xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những mầm sống mong manh

Bài và ảnh: ANH THƯ

Để giành lại sự sống cho những cháu bé sinh non tí hon, nhiều bậc cha mẹ và các thầy thuốc phải trải qua một chặng đường rất dài đầy gian nan

Trên hàng ghế gần cuối trong khán phòng đông đúc của buổi lễ kỷ niệm Ngày thế giới vì trẻ sinh non (17-11) do Bệnh viện (BV) Từ Dũ - TPHCM tổ chức mới đây, một người đàn ông tóc bạc trắng cứ ngồi lặng lẽ. Khi mọi người ra về, ông nán lại cuối cùng chỉ để bắt tay những bác sĩ (BS) Khoa Sơ sinh. “Vừa rồi, con gái tôi vào BV sinh non. Cháu tôi yếu quá, BS nói 99% là không cứu được” - ông ngậm ngùi.

Không dám nói trước điều gì

Chỉ 1% hy vọng nhưng sau gần 3 tuần cố gắng giành giật lại sự sống cho cháu bé tại Đơn vị NICU (chăm sóc tăng cường sơ sinh) thuộc Khoa Sơ sinh  BV Từ Dũ, các BS đã báo tin mừng cho gia đình. Ông khoe: “BS nói chỉ vài ngày nữa, cháu tôi sẽ được chuyển qua Đơn vị Kangaroo (phương pháp chăm sóc da kề da đặc biệt dành cho trẻ sinh non - PV) cho mẹ bé. Vậy là cháu tôi được sống rồi!”.

Một đứa bé bình thường nằm trong bụng mẹ 38-42 tuần rồi chào đời, nặng khoảng 2,5-4 kg. Tuy nhiên, nhiều bé đang được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ chỉ nặng 1-2 kg, thậm chí có cháu chừng vài trăm gram và nằm trong bụng mẹ chưa tới 30 tuần. Không đủ sức chống chọi với môi trường bên ngoài, sự sống của các bé chỉ có thể được duy trì bởi kỹ thuật y khoa hiện đại và vòng tay của thầy thuốc, cha mẹ, người thân. Nhiều bé lúc ra đời mong manh đến nỗi những BS dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không dám hứa sẽ giữ được cuộc sống cho các cháu.
img
Trẻ sinh non được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ

Chỉ vào một cô bé nhỏ nhắn chừng 6-7 tuổi, BS Lương Kim Chi ở Khoa Sơ sinh kể: “Mẹ cháu sinh con khi thai mới 26 tuần. Chị ấy vừa lớn tuổi vừa bị suy tim nặng nên tôi biết mình phải cố cứu đứa bé này, dù không dám nói trước điều gì vì cháu chỉ nặng vỏn vẹn 600 g, lại rất yếu. Trong thời gian chăm sóc, có lúc bé bị nhiễm trùng, phù cứng làm chúng tôi ngỡ đã thua cuộc… Tuy nhiên, còn nước còn tát, chúng tôi cố massage liên tục cho bé. Mấy ngày sau, người cháu cũng mềm dần ra. Cứ thế, hơn 20 ngày trôi qua, bé đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo nhất”.

Tháng 9 vừa qua, một bé cực non khác là con của sản phụ Nguyễn Thị Thúy Hằng (quê Bến Tre) cũng được BV Từ Dũ cứu sống. Khi mang thai, hằng ngày chị Hằng vẫn gánh rau ra chợ bán để gom góp tiền cho cuộc sinh nở. Công việc vất vả, không có điều kiện theo dõi thai kỳ, chị đã sinh con gái lúc thai mới 25,5 tuần và chỉ nặng 600 g. Hôm gặp chúng tôi, dù đang trong những ngày khó khăn nhất, phải đi xin cơm từ thiện từng bữa để cố lưu lại TP cứu con, gương mặt xanh xao của Hằng vẫn rạng rỡ. Sau 44 ngày bé phải điều trị tích cực tại NICU, chị mới được gặp con. “Ôm con trong tay, biết bé được sống là hạnh phúc lớn nhất của tôi” - Hằng tâm sự.

Ca bệnh non nớt nhất mà BV Từ Dũ cứu sống là vào năm 2008: Một bé gái ra đời khi thai mới 23 tuần 3 ngày, cũng nặng 600 g. PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TPHCM, Trưởng Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, nhớ lại: “Đứa bé là thành quả của việc thụ tinh trong ống nghiệm, con của một người mẹ đã 5 lần sẩy thai. Điều kỳ diệu là dù cực non  nhưng bé lại không hề mắc bệnh lý hay gặp ở trẻ sinh non nào cả. Giờ cháu đã được hơn 4 tuổi”.

Thay cho bụng mẹ

“Trước khi một trẻ sinh non được chuyển về khoa, chúng tôi phải chuẩn bị trước lồng ấp, làm cho lồng ấm lên vì các cháu có khả năng điều nhiệt không tốt, dễ hạ thân nhiệt và sinh ra vô số bệnh lý kèm theo. Bé cực non, chỉ nặng vài trăm gram thì cần thêm một tấm chăn ấm chuyên dụng bằng plastic để ngăn thoát nhiệt ban đầu… Rồi còn vô số thứ khác phải sẵn sàng để tạo cho bé một môi trường gần như bụng mẹ vì trẻ sinh non có rất nhiều thứ chưa hoàn chỉnh” - chị Ngô Thị Mai Nương, nữ hộ sinh Phó Khoa Sơ sinh, tiết lộ.

Những ngày đầu được chăm sóc tại NICU, trẻ còn cần được chú ý liên tục vì những cơn ngưng thở sinh lý có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chị Nương cho biết: “Khi ngưng thở, trẻ cần được can thiệp ngay. Bởi vậy, tâm trí  của nhân viên y tế tại Khoa Sơ sinh luôn nặng nề, luôn phải để ý xung quanh, quan sát biểu hiện của trẻ. Con người ta gửi mình mà…”

Hành trình giành lại sự sống cho trẻ sinh non chủ yếu diễn ra ở 2 đơn vị NICU và Kangaroo. “Rời NICU chuyển qua Kangaroo là trẻ đã trải qua nửa hành trình. Trẻ qua 9 tháng 10 ngày là được 80%, còn 20% phải chờ tiếp nữa, qua việc theo dõi sự phát triển trong những năm đầu đời. Trẻ sinh non thường đối diện với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe mà không ai tiên lượng được hết” - BS Lương Kim Chi cho biết.

Nguy cơ tử vong sơ sinh hàng đầu

Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, mỗi năm Việt Nam có 120.000 - 150.000 trẻ sinh non, nhẹ cân ra đời, chiếm khoảng 10% số trẻ sơ sinh và có xu hướng ngày càng tăng. Trên thế giới, con số hằng năm là 13 - 15 triệu trẻ. Sinh non là nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất trong các trường hợp tử vong sơ sinh (29%) và đứng hàng thứ 2 trong tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Trẻ sinh non được chia thành 3 mức độ: non - 37 tuần trở xuống, rất non - dưới 34 tuần và cực non - dưới 28 tuần. Tuổi thai và cân nặng càng thấp, nguy cơ tử vong và biến chứng càng cao. Theo thống kê tại BV Từ Dũ, với trẻ cực non dưới 1 kg, tỉ lệ tử vong năm 2000 lên đến 85%, đến năm 2010 hạ xuống còn 42% nhờ các tiến bộ y học. Trẻ sinh non phải đối diện với rất nhiều nguy cơ: ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, chậm phát triển trí tuệ, bại não…

Kỳ tới: Vòng tay nhiệm mầu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo