xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mong con ở lại

Mạnh Duy - Ngọc Dung

Bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ bất hủ của nhà thơ Thanh Hải ra đời trên giường bệnh khi tác giả chuẩn bị nói những lời trăng trối. Dường như khi phải đối mặt với cái chết, người ta càng khát khao sống hơn, càng muốn níu mùa Xuân ở lại. Những con người mà chúng tôi gặp dưới đây cũng khát sống dù chỉ một mùa Xuân nho nhỏ.

Tết đã cận kề nhưng những ông bố, bà mẹ khốn khổ ấy vẫn tất tả ngược xuôi để chắt chiu từng giọt sống cho con dù hy vọng rất mong manh

 
Tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, khái niệm về Tết rất mơ hồ bởi đơn giản dù là Tết hay ngày thường thì những bệnh nhân mắc các bệnh nan y về máu vẫn phải liên tục được tiếp máu để duy trì sự sống.
 
Tết không mang lại hy vọng cho những sinh linh bé bỏng từ lúc sinh ra đã mang bệnh hiểm nghèo. Bố mẹ các em, cứ mỗi cái Tết qua đi lại thêm một lần đau đớn, xót xa đếm ngược thời gian sống trên cõi đời của con mình.
 
Tết trong bệnh viện
 
Bên ngoài dãy hành lang tầng 4 của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ở khoa nhi mới thành lập, chúng tôi gặp vài bà mẹ trẻ dáng dấp khắc khổ, héo mòn. Chị Lê Thị Thanh (quê Hải Hậu, Nam Định) vừa bón cho con gái nước da xanh tái từng thìa cháo vừa kể về căn bệnh quái ác mà con chị đang mắc phải: “Cháu bị huyết tán (bệnh tan máu, vỡ hồng cầu - PV) nên Tết này chưa chắc hai mẹ con được về quê”.
 
Chị Thanh đã quá quen với cuộc sống trong bệnh viện (BV) từ khi các bác sĩ ở BV Nhi Trung ương phát hiện con gái bé bỏng của chị mắc căn bệnh quái ác có tên khoa học là Thalassemia. “Nhà tôi chỉ làm ruộng. Lúc nông nhàn thì bố cháu đi làm thợ hồ kiếm thêm. Bây giờ cháu mang bệnh nặng càng vất vả hơn vì tôi không làm được gì ngoài việc trông cháu”- chị Thanh kể. 
 
Đặt tên con là Nguyễn Thắm Tươi, chị Thanh và chồng hy vọng con mình sẽ có một cuộc sống vui vẻ và an nhàn hơn bố mẹ nhưng từ khi phải “thường trú” trong BV, chị cùng con dần héo hon, mòn mỏi trong nỗi đau và tuyệt vọng. “Lúc đầu, tôi cũng hoang mang, lo sợ lắm nhưng rồi được nhiều chị em cũng có con mắc bệnh này động viên nên tôi dần ổn định tâm lý để điều trị lâu dài cho cháu”- chị Thanh kể.
 
Với những đứa trẻ mắc bệnh huyết tán thì BV là nhà. Dẫu cho việc điều trị cũng chỉ để kéo dài thêm cuộc sống cho bọn trẻ nhưng ít có ông bố, bà mẹ nào từ bỏ dù không nhìn thấy chút hy vọng nào.
 
 
img
Chị Lê Thị Thanh và bé Tươi có thể sẽ không được về quê ăn Tết. Ảnh: MẠNH DUY


Họ đều hiểu rằng trời còn cho con họ sống thêm ngày nào thì họ còn được gọi con ngày ấy mà thôi. Bên trong, những phòng bệnh, lũ trẻ đứa ngại ngùng, đứa sợ sệt khi thấy người lạ đến thăm. Chúng chỉ quen với những người bạn cùng cảnh ngộ như mình.
 
Anh Ngô Duy Cương (quê Bắc Ninh) kể: “Cháu nhà tôi đang đi học cũng phải bỏ dở khi phát hiện bệnh này. Nó mặc cảm với bạn bè và cũng biết chẳng sống được lâu”.
 
Cậu bé Ngô Duy Linh (11 tuổi, con trai thứ hai của anh Cương) đã được điều trị bệnh này suốt 6 năm nay. Anh Cương bảo: “Tâm lý chung của bọn trẻ là muốn được về nhà ăn Tết nên tôi cũng cố gắng cho cháu được về nhà vài ngày. Nhưng đến mùng 3, mùng 4 phải trở vào viện ngay. Những gia đình ở tỉnh xa thì đón Tết trong viện luôn”.
 

Tết này, nhà vắng một thành viên

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi được các y, bác sĩ trong BV Nhi Trung ương kể về bi kịch gia đình chị N.T.T. Cả hai con của chị T. đều mang căn bệnh máu trắng khắc nghiệt này. Đứa con lớn của chị vừa ra đi ngay trước Tết, còn đứa nhỏ thì được cho về quê ăn Tết. Thế là Tết này gia đình ấy vắng một thành viên. Không biết họ còn bao nhiêu cái Tết nữa để được nghe đứa con còn lại gọi bố mẹ.

M. Duy

Trong phòng bệnh của những bệnh nhi mắc chứng huyết tán, đứa nhỏ nhất mới chập chững biết đi, đứa lớn nhất đã cao gần bằng bố mẹ. Điểm chung của bọn trẻ là ánh mắt lúc nào cũng buồn rười rượi.
 
Đếm ngược mùa Xuân
 
Chúng tôi chưa kịp hỏi về bệnh tình của đứa bé đầu trọc đang nằm, mắt lim dim trên giường bệnh, ông Nguyễn Văn Nam đã không cầm nổi nước mắt cho biết cháu đã điều trị bệnh máu trắng 3 năm liền.
 
Đó là những năm ông sống với tâm trạng “còn nước còn tát”. Ông Nam đã phải bán một mảnh đất ở vùng quê nghèo của tỉnh Ninh Bình để có tiền xạ trị và mua máu cho con. Đây có lẽ là mùa Xuân cuối cùng ông được nhìn mặt con.
 
“Mấy cái Tết trước, năm nào hai bố con cũng về quê, đó là quãng thời gian duy nhất trong năm thằng bé quên mình đang mắc chứng bệnh hiểm nghèo. Tết năm nay chắc nó không được về quê nữa rồi”- ông Nam nghẹn lời đưa tay gạt nước mắt.
 
Các bác sĩ mới thông báo với gia đình ông rằng những nỗ lực điều trị đã không đem lại kết quả tốt. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý phải xa con vĩnh viễn nhưng cứ nghĩ đến việc sắp mất con, người đàn ông ngoài 50 tuổi này vẫn không kìm được nước mắt.
 
Ở Khoa Ung bướu BV Nhi Trung ương vào những ngày cận Tết, phụ huynh của các bệnh nhi máu trắng lại tất tả ngược xuôi đón tàu xe về quê. Các giường bệnh đã được thu dọn, bỏ lại sau lưng nỗi nhọc nhằn và bao nước mắt suốt một năm chiến đấu với tử thần.
 
Chị Loan (quê Thanh Hóa) cũng có con bị bệnh máu trắng tâm sự: “Cứ khoảng 25 tháng chạp  là các gia đình về gần hết rồi. Nói là về quê ăn Tết nhưng lòng ai cũng nặng trĩu, qua Tết lại phải đưa cháu lên điều trị để cố sống được ngày nào hay ngày ấy”.
 
Sau Tết, không khí có khi lại u ám hơn vì có bệnh nhi về quê ăn Tết rồi chẳng bao giờ quay lại viện nữa. “Dù thương lắm, xót xa lắm nhưng nhiều người hiểu bệnh tình của con và cũng không có tiền nữa nên đưa con về ăn Tết rồi ở nhà chờ chết luôn. Rõ khổ!”- chị Loan thở dài.

Hỗ trợ tiền cho bệnh nhân “ăn Tết” ở bệnh viện

Ngày 28-1, PGS - TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết TP Hà Nội đã có phương án hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày cho bệnh nhân nặng điều trị nội trú trong dịp Tết.
 
Cùng đó, các bv cũng sẽ hỗ trợ thêm suất ăn cho bệnh nhân trong dịp này. Theo các BV ở Hà Nội, hiện số bệnh nhân điều trị nội trú đã giảm nhiều so với bình thường, những trường hợp phải điều trị trong dịp Tết chủ yếu là bệnh nặng hoặc cấp cứu.
 
Để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu đột xuất của nhân dân trong dịp Tết Tân Mão, Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 40 điểm bán thuốc trên địa bàn TP và 100% nhà thuốc BV trực 24/24 giờ  trong các ngày từ 30 đến mùng 5 Tết.

D.Thu

Kỳ tới: Càng gần Tết càng muốn sống
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo