xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyết xử dự án “rùa”

Nhóm Phóng viên

Ven biển miền Trung có nhiều dự án được cấp phép đầu tư phát triển du lịch với quy mô lớn nhưng đang “trùm mền”, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn

Trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp nằm ven bãi biển các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng có hàng chục dự án du lịch “trùm mền” mà người dân ở đây gọi là dự án “rùa”. Nhiều dự án lấy hết đường xuống bãi tắm của người dân nhưng chỉ xây tường gạch rồi bỏ hoang.

Những “con rùa biển”

Điển hình là dự án Hòn Ngọc Á Châu khởi công rất hoành tráng vào đầu năm 2010 nhưng đến giờ chỉ có cái khung nhà bằng bê tông cốt thép dang dở, cỏ mọc um tùm. Dự án khu du lịch phức hợp Bãi Bụt nằm dưới chân núi Sơn Trà (quận Sơn Trà) khởi công từ tháng 4-2004, dự kiến trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế vào năm 2007 nhưng hiện chỉ có hàng rào bê tông bao quanh để giữ đất.

Đặc biệt là dự án lấn biển để xây dựng khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, do Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập Đoàn Daewon - Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 210 ha ở quận Hải Châu, vốn đầu tư theo thiết kế là 250 triệu USD nhưng khởi công từ năm 2007 đến nay chỉ lấp được một phần diện tích, còn lại trồng cây nên người dân gọi là dự án “trồng rừng”.

 

Sau 10 năm được cấp phép, dự án Khu Du lịch xanh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa Ảnh: Quang Nhật
Sau 10 năm được cấp phép, dự án Khu Du lịch xanh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa Ảnh: Quang Nhật

 

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án Khu Du lịch xanh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc; do Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 169 tỉ đồng), sau 10 năm được cấp phép vẫn chỉ là một bãi đất trống cỏ mọc ngổn ngang. Ông Lê Thanh Hiền, một hộ dân bị giải tỏa đất để nhường chỗ cho dự án, bức xúc: “Chúng tôi đã chấp nhận nhượng đất cho dự án, mất cả công ăn việc làm, hệ lụy là đời sống ngày càng khó khăn, chỉ mong quê hương phát triển, thu hút du lịch. Vậy mà dự án chẳng thấy động tĩnh gì”.

Không chỉ lấy đất sản xuất của dân, dự án Khu Du lịch xanh Lăng Cô còn “hành” cả người chết khi phần quy hoạch dính vào khu nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Lăng Cô. Phương án di dời đã có cách đây nhiều năm nhưng do dự án không triển khai nên nghĩa trang đang xuống cấp trầm trọng cũng phải chờ. Ông Phan Văn Hồng, cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô, cho biết tại thị trấn này có gần 10 dự án du lịch ở các vị trí rất đắc địa nhưng “trùm mền” kéo dài sau khi được cấp phép.

Dọc biển tỉnh Quảng Nam, nhiều khu resort, khu đô thị rộng hàng ngàn hecta được quy hoạch, công bố xong rồi cũng để đó. Người dân bị ảnh hưởng của dự án không chỉ thiếu đất sản xuất mà nhiều trường hợp còn có nguy cơ mất nhà, mất việc làm vì dự án bất ngờ “đột tử”.

Cũng ở tỉnh Quảng Nam, dọc bờ biển từ TP Hội An đến thị xã Điện Bàn không khó để bắt gặp những khu resort không tên, chỉ thấy bờ rào xây dựng sơ sài, đổ nát.

Tại tỉnh Khánh Hòa, dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Grand Hotel & Risidence (chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Quản lý khách sạn Swivico) nằm ngay trung tâm TP Nha Trang, có 2 mặt tiền đường lớn là Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai nhưng nhiều năm nay tồn tại với bộ mặt nhếch nhác, tường rào hoen gỉ, bên trong chỉ có cái móng đào dở dang với hố nước lớn đen ngòm.

Một dự án khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự là Trung tâm Thương mại và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang. Khởi công từ năm 2005, dự án với kế hoạch sẽ có khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao và khách sạn du lịch kiểu gia đình 5-7 tầng này sau gần 10 năm được cấp phép hiện chỉ là lô đất trống. Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là khu du lịch quốc tế, trọng điểm có khả năng cạch tranh với các nước trong khu vực nhưng nhiều năm qua, hàng chục dự án “treo” ở đây khiến khu vực này rất đìu hiu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, năm 2014 trên địa bàn TP Nha Trang có 144 dự án đầu tư ngoài ngân sách đang triển khai với tổng vốn đầu tư là 56.469 tỉ đồng, trong đó có 70 dự án chậm tiến độ.

Thanh tra hàng loạt

Trước tình trạng nói trên, lãnh đạo các địa phương này đang thanh tra hàng loạt các dự án và quyết thu hồi nếu nhà đầu tư không thực sự triển khai mà chỉ đầu cơ đất.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư 4 dự án; các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã ký cam kết tiến độ triển khai thực hiện nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm thì TP giao các ngành liên quan phối hợp rà soát tiến độ, xử phạt theo quy định. Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, hiện TP có hơn 50 dự án ven biển nhưng hơn 20 dự án trong số đó chậm tiến độ và một số không triển khai; TP Đà Nẵng đang rà soát để xem các nhà đầu tư có thực sự triển khai hay không, nếu không thì sẽ có biện pháp cụ thể.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu UBND TP Hội An và UBND thị xã Điện Bàn làm việc với chủ đầu tư các dự án để ký cam kết tiến độ. Trường hợp chủ đầu tư đã cam kết nhưng không phối hợp thực hiện hoặc thực hiện nhưng chậm trễ, các cơ quan chức năng cần tham mưu UBND tỉnh để chấm dứt đầu tư hoặc thu hồi dự án.

Ông Dương Đăng Trung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết nhiều năm qua, thị trấn rất muốn tỉnh thu hồi các dự án “rùa” để phục vụ cho người dân phát triển kinh tế nhưng chưa có động tĩnh gì. “Trong khi người dân khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà nhiều diện tích đất vàng bị bỏ hoang kéo dài như thế là hết sức lãng phí” - ông Trung nói.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm việc với các nhà đầu tư để đôn đốc xây dựng dự án, nếu nhà đầu tư không thể tiếp tục thì tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thu hồi.

 

Yêu cầu đặt tiền ký quỹ

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, những dự án chậm tiến độ không có lý do chính đáng, chủ đầu tư không có năng lực tài chính thì cần kiên quyết thu hồi; mặt khác, cho gia hạn giấy chứng nhận đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đặt tiền ký quỹ (tỉ lệ tối thiểu là 10% tổng mức đầu tư dự án) để bảo đảm tiến độ thực hiện đã cam kết đối với những dự án có lý do chính đáng và năng lực tài chính. Theo ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đơn vị này đang rà soát lại các dự án đã hết thời hạn thi công nhưng mới triển khai được một vài hạng mục cơ sở hạ tầng, dự án hoạt động cầm chừng, dự án tạm dừng thi công... “Những dự án này sẽ bị đề nghị thu hồi nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có ý định kinh doanh tại đây” - ông Loan khẳng định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo