xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ lão tướng miền sơn cước

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Để hoàn thành nhiệm vụ của trưởng thôn, một phụ nữ ở tỉnh Phú Yên đã phải đi bộ mỗi năm hơn 6.200 km. Khi bước sang tuổi thất thập, hành trình này vẫn còn tiếp diễn vì... dân không chịu thay người

Bà Nguyễn Thị Lưu năm nay 68 tuổi nhưng có gần một nửa cuộc đời “vác tù và hàng tổng” cho thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nói về nữ trưởng thôn này, bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, khẳng định đây là người có công đầu phát triển thôn Tuy Dương: “Không dễ gì một thôn ở vùng núi lại được công nhận là thôn văn hóa đầu tiên ở tỉnh Phú Yên nếu không có bà Lưu”.

Quản dân bằng tình

Nhậm chức vào năm 1983, việc đầu tiên bà Lưu bắt tay vào là xóa mù chữ. “Ngày ấy, thôn này chỉ có 75 hộ với hơn 300 nhân khẩu nhưng có hơn phân nửa là mù chữ. Hồi đó làm gì có điện. Chị Bảy (bà Lưu - PV) không biết nói thế nào mà cả thôn rần rần xách đèn dầu đi học xóa mù. Giáo viên hôm đến hôm không. Đêm nào giáo viên vắng, chị Bảy đứng lên dạy tuốt” - ông Huỳnh Ngọc An, một người dân trong thôn kể lại và cho biết dù chỉ mới có trình độ lớp 9 nhưng bà Lưu vẫn đứng lớp tốt.

Nữ lão tướng miền sơn cước Nguyễn Thị Lưu
Nữ lão tướng miền sơn cước Nguyễn Thị Lưu

Trong suốt hàng chục năm làm trưởng thôn, giai đoạn đầu, bà Lưu rất đau đầu trước tình trạng thiếu niên trong thôn hay tụ tập, quậy phá. Lần ấy, vào khoảng tháng 9-1996, nghe báo tin có nhóm 7 thiếu niên đang đánh nhau, bà cùng công an xã đến hiện trường đưa tất cả về trụ sở thôn rồi mời phụ huynh đến nhận về với cam kết ngày mai đưa con ra thôn để họp kiểm điểm. Khi họp thôn, 7 gia đình đưa con đến trong tâm trạng lo lắng sẽ xấu hổ trước hàng xóm. Thế nhưng, thay vì kiểm điểm, bà Lưu lại tuyên bố từ nay thành lập tổ thiếu niên tự quản với nòng cốt là 7 thiếu niên mới “choảng” nhau đêm qua. Dân làng vỗ tay...

Thế nhưng cũng ngay đêm ấy, cả đàn gà nhà bà bị mất sạch. Sau này, bà mới biết còn những thiếu niên hư khác muốn phá đám. Về sau, họ cũng được các “đàn anh” dẫn dắt vào tổ thiếu niên tự quản rồi ân hận thú nhận tất cả.

Cư xử có tình có lý như vậy nên bà Lưu được người dân trong thôn quý mến. Tuy nhiên, cũng có lần bà vuốt mặt không kịp khi giáo dục con bạc. Đó là năm 1998, công an xã bắt một sòng bạc nhỏ, trong đó có 2 người ở thôn Tuy Dương và được giao về để giáo dục. “Trong cuộc họp thôn đêm ấy, tôi mời 2 người này lên khuyên nhủ. Thấy họ cũng hiền lành, nói gì cũng cúi đầu nên nghĩ họ nghe lời mình. Thế nhưng đột nhiên, một chị đứng dậy chửi như tát nước vào mặt tôi rằng chị ta đánh bạc là tiền của mình chứ đâu phải tiền của tôi mà xía vô. Cứ thế mà cô ấy chửi đến mức tôi sốc quá cứng miệng không nói lại được gì rồi cô ấy đứng dậy bỏ về” - bà Lưu nhớ lại. Sau đó một thời gian, người phụ nữ này bị bệnh nằm viện. Bà Lưu mang quà đến thăm, chị ta không nói gì mà chỉ khóc.

Không chỉ nâng cao dân trí, ổn định trật tự trong thôn, bà Lưu còn là người tiên phong trong những việc làm... không giống ai. Việc tự kê khai, tự nộp thuế chỉ được ngành thuế triển khai hơn 10 năm nay nhưng trưởng thôn Lưu đã áp dụng từ năm 1985. Với vai trò là ủy nhiệm thu thuế (chủ yếu là thuế nông nghiệp), bà mang hóa đơn trắng đến các hộ dân để họ tự tính thuế rồi nộp. Chỉ những hộ dân không có người biết chữ, không biết tính toán thì bà mới tính hộ. Đến tối về bà mới lật sổ bộ thuế tính lại, thiếu đủ… nói sau.

Khó tìm người kế vị

Làm việc tận tâm, cư xử hòa nhã, công tâm nên người phụ nữ nhỏ nhắn có nụ cười đôn hậu này dù tóc đã bạc phơ, đôi chân đã mỏi nhưng đã 31 năm trôi qua, cứ đến kỳ bầu lại trưởng thôn, dù không có tên trong danh sách nhưng người dân vẫn nhằm bà Lưu mà chọn. Tháng 11 tới, thôn Tuy Dương sẽ bầu lại trưởng thôn nhưng nói như ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, đến giờ lãnh đạo xã đang “rất căng” tìm người “kế vị”. “Theo quy định hiện nay thì trưởng thôn phải có chuẩn lớp 12. Trong khi đó, cô Lưu chỉ có trình độ lớp 9. Mà đưa người khác lên thì người dân không chịu, chỉ bầu cho cô Lưu nên chưa biết làm sao”- ông Hòa cho biết.

Nói về trưởng thôn Tuy Dương hiện nay, bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, ví bà Lưu như một nữ lão tướng miền sơn cước. “Khó có ai thay thế được nữ lão tướng này. Dân chỉ tin mình chị Lưu thì mình cũng chịu” - bà Lê nhận định. 

Đi bộ xuyên Việt mỗi năm 3 lần

Thôn Tuy Dương là một trong những thôn xa nhất của xã An Hiệp, cách trung tâm xã khoảng 12 km. Bà Lưu không biết đi xe máy lẫn xe đạp, từ trước đến nay chỉ quen đi bộ dù bản thân là thương binh 3/4 với tỉ lệ thương tật 45%. “Mỗi tuần, tôi xuống xã 5 ngày, nếu tính cả đi cả về đã được 120 cây số rồi, nếu nhân cho 52 tuần trong năm thì mỗi năm tôi đi bộ hơn 6.200 cây số, hơn gấp 3 lần chiều dài đất nước rồi còn gì” - bà Lưu hóm hỉnh. Và nếu tính như thế thì trong suốt 31 năm làm trưởng thôn, bà Lưu đã đi bộ trên 180.000 km, gấp 4,5 lần chiều dài đường xích đạo.

 

“Trợ lý” cho trưởng thôn

Bà Lưu cho rằng để người dân tin thì chỉ sự nhiệt tình của một mình bà chưa đủ mà bà đã phải nhờ đến một “trợ lý” đắc lực chính là chồng bà, ông Trần Quang Khánh.

Ông Khánh là một thẩm phán TAND huyện Tuy An về hưu, am hiểu luật pháp nên bà không chỉ nhờ ông quán xuyến chuyện nhà cửa để bà “lo chuyện thiên hạ” mà còn nhờ ông giúp trong các vụ hòa giải. “Trước mỗi lần hòa giải, tôi đều kể tường tận câu chuyện nhờ ông phân tích ai đúng, ai sai để mình còn biết lựa lời mà hòa giải. Đến khi hòa giải thì tôi ngồi trước, ổng ngồi sau, có gì khó thì ông trợ giúp” - bà Lưu đưa ánh mắt nhìn sang chồng, cười. Trong khi đó, ông Khánh tủm tỉm: “Tôi chỉ làm trợ lý cho bả thôi....”

Kỳ tới: Mõ làng thời hiện đại

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo