xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ của bản làng

Bài và ảnh: Quang Nhật

Rong ruổi khắp các bản làng xa xôi của Việt Nam trong hơn 8 năm, nghệ sĩ Sébastien Laval sẽ ra mắt công chúng bộ ảnh về các dân tộc thiểu số nước ta vào ngày 13-4, trong khuôn khổ Festival Huế 2014

Giữa trưa nắng như đổ lửa, các nẻo đường TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vắng bóng người nhưng trên cầu Trường Tiền nối đôi bờ sông Hương vẫn có một ông Tây miệt mài công việc. Tại đây, ông cùng với nhiều người khẩn trương hoàn thành những công đoạn cuối cùng về triển lãm ảnh 54 dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đưa người dân tộc về phố

Mồ hôi ướt đẫm vì nắng nóng, ông Sébastien (đến từ vùng Poitou Charentes - Pháp) vẫn cười rất tươi khi gặp chúng tôi trên cầu Trường Tiền: “Ban Tổ chức Festival Huế đã tạo điều kiện rất tốt cùng với sự hỗ trợ của nhiều người nên sau hơn 4 ngày làm việc, chúng tôi đã hoàn thành mọi việc để ra mắt công chúng bộ ảnh này”. Những bức ảnh của ông phối màu đen trắng, thể hiện con người, cuộc sống của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sébastien Laval và công trình triển lãm 54 dân tộc thiểu số Việt Nam
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sébastien Laval và công trình triển lãm 54 dân tộc thiểu số Việt Nam

“Chưa một lần tôi đi đến các vùng xa xôi hẻo lánh, cũng chưa từng gặp người dân tộc thiểu số cho đến khi xem các bức ảnh này. Nhìn vào đó, tôi thấy họ như đang chuyển động chứ không chỉ ở trong không gian bó hẹp của bức ảnh” - bà Lê Thị Thu Hồng, một người dân TP Huế, nhận xét khi xem bộ ảnh của Sébastien nhân lúc đi qua cầu Trường Tiền.

“Chúng tôi chọn cây cầu này làm cuộc triển lãm bởi đây là một không gian mở. Ở đó, mọi người có thể được nhìn, được xem mà không có bất kỳ rào cản nào. Tại đây, mỗi lần đi qua cầu, người xem sẽ thú vị khi biết thêm về các dân tộc thiểu số. Người miền Bắc sẽ biết thêm ở khu vực miền Trung, miền Nam có những dân tộc nào và ngược lại. Đồng thời, tại vị trí đặc biệt này, các nhân vật trong ảnh được giới thiệu, quảng bá ra bên ngoài - điều mà họ khó có thể làm được” - ông Sébastien thổ lộ.

Với cách treo ảnh xen kẽ đã mang đến cảm giác giữa công chúng và các nhân vật trong ảnh luôn nhìn nhau để cùng khám phá, gặp gỡ. “Với bức ảnh màu trắng, khi vừa thấy, người xem sẽ nhìn thẳng vào mắt của nhân vật trong đó. Bằng cách thể hiện này, tôi muốn những người dân tộc thiểu số được biết đến nhiều hơn” - ông Sébastien giải thích.

Để có những bức ảnh này, nghệ sĩ Sébastien cho biết phải mất hơn 8 năm, từ 2005 đến nay ông mới hoàn thành. Trong 8 năm đó, nhiều khi ông một mình rong ruổi khắp các bản làng trên dải đất hình chữ S để tìm hiểu và ghi lại khoảnh khắc của người dân. Sésbastien cho biết chính những chuyến đi đó đã khiến ông từ một nghệ sĩ nhiếp ảnh Pháp trở thành người hăng say tìm hiểu về đời sống, văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Điều thú vị nhất trong triển lãm của Sébastien lần này là 62 bức ảnh thể hiện cộng đồng các dân tộc của Việt Nam. “Khi tôi đến các bản làng, người dân nói rằng dù sống trong một cộng đồng với nhau nhưng có sự khác nhau giữa mỗi dân tộc. Đơn cử, tại các bản miền Tây tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống, người Pa Kô cũng ở đây nhưng họ không giống nhau về tập tục, văn hóa...” - Sébastien cho biết.

Trong thời gian thực hiện bộ sưu tập này, Sébastien phát hiện những điều khác nhau giữa các dân tộc người Việt về lối sống, sinh hoạt cũng như sự khác biệt về nền văn hóa các dân tộc giữa các vùng Bắc - Trung - Nam. “Ở đất nước chúng tôi, các dân tộc, các vùng đều nói chung một thứ tiếng nhưng về kiến trúc thì rất đa dạng. Còn ở Việt Nam, mỗi dân tộc nói một ngôn ngữ khác nhau” - ông Sébastien nhận xét.

Hiểu về Việt Nam nhiều hơn Pháp

Nghệ sĩ Sébastien kể rằng ông biết đến Việt Nam từ hồi còn là sinh viên. “Khi đó, tôi thường xem sách báo, tìm hiểu các thông tin về Việt Nam. Tôi nhận ra Việt Nam là một đất nước thú vị, nó thôi thúc tôi đến khám phá” - ông kể. Năm 1995, khi vừa rời ghế giảng đường, nghệ sĩ Sébastien may mắn có cơ hội qua Việt Nam. Khi đó, Sébastien còn khá trẻ, chỉ là một anh chàng vừa tập tễnh bước vào nghề nhiếp ảnh để thực hiện đam mê khám phá một đất nước mới.

Lần đầu đến Việt Nam, chàng trai Sébastien dường như bị “sốc” bởi sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa Việt Nam và Pháp:  “Lúc đó, đường sá chưa được làm nhiều. Nhiều nơi chưa có điện, cuộc sống người dân còn kham khổ nhưng tôi không sống trong sự khác biệt đó bởi trước khi đến, tôi đã tìm hiểu kỹ về Việt Nam”.

Chính vì lẽ đó, Sébastien bộc bạch ông thấy mình rất yêu mến đất nước Việt Nam. Điều đó đã thúc đẩy ông quay lại đất nước này nhiều lần. Giờ đây, sau gần 20 năm, nghệ sĩ Sébastien nói ông đã đặt chân tới tất cả các thành phố, vùng miền xa xôi nhất của Việt Nam. “Tôi biết rõ các thành phố Việt Nam hơn các thành phố ở Pháp. Tại Pháp, nhiều thành phố hiện nay tôi vẫn chưa biết hết, thậm chí chưa từng đặt chân tới” - ông tâm sự.

Đến nay, qua nhiều năm gắn bó, nghệ sĩ Sébastien đã có nhiều cuộc triển làm về con người, đô thị, cuộc sống ở Việt Nam. Mới đây nhất, vào tháng 12-2013, ông phối hợp với một đài truyền hình Pháp ra mắt công chúng bộ ảnh và các video về lễ trưởng thành của dân tộc Thái ở Việt Nam. Trước đó là triển lãm Hà Nội 18g-6g tại TP Hà Nội và nhiều bộ sưu tập khác.

Những bức ảnh của Sébastien ám ảnh người xem về sự biến đổi âm thầm mà khốc liệt của thời gian và đời sống. Nếu chụp ảnh ở đô thị, Sébastien thường ghi lại cảnh thành phố yên ắng, trầm lặng. Khi đến miền núi, Sébastien thường chú ý đến đời sống văn hóa, tập tục của người dân.

Sébastien thường trở lại những nơi mà trước đó ông đã đến để ghi lại sự thay đổi về con người và cuộc sống. “Cách đây vài tháng, tôi trở lại huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế và tình cờ gặp lại những nhân vật mà mình chụp ảnh cách đây 5 năm. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã nhận ra họ. Tại khu vực này, con người vẫn không thay đổi. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong thời gian tôi làm việc tại Việt Nam” - ông thổ lộ.

Gần 20 năm gắn bó, Sébastien nói rằng ông rất yêu mến đất nước và con người Việt Nam. “Tôi rất vinh dự được triển lãm bộ ảnh về các dân tộc Việt Nam tại TP Huế - một nơi mà tôi chỉ có thể nói rằng mình rất yêu mến” - ông tâm sự.

 

Thắp sáng cầu Trường Tiền

Cũng đến từ vùng Poitou Charentes, đoàn nghệ thuật Carabosse sẽ có 2 đêm biểu diễn sắp đặt lửa trên cầu Trường Tiền vào đêm 18 và 20-4 trong khuôn khổ Festival Huế 2014. Bằng nghệ thuật sắp đặt lửa, đoàn Carabosse dùng ánh sáng màu cam của 4.000 chậu nến lớn treo dọc cây cầu, khiến Tràng Tiền thêm phần lung linh, huyền ảo.

Đoàn sắp đặt lửa Carabosse đang hoàn thành những công việc cuối cùng trên cầu 
Trường Tiền
Đoàn sắp đặt lửa Carabosse đang hoàn thành những công việc cuối cùng trên cầu Trường Tiền

“Trong đêm biểu diễn, chúng tôi sẽ làm thay đổi một chút về thói quen của người dân TP Huế. Họ sẽ không đi xe mà phải tản bộ. Khi đi qua Trường Tiền, họ sẽ có cái nhìn mới lạ về cây cầu được thắp sáng. Rồi khi rời xa, đứng quan sát cây cầu, họ sẽ thấy được vẻ đẹp độc đáo, lung linh của Trường Tiền qua ánh sáng của nến” - nghệ sĩ Jean Marie, đoàn Carabosse, tiết lộ.

Với nghệ thuật sắp đặt lửa, những bức ảnh của nghệ sĩ Sébastien treo trên cầu sẽ thêm phần sinh động. Những ánh sáng màu cam khi rọi vào các bức ảnh sẽ khiến nhân vật trong ảnh như đang chuyển động. “Đây là lần đầu tiên tôi và đoàn Carabosse kết hợp với nhau để thực hiện trên cùng một địa điểm. Đó là sự kết hợp rất tuyệt vời, đem đến cho công chúng sự mới lạ, hấp dẫn” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Sébastien hào hứng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo