xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông chủ “Lưu gù”

Bài và ảnh: HỮU THẮNG

Trong hành trình thực hiện ước mơ lo cho mình và giúp người khác, chàng trai tàn tật ấy đã trải qua bao khổ ải mà người bình thường cũng không dễ gì vượt qua nổi. Giờ đây, anh đã là ông chủ một cơ ngơi sản xuất với 400 nhân công

Nhìn dáng người còm cõi, đi lại khó khăn của Đặng Văn Tuyến, hẳn ai cũng nghĩ chàng trai khuyết tật này mưu sinh nổi cho chính mình đã là quý lắm rồi. Thế nhưng, khi đã tìm được một công việc đủ lo cho bản thân, anh vẫn chưa bằng lòng mà còn bươn chải tìm cách giúp bà con ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng - Thái Bình thoát cảnh đói nghèo.


Vượt qua bất hạnh


Tuyến mắc chứng viêm đa khớp từ năm 14 tuổi, khi đang học lớp 7. Gia cảnh nghèo khó, mẹ lại đau ốm quanh năm, cả nhà Tuyến chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khoán. Không có tiền chữa bệnh, hai năm sau, Tuyến nằm liệt vì hai chân teo tóp, mặt mũi sưng phù. Gánh nặng cơm áo đổ dồn lên vai người cha lam lũ, nhọc nhằn.


Nhiều năm liền Tuyến phải chịu cảnh sinh hoạt tại chỗ. Rồi anh quyết tâm phải tập đi cho bằng được. Tay nhúc nhắc chống nạng, tay vịn ghế, dần dà Tuyến cũng ngồi dậy được. Dựa vào chiếc nạng gỗ và chiếc ghế “chuyên dụng”, Tuyến cà nhắc tập đi từng bước... Xem phim Tể tướng Lưu gù trên truyền hình, bà con xung quanh cũng gọi chàng trai bất hạnh này là “Lưu gù”.


Là con trai duy nhất trong gia đình, tuổi thơ Tuyến chìm trong cô quạnh, bệnh tật. Đến khi đã đi lại được, dù vẫn rất khó khăn, Tuyến bắt đầu khao khát lao động để tự lo cho bản thân. Hiểu và thương con, người mẹ vừa khóc thầm vừa động viên Tuyến: “Con cứ yên tâm. Con sẽ làm được bất cứ việc gì như bao người bình thường”. Thế rồi, một bước ngoặt đã đến với Tuyến, mở ra cho anh một con đường để thực hiện ước mơ.


Năm 2000, Tuyến “Lưu gù”  được Trung tâm Tàn tật tỉnh Thái Bình nhận vào học lớp sửa chữa điện. Học xa nhà, lớp ở tầng hai, nhà ăn tầng ba, vì thế mỗi ngày đi học là một thử thách khắc nghiệt đối với Tuyến. Hình ảnh chàng thanh niên lưng gù rạp, đi như bò từng chút một, lóc cóc ghế - nạng lên cầu thang để đến lớp học nghề đã khiến nhiều người cảm phục.

Nhiều lúc Tuyến trượt tay ngã lăn xuống cầu thang. Mặc cho mặt mũi xây sát, mình mẩy ê ẩm, Tuyến vẫn quyết tâm theo học.


Năm 2001, Tuyến ra trường với chứng chỉ sửa chữa điện dân dụng. Về nhà, mang nghề ra làm, khách hàng của Tuyến ngày càng đông. Họ đến với Tuyến không chỉ vì thương cảm chàng trai tàn tật nhưng giàu nghị lực mà còn vì sự thông minh, khéo léo trong tay nghề của anh. “Không thể diễn tả được tôi đã sung sướng như thế nào khi nhận những đồng tiền đầu tiên do chính công sức của mình làm ra” - Tuyến tâm sự.


Sau 6 năm làm nghề sửa chữa điện dân dụng, Tuyến tích cóp được ít vốn. Anh dự định sẽ ra con đường đầu làng thuê một ki-ốt nhỏ để làm nghề. Tuy nhiên, năm 2007, hai KCN đã  lần lượt được xây dựng ở Đông Xuân. Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật đã dành cho dự án.

Ruộng đồng bị thu hẹp, nhiều dân làng thất nghiệp, túng quẫn đành rủ nhau lên TP tìm việc làm. Tuyến bộc bạch: “Nhìn cảnh đó, tôi thấy xốn xang quá. Dù đã có nghề đủ lo cho bản thân nhưng tôi vẫn trăn trở với ước mơ làm sao giúp được bà con thoát cảnh thất nghiệp, đói nghèo”.


Tầm sư học nghề


Trăn trở hàng tháng trời, thế rồi Tuyến quyết định ra đi tìm một nghề để bà con cũng có thể làm được. Thoạt tiên, Tuyến nhắm đến Hà Tây, bởi qua báo đài, bạn bè, anh biết được đây là mảnh đất có nhiều làng nghề có thể giúp bà con một công việc mưu sinh.


Thế là vào một sáng sớm, khi mọi người còn đang say ngủ, Tuyến “Lưu gù” khăn gói một mình lóc cóc tay nạng tay ghế mò mẫm ra đầu làng đón xe đi Hà Nội. Tới gần Bến xe Giáp Bát, Tuyến gọi điện cho người bạn đang làm ăn ở Hà Nội.

Cứ ngỡ Tuyến lên TP chữa bệnh, không ngờ khi nghe người bạn tàn tật cho biết đi làm chuyện “bao đồng”, bạn anh sững sờ. Dùng cơm với vợ chồng người bạn một bữa, Tuyến lại lên đường đi tiếp. Giữa phố phường Hà Nội, anh một mình lầm lũi đón xe về Hà Đông và một số làng nghề ở Hà Tây.


Ngày đi, tối nghỉ trọ, phải mất hàng chục ngày Tuyến “Lưu gù” mới tìm ra được một nghề ưng ý. Anh thổ lộ: “Tìm nghề không khó, song tìm một nghề phù hợp để người dân quê mình sống được lâu dài lại không phải là chuyện đơn giản”. Chính vì thế, sau khi khảo sát các làng nghề thêu ren, đan lát, bện thừng, tăm hương... ở khắp các ngõ ngách Hà Tây, Tuyến mới quyết định chọn nghề làm tăm hương để học hỏi.

img
Dù tàn tật nhưng Tuyến “Lưu gù” không chỉ lo được cho bản thân
mà còn giúp 400 dân làng có công ăn việc làm ổn định


Ngày đầu “tầm sư học nghệ” của Tuyến rất vất vả. Khi nghe anh đặt vấn đề học nghề để về quê mở xưởng, bà chủ cơ sở sản xuất tăm hương Nguyễn Thị Là ở Ứng Hòa cứ chối đây đẩy. Bà khuyên: “Cháu tàn tật thế này, tôi không nghĩ là cháu mở xưởng được đâu”.


Không nản, Tuyến đón xe về Thái Bình bàn với bố về ý tưởng mở xưởng sản xuất, kinh doanh tăm hương. Nghe xong, ông Tuyền không tin vào tai mình. “Lúc đó, tôi nghĩ chắc thằng này dở chứng! Việc đó người khỏe mạnh dễ gì đã làm được, đằng này tay chân nó lại tàn tật như thế mà còn lo chuyện bao đồng” - ông Tuyền nhớ lại. Không chỉ ông Tuyền mà mẹ anh và cả họ hàng, bè bạn, ai cũng ngăn cản vì sợ anh không đủ sức làm. Nhưng rồi thương con, gia đình đành nghe theo lời Tuyến.


Tuyến dẫn bố tới gặp bà chủ cơ sở tăm hương ở Ứng Hòa. Sợ bà chủ không đồng ý nhận lời hợp tác, trên đường đi, Tuyến nhờ bố đứng ra nhận làm ông chủ xưởng tương lai.

Ông Tuyền ậm ừ rồi cũng chiều theo con. Sau vài lần thuyết phục, cuối cùng, bà Nguyễn Thị Là cũng nhận lời truyền nghề và hợp tác mở xưởng làm tăm hương với Tuyến. Tâm sự với ông Tuyền, bà bảo: “Tôi chấp nhận hợp tác với Tuyến vì thấy thương cháu. Vả lại, nó cũng quyết tâm lắm”.


Ân nhân của dân làng


Bước đầu đã hanh thông, Tuyến “Lưu gù” vội vã quay về Thái Bình chuẩn bị vốn mở xưởng. Trong tay anh chỉ có hơn 20 triệu đồng tích cóp trong 6 năm sửa chữa điện. Gia đình có 50 triệu đồng tiền đền bù đất khi mở KCN, Tuyến ôm hết ra đầu tư.

Không đủ, anh vay mượn thêm của bạn bè. Rồi anh lập đề án mở xưởng sản xuất tăm hương trình lên UBND xã Đông Xuân. Cũng như nhiều người khác, vị chủ tịch xã cũng không khỏi ngạc nhiên trước ý định táo tợn của chàng “Lưu gù”.

Tuy nhiên, đề án của Tuyến rất thuyết phục và UBND xã Đông Xuân không chỉ chấp thuận mà còn tạo điều kiện cho anh mượn sân trụ sở UBND xã mở lớp dạy nghề; cho anh mượn nhà kho cũ để chứa hàng và nguyên liệu. Xã còn thông báo tuyển sinh lớp học nghề miễn phí cho Tuyến trên hệ thống loa truyền thanh.

img
Ông chủ “Lưu gù” và người bạn đời


Ngày khai giảng lớp dạy làm tăm hương, hơn 200 dân làng đã háo hức đăng ký theo học. Với khoảng 100 triệu đồng vốn, Tuyến dành một phần chi trả tiền công dạy nghề và tiền mua nguyên liệu.

Anh tâm sự: “Những ngày đầu tập tễnh mở xưởng, tôi lo đến không ăn, không ngủ được. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ lại, sao mình không bỏ số vốn ấy mua máy móc gì đó, nếu làm ăn thua lỗ còn bán được để thu hồi chút đỉnh vốn. Đằng này cứ mua tre, vầu, bột... về, nếu phá sản thì hàng tấn nguyên liệu coi như bỏ đi. Song tôi nghĩ lại, con người ta nếu có ý chí thì dứt khoát sẽ thành công”.


Cơ sở của Tuyến “Lưu gù” được khai trương từ cuối năm 2007, đến nay đã có 400 nhân công là người trong làng làm việc thường xuyên, thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở của Tuyến xuất sang thị trường Trung Quốc 60 tấn tăm hương mỗi tháng.

Nhiều người dân trong làng đã coi chàng “Lưu gù” này như ân nhân của mình. Bà Bùi Thị Thương, có 2 con đang làm ở cơ sở tăm hương của Tuyến, cảm phục: “Nếu không có cơ sở của Tuyến thì nhiều người dân ở đây đã phải bon chen lên TP tìm việc kiếm sống”. 


Những năm qua, Đặng Văn Tuyến đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì những thành tích trong học tập và sản xuất. Sắp tới, ông chủ “Lưu gù” sẽ đại diện 400 nhân công của xưởng dự lễ trao thưởng cá nhân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh của tỉnh Thái Bình.

Tâm sự với tôi, chàng trai 35 tuổi này gửi gắm: “Cuộc sống rất công bằng, mọi cơ hội sẽ được chia đều cho bất kỳ ai nếu họ có ý chí và biết cố gắng, dù người đó là kẻ tàn tật bất hạnh hay là người khỏe mạnh”.

Chuyện tình trắc trở

Đầu năm nay, hạnh phúc đã mỉm cười với Tuyến “Lưu gù”: Anh thành hôn với chị Nguyễn Thị Xuân, một thiếu nữ miền sơn cước.


Chuyện tình của Tuyến và Xuân cũng gặp không ít trắc trở. Bố mẹ Xuân vốn gốc người Thái Bình, lên Yên Bái lập nghiệp từ những năm 1960. Trong một lần về thăm quê, Xuân biết Tuyến qua những buổi gặp anh nhập hàng ở ngoài kho đầu làng.

Họ quen nhau, rồi hẹn hò. Ngày Tuyến ngỏ lời cầu hôn, Xuân bẽn lẽn thổ lộ: “Xuân yêu Tuyến vì nghị lực và ý chí của anh”. Có lẽ vì thế mà cô đã không coi trọng ngoại hình của “Lưu gù”.

Thoạt đầu biết chuyện, họ hàng nhà Xuân phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, sau khi nghe anh thuyết phục, bố mẹ Xuân dần dà cũng xuôi lòng.


Buổi lễ thành hôn của Tuyến, làng xã ai ai cũng mừng vui. Hôm đó có tới 300 khách đến chung vui với ông chủ “Lưu gù”. Trái với lo ngại của Tuyến và Xuân, giờ đây bố mẹ cô rất quý mến và cảm phục chàng rể của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo