xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luật mở nhưng cần hậu kiểm

Thế Dũng - Thế Kha

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Doanh nghiệp sửa đổi không nhất thiết phải ra một chương về doanh nghiệp nhà nước bởi sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh

Ngày 28-5, Quốc hội (QH)thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước).

Phải chặn được DN “ma”

Nhiều đại biểu (ĐB) QH nhận định Luật DN sửa đổi đã thông thoáng, cởi mở hơn so với luật hiện hành khi quy định điều kiện để đăng ký thành lập DN của DN cá thể là có bản sao CMND, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

Về quy định không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh theo dự luật, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, ĐB Trần Du Lịch, đánh giá là hợp lý. “Cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng giống như làm khai sinh cho con; còn khi lớn lên, nó ăn trộm, cướp là chuyện khác. Nếu vì vi phạm mà truy tố người cấp giấy khai sinh, giấy đăng ký DN thì chẳng ai dám cấp” - ĐB Lịch phân tích.

Tán đồng việc mở tối đa “tự do trong kinh doanh” song ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) băn khoăn “sự thông thoáng luôn mâu thuẫn với quản lý DN và không cẩn thận có thể dẫn đến lộn xộn”. ĐB Ánh dẫn thực tế có quá nhiều DN “ma” nợ thuế, bảo hiểm… nên đòi hỏi phải tăng cường quản lý, kiểm soát.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) phát biểu tại thảo luận tổ Ảnh: LONG THẮNG
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) phát biểu tại thảo luận tổ Ảnh: LONG THẮNG

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải (TP HCM) bày tỏ ủng hộ việc tạo thông thoáng trong đăng ký kinh doanh cho DN nhưng phần quy định trách nhiệm của DN chưa ổn. “Quá nhiều DN đăng ký nhưng tồn tại hay không thì không ai biết. Mời DN lên phổ biến pháp luật, DN cũng không có mặt. Tôi thấy rằng dự Luật DN chưa giải quyết bài toán này” - ĐB Hải bình luận.

Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhìn nhận hầu hết DN muốn sống trong môi trường kinh doanh nghiêm túc nên luật cần làm rõ công tác hậu kiểm.

“Ở các nước khác, hậu kiểm từ thuế, tài nguyên môi trường, lao động… nhưng Việt Nam lại phân tán trách nhiệm. Có công ty nước ngoài hợp tác với công ty trong nước mất cả triệu USD nhưng không tìm được chủ DN hiện ở đâu do trụ sở đóng cửa. Môi trường đầu tư như vậy ai có niềm tin?” - ĐB Nghĩa quan ngại.

Tranh cãi quanh chương riêng về DN nhà nước

ĐB Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH (cơ quan thẩm tra dự Luật DN), cho biết nhiều ĐBQH băn khoăn tại sao dự Luật DN không có một chương về DN nhà nước (DNNN). “Mô hình DNNN là mô hình công ty TNHH một thành viên thì phải đổi, tách phần vai trò đại diện chủ sở hữu, giám sát kiểm tra, thanh tra tách sang Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” - ĐB Hùng lý giải.

Về việc này, ĐB Trần Du Lịch nói thẳng: “Có một chương về DNNN là không cần thiết và ngược với quan điểm tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, bình đẳng”. Vì vậy, ông Lịch tán thành quan điểm của đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của QH là không nên có quy định riêng về DNNN trong luật. Ý kiến của ĐB Trần Du Lịch nhận được sự tán đồng từ Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tuy nhiên, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lại đề nghị có quy định riêng về DNNN. Ông Bình lý giải DNNN vẫn tồn tại ở đa số các nước và ở Việt Nam cũng không tránh khỏi vì một số lĩnh vực nhà nước vẫn phải giữ quyền chi phối cũng như đầu tư vào một số lĩnh vực DN tư nhân không làm được. Do vậy, việc có chương riêng để điều chỉnh là cần thiết.

Góp ý Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, ĐB Trần Du Lịch cho rằng dự luật cần giải quyết được 3 việc. Đó là phải quy định nhà nước được kinh doanh lĩnh vực gì. Tiếp đến, trong điều kiện lực lượng DNNN đang tái cấu trúc, luật này phải chế định xử lý tồn tại này cũng như thể hiện quan điểm phải chế định mô hình quản trị DNNN trong lâu dài. Cuối cùng, phải giải quyết vấn đề về bộ chủ quản vì đang bị biến dạng; dường như không ai muốn DNNN tách khỏi các bộ dù đã có nghị quyết của trung ương.

Từ thực tế này, ĐB Lịch nhận xét dự luật chưa quy định rõ mối quan hệ nhà nước với tư cách là ông chủ với người đại diện. “Người đại diện trong hội đồng thành viên DN được nhà nước cử đi là kiểu gì? Bởi nếu điều hành DN tư nhân không có vốn là làm thuê; còn việc bổ nhiệm, ví dụ như tổng giám đốc, hiện nay là viên chức. Và chức danh này thực tế là làm thuê hay làm chủ cũng chưa rõ” - ông Lịch đặt vấn đề.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhìn nhận dự luật chưa làm rõ khái niệm về quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu và việc giám sát hoạt động đầu tư mới dừng ở giám sát quá trình mà chưa sâu sát hiệu quả đầu tư. 

Xin ý kiến Bộ Chính trị về Luật Biểu tình

Ủy ban Pháp luật của QH cùng ngày đã thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của ĐBQH về việc xây dựng nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết một trong những nội dung quan trọng được nhiều ĐB quan tâm, bàn thảo là thời điểm xây dựng Luật Biểu tình. Thống kê của Ban Thư ký kỳ họp QH cho thấy có 23 ĐB đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. “Biểu tình là quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, không thể mãi sử dụng nghị định được” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Ủy ban Pháp luật của QH sẽ tổng hợp ý kiến của các ĐB để báo cáo Đảng đoàn QH. Đảng đoàn QH có trách nhiệm báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này. Dưới quan điểm cá nhân, ông Cường mong muốn Luật Biểu tình được ban hành trong nhiệm kỳ này.

T.Kha

 

Buộc công chứng viên mua bảo hiểm trách nhiệm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) chiều 28-5, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã yêu cầu đưa vào dự thảo việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho công chứng viên nhằm bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng và giảm bớt áp lực, trách nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trong quá trình hành nghề.

T.Kha

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo