xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nuôi giấc mơ con chữ

HỒNG ÁNH

Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, những người phụ nữ lam lũ đang ngược xuôi để thu nhặt ve chai, nuôi ước mơ đổi đời cho con cháu

Theo số liệu của ngành chức năng tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 500 hộ dân chuyên sống bằng nghề ve chai, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Không chỉ lao động tại địa phương, những người này tỏa ra các tỉnh lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Khánh Hòa để thu nhặt phế liệu.

Không khuất phục cái nghèo

Từ 3 giờ sáng, bà Đinh Thị Đầm (SN 1962, ngụ phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) rời nhà trên chiếc xe đạp đã mòn nước sơn. Chuyến đi này, bà hướng lên tỉnh Gia Lai. Len lỏi khắp các con đường bụi mù,  ban ngày thu nhặt được bao nhiêu phế liệu, bà bán lại cho các vựa ve chai; đêm thì tá túc ở đâu đó rồi sáng ra lại đi tiếp. Mỗi chuyến đi của bà Đầm đến nửa tháng mới về nhà.

Bà Nguyễn Thị Liên 20 năm làm nghề ve chai nuôi con ăn học Ảnh: KỲ NAM
Bà Nguyễn Thị Liên 20 năm làm nghề ve chai nuôi con ăn học Ảnh: KỲ NAM

“Chuyến này phải gắng hơn. Tối qua, 2 đứa con gái điện thoại xin tiền. Nó bảo 2 tháng nay chưa đóng tiền nhà trọ, chủ muốn đuổi ra ngoài” - giọng bà Đầm nghẹn lại.

Dù nỗ lực đến mấy, mỗi ngày, cao lắm bà Đầm cũng chỉ kiếm được 60.000-70.000 đồng. Bà đang nuôi 2 cô con gái học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Chồng bà Đầm cũng phải bỏ quê vào TP HCM bán vé số để nuôi cậu con trai út đang được Quỹ Đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam huấn luyện.

Thành quả sau 1 ngày thu nhặt phế liệu của bà Đinh Thị ĐầmẢnh: HỒNG ÁNH
Thành quả sau 1 ngày thu nhặt phế liệu của bà Đinh Thị ĐầmẢnh: HỒNG ÁNH

“Con nó ham học mình đâu nỡ bảo nghỉ. Thôi cũng cố gắng thu nhặt phế liệu để đổi lấy cái chữ cho con sau này đỡ vất vả như mình” - bà Đầm tâm sự.

Qua điện thoại, Trần Thị Hồng Thắm, con gái đầu bà Đầm, cho biết mình cùng em gái vừa học vừa làm thêm ở các quán ăn để phụ một phần học phí. “Ngồi trên lớp, nhiều lúc nghĩ giờ này mẹ đang gò lưng trên chiếc xe đạp cọc cạch giữa cái nắng gay gắt mà muốn khóc” - Thắm bộc bạch.

Cách không xa ngôi nhà của bà Đầm là căn nhà cũ kỹ nằm sâu trong hẻm của gia đình bà Nguyễn Thị Đào. Hơn 20 năm trong nghề ve chai, bà Đào đã nuôi 4 người con ăn học. “Một thời gian dài, nhà tôi không biết miếng cơm, chỉ toàn ăn cháo để dành dụm tiền cho con đi học… Đến bữa thì ghé vào chùa xin ăn, khi khát nước phải tìm đến nhà nghèo xin uống vì những nhà giàu họ sợ mình ăn cắp”- bà Đào kể.

Trừ người con út đang học trung cấp, 3 người con còn lại của bà Đào đều đã tốt nghiệp ĐH, có việc làm ổn định. Hỏi về những người con này, bà Đào có chút tủi thân khi các con xấu hổ về nghề nghiệp của cha mẹ. Mà đúng thật, khi tôi điện thoại cho người con cả của bà đang là giảng viên một trường ĐH ở miền Trung, nghe về nghề ve chai của mẹ, anh này vội vàng cúp máy.

Xóm đồng nát hiếu học

Theo bà Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), xóm Thạnh Phú trước đây (nay là khu phố 5, phường Phú Thạnh) là xóm đồng nát bởi đến hơn 300 hộ dân trong xóm đều sống bằng nghề thu nhặt ve chai. Trong đó, rất nhiều gia đình bươn chải mưu sinh với nghề ve chai nhưng vẫn cố gắng cho con học ĐH.

Bà Liên cho biết đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm đối với các phụ nữ làm nghề ve chai. Không ít lần bà bắt gặp những phụ nữ ve chai gò lưng trên chiếc xe đạp nặng nhọc chở mớ phế liệu cồng kềnh đi bán lại cho các chủ vựa. Khi qua cầu Đà Rằng gặp lúc gió chướng xô ngã xe đạp, chưa kịp đứng lên thì gió cuốn cả mớ phế liệu kia xuống sông. Người phụ nữ ve chai chỉ biết ngồi khóc.

“Tôi nể phục họ. Vất vả mưu sinh như vậy nhưng vẫn nuôi được các con học ĐH. Đó là những tấm gương đáng trân trọng” - bà Liên nói.

Ông Huỳnh Văn Long, trưởng khu phố 5, cho biết cái xóm lam lũ này lại rất an ninh trật tự. “Ít khi có lời qua, tiếng lại hay hành động gì gây rối trật tự. Nghèo khổ vậy nhưng cuộc sống gia đình của họ rất đầm ấm, hòa thuận. Nhiều lúc không có tiền gửi cho con đóng học phí, chỉ cần nghe tin là hàng xóm góp lại cho mượn. Thật xúc động!”- ông Long nói.

Bà Nguyễn Thị Liên (44 tuổi, quê BÌNH Định, làm nghề ve chai ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa):

Khuyên con gắng học để bớt khổ

“Cả tháng, vợ chồng tôi làm được khoảng 4 triệu đồng thì gửi về cho mấy đứa con 3 triệu đồng lo ăn học. May mắn là các con không đứa nào bỏ học giữa chừng như ba má nó. Con gái đầu của tôi đã tốt nghiệp ĐH, xin được việc làm ở TP Quy Nhơn. Đứa thứ hai đang học Trường CĐ Y tế Bình Định, 2 đứa còn lại đang học cấp 3. Tôi dặn mấy đứa nhỏ rồi, đời ba má khổ nhưng đời các con phải gắng mà học để sau này có cuộc sống sung túc hơn” .       K.Nam

 

Bà cụ 70 tuổi nhặt ve chai nuôi cháu

Căn nhà nhỏ tối om, ẩm thấp bên bờ sông Kênh Vinh (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) của bà Lê Thị Thoa chứa toàn vỏ nhựa, lon nước và giấy lộn… chẳng khác nào bãi tập kết phế liệu. Năm nay đã 70 tuổi nhưng hằng ngày, bà Thoa vẫn dẫn cháu nội Bùi Thị Trà My (11 tuổi, mồ côi cả cha và mẹ) đi nhặt phế liệu. Kiếm được đồng nào, bà dành dụm một ít mua gạo, một ít cho cháu mua sách vở, đồ dùng học tập. Thương bà nên Trà My rất chăm học, 4 năm liền em đều đạt học sinh giỏi. “Nếu trời thương cho sống được đến khi cháu đi thi ĐH thì lúc đó tôi thấy mãn nguyện lắm rồi” - bà Thoa nói.

T.Minh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo