chăm chú quan sát rồi loay hoay chụp ảnh với mấy con chuột bạch được chủ nhà nuôi làm cảnh. “Vậy là tôi đã có ý tưởng rằng mình sẽ nuôi chuột và nhiều con vật khác để khách du lịch nước ngoài đến xem và chụp ảnh” - anh nhớ lại.

Nghĩ là làm ngay. Được gia đình cho mượn 500 m2 đất, Tuấn bắt tay vào xây chuồng trại rồi đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều thông tin để làm sao mô hình của mình phải thật lạ mắt. Sau một thời gian gầy dựng, phát triển, đến cuối năm 2014, mô hình của Tuấn mở cửa đón khách tham quan. Đến nay, ngoài chuột lang, chuột bạch, cơ sở của anh còn có bò cạp, giông cát, chồn hương, hươu sao, nhím, dúi và một số động vật hoang dã khác.

 

Dế được anh Nguyễn Quang Huy nuôi theo quy trình sạch
Dế được anh Nguyễn Quang Huy nuôi theo quy trình sạch

 

“Lúc đầu khi mới xây dựng mô hình, tôi cứ lo sẽ không có ai đến tham quan. Nhưng thật may mắn, khách du lịch - đặc biệt là du khách nước ngoài - lại tỏ ra vô cùng thích thú khi đến thăm cơ sở của tôi. Nhiều người đã không thể rời mắt khỏi những con vật này. Họ thích thú vuốt ve, trêu ghẹo và chụp ảnh với chúng” - anh Tuấn hào hứng.

Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, cơ sở của Tuấn đã “hớp hồn” hơn 100 du khách nước ngoài tới tham quan mỗi ngày. Mô hình này đem lại lợi nhuận khá cao cho anh nhờ bán những con vật nuôi và tổ chức các dịch vụ liên quan.

Nuôi dế “dụ” Tây ăn

Cách cơ sở thú vị của anh Tuấn không xa là trang trại dế Thiện An của anh Nguyễn Quang Huy (SN 1983, cũng ngụ tại xã Mê Linh). Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc Huy đang tất bật với một đoàn khách nước ngoài vừa ghé tới. Chứng kiến các vị khách phương xa tỏ ra hết sức thích thú những chú dế đang gáy vang rền khắp cả căn phòng, chúng tôi hiểu được vì sao anh thành công.

Tại một chiếc bàn trong trang trại, chúng tôi thấy một nhóm du khách người Mỹ đang nói cười lao xao, nhấp nhổm không yên khi chủ trang trại mang một đĩa dế chiên giòn vàng ươm ra mời họ thưởng thức. Đĩa dế thơm nức, béo ngậy là thế nhưng không ai dám đụng tay nếm thử. “Dường như họ đang thách thức nhau ai dám ăn trước thì phải?” - chúng tôi hỏi Huy. Anh cười: “Đúng rồi, người phương Tây nhìn dế đã thấy lạ, mà đây lại là dế đã được chế biến thành món ăn thì họ càng tò mò hơn nữa”.

Tiến lại gần bàn những vị khách này, Huy giải thích tận tình, tỉ mỉ đây là loài dế được anh nuôi với một quy trình sạch, rằng hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng rất cao nên rất tốt cho sức khỏe. Nghe vậy, một vị khách háo hức nếm thử rồi reo lên. Lập tức, chỉ trong vòng vài phút, đĩa dế giòn tan đã hết veo, kèm những lời tán thưởng không ngớt dành cho chủ trang trại.

 

Du khách nước ngoài với món dế chiên giòn do anh Huy tự tay chế biến
Du khách nước ngoài với món dế chiên giòn do anh Huy tự tay chế biến

 

Sau khi đoàn du khách ra về, Huy mới có thể ngồi lại kể cho chúng tôi nghe duyên cớ đưa đẩy anh đến với dế. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như anh Tuấn, Huy phải dở dang việc học hành khi đang theo học ngành Anh văn Trường ĐH Đà Lạt. Trở về quê nhà, không đất đai, không vốn liếng, đụng đâu cũng thấy khó nên nhiều lúc anh cảm thấy rất chán chường.

“Rồi cơ hội đã đến khi một lần tình cờ tôi xem trên truyền hình thấy một người ở miền Đông Nam Bộ nuôi dế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ý nghĩ làm ăn lập tức nảy sinh trong đầu, tôi lên mạng tìm kiếm thông tin, tài liệu về loài dế để nghiên cứu. Cùng lúc đó, tôi vay được số vốn nhỏ từ Quỹ Đoàn viên, thanh niên giúp nhau lập nghiệp của huyện Lâm Hà và bắt đầu hành trình tìm cách thoát nghèo” - anh nhớ lại.

Sau đó, Huy khăn gói xuống huyện Củ Chi, TP HCM - nơi có trang trại nuôi dế đầu tiên của cả nước lúc bấy giờ, để “tầm sư học đạo”. “Tôi trở về nhà chỉ với một ít dế giống trong tay và những kiến thức bập bõm vì người ta giấu nghề nên chỉ hướng dẫn sơ sài cho mình. Không bỏ cuộc, tôi bắt đầu lao vào nghiên cứu, tìm hiểu nhiều kênh thông tin. Lúc đầu, tôi dùng những chiếc chậu nhựa lớn để nuôi thử nghiệm. Lũ dế giống mà tôi đưa từ TP HCM lên dường như cũng thương tôi nên lớn nhanh như thổi” - anh cho biết.

Thu hoạch mẻ dế đầu tiên, Huy vội vàng đưa lên TP Đà Lạt tìm nơi tiêu thụ. Rất may là nhu cầu của các nhà hàng, quán nhậu lúc này đang rất cần những món ăn lạ như dế và rất nhiều nơi đã ngỏ ý đặt hàng. Sau thành công ban đầu này, anh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi dế để làm du lịch và bán thành phẩm.

“Không ngờ du khách nước ngoài lại thích thú với loài dế này đến vậy. Nhiều vị khách khi ra về còn xin tôi mấy con” - Huy phấn khởi. Hiện tại, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 50-60 kg dế và mỗi ngày đón hàng chục đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, thu về khoản lợi nhuận khá lớn.

 

Năng động, sáng tạo

Với sự năng động, sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, những thanh niên như Lưu Minh Tuấn, Nguyễn Quang Huy đã và đang tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo. Họ góp phần làm phong phú cho ngành du lịch địa phương và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo