xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lao vào điểm nóng

HOÀNG DŨNG - THÀNH ĐỒNG

Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, có dịp theo tàu kiểm ngư, phóng viên vội ra ngay khu vực Hoàng Sa. Khi Bộ GTVT siết chặt xe quá tải, hay tin nhiều phương tiện tìm đủ cách qua mặt lực lượng chức năng, phóng viên liền lao vào tìm hiểu…

Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình trong vô số chuyện tác nghiệp hằng ngày của phóng viên (PV)Báo Người Lao Động. Nhiều khi biết chắc công việc mình theo đuổi có thể đầy khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng dấn thân vào điểm nóng.

Day dứt với Hoàng Sa

Tôi là 1 trong 19 PV đầu tiên được ra Hoàng Sa tác nghiệp sau khi Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 10-5, tôi vội vã khăn gói lên tàu kiểm ngư HP 926 ra Hoàng Sa, chỉ kịp chào từ biệt vợ con bằng cuộc điện thoại. Chuyến đi đầy gian nan, hiểm nguy nhưng là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi.

Phóng viên Hoàng Dũng (giữa) tác nghiệp trong khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Ảnh: QUỲNH CHÂU
Phóng viên Hoàng Dũng (giữa) tác nghiệp trong khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Ảnh: QUỲNH CHÂU

Tàu HP 926 rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), vượt sóng gió gần 1 ngày đêm mới đến khu vực TQ hạ đặt giàn khoan trái phép. Các PV trên tàu say sóng mệt lử. Nhiều người nằm la liệt, không ăn được gì, chỉ uống tí sữa. Thế nhưng, khi tàu của ta tiếp cận Hải Dương 981 để tuyên truyền, yêu cầu TQ rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, anh em PV tỉnh hẳn ra, người nào cũng sôi sục… Tàu HP 926 liên tục bị tàu TQ vây hãm, xịt vòi rồng, đâm va nhưng các PV vẫn bất chấp, lao ra hành lang tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh nóng bỏng tại hiện trường.

Chúng tôi tác nghiệp ở Hoàng Sa với tâm thế như một chiến sĩ hơn là PV. Hằng ngày, ít nhất 3-4 lần, chúng tôi giáp mặt với nhiều tàu TQ hung hăng và manh động. Thế nhưng, chẳng ai tỏ ra e ngại, chỉ lo nhất là ướt máy quay phim, máy chụp ảnh nên nhiều PV đã lấy thân mình che cho máy móc khỏi ướt, mặc phía TQ hung hãn xịt vòi rồng.

Sau vài ngày tác nghiệp trên tàu HP 926, tôi và 3 đồng nghiệp được chuyển sang tàu cảnh sát biển Việt Nam. Nhớ khi chuyển tàu, từ HP 926, chúng tôi xuống chiếc canô nhỏ rồi lướt trên những con sóng cao 4-5 m, bồng bềnh trên mặt biển mênh mông trên 500 m mới cập được tàu CSB 4032. Khi lên được tàu cảnh sát biển, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhiều ngày sát cánh cùng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chúng tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của họ. Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB 8003, cho biết do phải thực thi nhiệm vụ trên biển khơi nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, trong khi nước ngọt có hạn nên các cán bộ, chiến sĩ buộc phải 3 ngày mới được tắm một lần. “Đây là quy định, ai vi phạm sẽ bị kỷ luật nghiêm” - anh Hưng nhấn mạnh.

Chiến sĩ Bùi Huy Đáp (quê Nam Định) tâm sự: “Những ngày mới ra biển làm nhiệm vụ, tôi cũng như nhiều chiến sĩ khác không tài nào chịu nổi nước biển rít rịt, chỉ cần một ngày không tắm là khó chịu vô cùng. Nhưng bây giờ thì quen rồi, thậm chí 4-5 ngày mới tắm cũng chẳng sao”.

Chuyện cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8003 ăn cơm “2 kẻng” cũng lạ lẫm với cánh PV. Chiến sĩ Lê Quang Sơn (quê Thái Bình) giải thích: “Cứ nghe 2 tiếng kẻng báo hiệu là đến giờ lên khoang 2 của tàu ăn cơm. Phải ăn cơm đúng giờ, bởi nếu đến muộn thì việc dọn rửa chậm trễ sẽ gây phiền hà cho các chiến sĩ”. Việc nấu ăn được các chiến sĩ thay phiên nhau nên ai cũng có thể trở thành “anh nuôi”. “Chuyến này về đất liền, mình sẽ trổ tài vào bếp nấu nướng cho vợ con” - anh Đáp khoe.

Sau hơn 1 tuần tác nghiệp ở khu vực TQ hạ đặt giàn khoan trái phép, chúng tôi trở lại đất liền mang theo bao nổi day dứt về Hoàng Sa thân yêu. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, các chiến sĩ, ngư dân của ta vẫn quyết tâm ngày đêm bám biển, kiên trì đấu tranh với phía TQ…

Vượt đèo lúc nửa đêm

Từ tháng 4-2014, Bộ GTVT tiến hành siết chặt xe quá tải, quá khổ qua việc triển khai hàng loạt trạm cân di động trên các tuyến đường. Thế nhưng, nhiều “hung thần xa lộ” vẫn vô tư vi vu vào Nam ra Bắc, bất chấp các trạm cân và chốt CSGT dày đặc. Ai đã tiếp tay cho những “hung thần xa lộ” này?

Phóng viên Thành Đồng theo dấu xe quá tải
Ảnh: HẢI LIÊN
Phóng viên Thành Đồng theo dấu xe quá tải Ảnh: HẢI LIÊN

Khi bắt tay thực hiện loạt bài Tiếp tay cho “hung thần xa lộ”, chúng tôi tìm cách xâm nhập các lò chuyên đóng chui rơ-moóc ở ngoại thành TP HCM. Lần đầu khi thấy tôi đến bằng xe máy, chủ một cơ sở đóng rơ-moóc tỏ ra nghi ngờ. Đoán được suy nghĩ của ông ta, tôi bèn rút lui. Ba ngày sau, tôi thuê chiếc ô tô 7 chỗ, phóng thẳng đến gặp ông ta. Thấy tôi đi ô tô lại có tài xế riêng, ông ta mới tiết lộ những mánh khóe, thủ thuật độ các loại rơ-moóc có thể chở hàng trăm tấn hàng.

Một chủ cơ sở chuyên đóng rơ-moóc khác trên địa bàn Bình Dương thì thử tôi đến lần thứ 3 mới chịu vẽ bản thiết kế, đồng thời hứa lo giấy tờ với giá “hữu nghị”. Sau đó, ông ta giới thiệu tôi gặp A. Từ tay cò này, tôi tiếp cận giới cò chuyên giúp các “hung thần” vượt trạm cân Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai...

Từ TP HCM, sau khi vượt trạm cân Dầu Giây với sự bảo kê của cò, chiếc xe “khủng” của doanh nghiệp vận tải N.L chở máy biến thế nặng 240 tấn vi vu ra Hà Nội, qua mặt hàng loạt chốt CSGT. Tôi và một đồng nghiệp quyết định bám theo “hung thần” này. Đến Đà Nẵng, chiếc xe quá tải không thể qua hầm Hải Vân mà phải đi theo đường mòn để vượt đèo. Lúc đó đã gần 20 giờ. Tôi và đồng nghiệp buộc phải thuê xe gắn máy đuổi theo.

Đường lên đèo Hải Vân dốc và hẹp. Phía trước chúng tôi, chiếc xe đầu kéo gồng mình kéo rơ-moóc chở máy biến thế nặng 240 tấn ì ạch tiến lên đèo. Lên càng cao, đường đèo càng nhỏ dần, trời tối như mực. Những khúc cua cùi chỏ như những cái bẫy chết người. Chiếc xe đầu kéo cứ nghiêng bên này, lắc bên kia theo những khúc quanh như chực lao xuống vực.

Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Hai chúng tôi lạnh run lập cập. Ngồi phía sau xe máy, anh bạn đồng nghiệp ái ngại: “Hay mình rút thôi... Tôi thấy trời tối mà đường thì dốc quanh, nguy hiểm quá”. Tôi động viên: “Ráng theo tới đỉnh đèo, chút nữa thôi”.

Mãi đến gần 3 giờ hôm sau, chiếc xe đầu kéo mới bò được lên đỉnh đèo Hải Vân... Nghỉ một lát cho đỡ lạnh, chúng tôi quay lại phía Đà Nẵng trong làn sương mù đặc quánh...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo