xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người không có Tết

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Trong khi nhà nhà háo hức chuẩn bị rình rang thì có một số người phải vất vả lo toan từng miếng ăn. Cái nghèo đã khiến họ ngày càng xa rời với niềm vui đón Tết

Một chiếc xuồng máy lướt qua, ngôi “nhà ghe” của ông Nguyễn Văn Tý tròng trành mấy lượt. Chẳng mấy chốc, nước từ những lỗ thủng dưới đáy tràn lên ngập gần nửa chiếc ghe.

Chặn những nơi bị thủng xong, ông Tý thở phào, bảo: “Chiếc ghe này có bỏ đi cũng không có gì phải hối tiếc, nó đã “sống” được hơn 40 năm rồi. Nếu lấy hết những chỗ vá ra, trông nó không khác gì một cái rổ”!

img
Bà Vân và người con gái thiểu năng trí tuệ trong ngôi “nhà ghe” rách nát

Lấy ghe làm nhà


Vợ chồng ông Tý cộng lại chỉ còn ba con mắt và hai bàn tay, vậy mà họ đã lấy ghe làm nhà để sinh sống hơn 20 năm nay dù bản thân không phải là dân thương hồ thứ thiệt.


Ông Tý năm nay 56 tuổi, quê ở huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng. Trong một lần đi mò cá, ông vớ phải trái mìn. Mìn nổ, ông bị cụt mất hai tay và hư một mắt. Bị vợ ruồng bỏ, ông phải lang thang đi xin ăn khắp nơi.

Một người bán cá tốt bụng ở chợ Vị Thanh - Hậu Giang thấy ông tội nghiệp bèn ngỏ ý: “Tao có một đứa con gái, chồng nó chết để lại 3 đứa con. Mày nuôi nổi không, tao gả nó cho?”.

Tưởng bà nói đùa, nào ngờ chỉ sau một cái gật đầu bán tín bán nghi, người ăn mày tật nguyền bỗng dưng được vợ. Vợ ông Tý, bà Nguyễn Thị Vân, lớn hơn ông 5 tuổi. Vốn liếng sau khi họ lấy nhau chỉ là sự nghèo khó và bất hạnh của hai người cộng lại, chồng chất.


Được mẹ vợ mua cho một chiếc ghe cũ làm nhà, họ chèo chống ngược xuôi theo từng con nước. Ngày họ lên bờ đi bán vé số, đêm lấy ghe làm chỗ ngả lưng.
Cứ thế cho đến một ngày, chiếc ghe không còn đủ sức cưu mang gia đình 5 người của họ ngược xuôi được nữa, nó nằm ì gần chân cầu Đầu Sấu, quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ gần 20 năm nay.


Năm ngoái, người con trai lớn bị bệnh chết khi mới 33 tuổi. Toàn bộ ma chay được gói gọn trong một mâm cơm nguội lạnh trong mái “nhà ghe” bên bờ sông dập dềnh sóng nước.

Vài người hàng xóm  ghé qua thắp mấy nén nhang cho ấm cúng. Sau khi anh chết, người em út Nguyễn Thanh Hưng cũng đi theo một nhóm thợ hồ kiếm sống, lâu lâu mới tạt qua thăm nhà. Hưng bỏ học từ năm lớp 4 vì không có hộ khẩu và không có tiền.


Ở cùng vợ chồng ông Tý hiện nay là người con gái bị thiểu năng trí tuệ, đã 38 tuổi rồi mà như đứa trẻ lên 3. Cô đã mấy lần suýt chết sau những lần ngôi nhà của họ bị sóng đánh chìm tại chỗ.

Nhiều đêm mất ngủ vì cứ nơm nớp lo âu tai họa chực chờ trong chiếc “nhà ghe” cũ mục nên năm ngoái, ông Tý xin người ta cho cất hai cái chòi nhỏ cheo leo sát mé sông để cả nhà có được những giấc ngủ bớt phập phồng.


Hơn 20 năm không ăn Tết


Đã hơn 20 năm nay, kể từ ngày ông bà Tý về với nhau, họ chưa từng có một cái Tết đúng nghĩa. “Nhiều lắm là một bịch mứt hay vài đòn bánh tét gọi là. Tất cả đều là của người ta cho cả” - bà Vân bộc bạch. Những người con của họ từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành chưa từng biết khoác lên mình bộ đồ mới đi chơi Tết.


Lâu nay, cả nhà đều sống dựa vào nghề bán vé số của ông Tý. Sáng nào, ông Tý cũng dậy sớm đón xe ôm đi ra bến phà Hậu Giang bán vé số và trở về nhà khá muộn.

Thấy ông già tàn tật, nhiều người thương tình thường mua giúp ông vé số, nhờ vậy mà cũng đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, cũng có những kẻ lành lặn đã lợi dụng việc ông Tý thiếu khả năng tự vệ để cướp giật vé số của ông không biết bao nhiêu lần.

Mới đây, ông Tý cầm 38 tờ vé số đi tới đoạn gần Công viên Lưu Hữu Phước (TP Cần Thơ) thì có hai thanh niên ăn mặc lịch sự ghé xe lại hỏi mua. Khi ông vừa đưa xấp vé số, chúng chộp lấy rồi rồ ga biến mất.

Ông thất thiểu về nhà mà buồn rười rượi suốt đêm không ngủ được. Bà Vân rầu rĩ: “Tính luôn lần bị giựt vé số gần đây, tổng cộng ổng đã mắc nợ đại lý hơn 4 triệu đồng. Làm cả đời chỉ lo trả nợ thôi mà không đủ”.


Ngồi trò chuyện với tôi nhưng ánh mắt của vợ chồng ông Tý vẫn không ngớt nhìn đau đáu về những ngôi nhà mọc san sát trên bờ. Dẫu biết chiếc ghe của mình đã quá cũ nát không còn sử dụng được nữa nhưng ông Tý bảo rằng không thể vứt đi.

Có lẽ vì chiếc ghe rệu rã này là một phần kỷ niệm trong quãng đời trôi nổi nhưng quan trọng hơn hết, nó là lý do để người ta cảm thông mà cho ông che chòi tá túc bên bờ... 


Gia đình ông Tý chỉ là một trong vô số “nhà ghe” lênh đênh cô khổ trên sông nước. Những ngày cuối năm, sông nước như đặc lại nỗi buồn của nhiều phận người trôi nổi này. Cuộc sống của họ dường như chỉ gói gọn trong những chiếc “nhà ghe” cũ kỹ nên chuyện đón Tết cũng dễ dàng bị bỏ qua.


Tạm bợ, sơ sài


Tấm ván bắc chông chênh từ bờ ra những cái “nhà ghe” gần chân cầu Cái Răng, quận Cái Răng - TP Cần Thơ giống như một cái gạch nối giữa các phận đời sông nước mong manh với phần còn lại của TP hoa lệ.


Trong chiếc ghe rộng chừng 10 m² bồng bềnh trên sóng nước, chị Triệu Thanh Phương ẵm đứa con gái 14 tháng tuổi buồn bã nhìn xung quanh, nơi đang dập dìu những chuyến hàng bánTết. Bên cạnh chị còn một đứa trẻ khác nằm lăn lóc, mắt nó cứ trợn ngược, tay chân co quắp.

Chị Phương cho biết: “Cháu tên Yến Nhi, bị sốt bại liệt lúc mới 7 tháng tuổi, giờ đã 5 tuổi mà chỉ cân nặng bằng với đứa em 14 tháng tuổi này”. Chồng chị, anh Đoàn Văn Hiếu, làm thợ hàn nhựa trên bờ, mỗi tháng được trả công chưa tới 2 triệu đồng. Sáu năm ròng rã sống trên sông nước, mọi thứ của gia đình anh chị đều rất tạm bợ, sơ sài, kể cả việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho con nhỏ nên đã dẫn đến bi kịch cho cháu Nhi.

Anh Hiếu quê ở Sóc Trăng, trước đây có nhà cửa, đất đai đàng hoàng nhưng sau khi cha anh bị bệnh qua đời, gia đình lần lượt bán hết mọi thứ rồi xuống ghe sinh sống. Đến khi anh Hiếu lấy vợ, cả hai cùng nghèo nên cũng phải sống ở trên chiếc “nhà ghe”.


Kỳ tới: Đìu hiu xóm rác

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo