xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sáng giá đến mấy cũng nên “thi đấu” sòng phẳng

Phạm Dương thực hiện

Công khai, minh bạch công tác cán bộ sẽ giúp tuyển chọn được nhân tài và để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” “Tôi cho đây là một dấu hiệu hết sức tích cực bởi một mặt nó vẫn bảo đảm được nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác nhân sự nhưng cũng mở ra một khả năng mới giúp lựa chọn được nhiều ứng cử viên hơn”. GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (QH), nói về việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi tuyển để chọn một cán bộ cấp thứ trưởng

Mở cơ hội cho mọi người tài

. Phóng viên: Tổ chức thi tuyển để lựa chọn người vào một vị trí công việc nào đó là chuyện rất bình thường ở nước ta, nhưng thi tuyển tới cấp thứ trưởng là chuyện xưa nay hiếm?

- GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra trước khi tiến hành tổ chức thi tuyển công khai thì Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Nội vụ và đều được nhất trí. Như vậy về nguyên tắc vẫn bảo đảm nguyên tắc Đảng quyết định công tác tổ chức cán bộ, tức là Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT giới thiệu lên Ban Tổ chức Trung ương để cơ quan này thẩm tra hồ sơ và trình lên Ban Bí thư quyết định.

. Ông nghĩ sao nếu xảy ra khả năng ứng cử viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thi tuyển của Bộ GD-ĐT và có chương trình tranh cử ấn tượng nhưng lại không được các cấp thẩm quyền phê chuẩn chấp nhận?

- Cấp trên chấp nhận hay không chấp nhận một ứng cử viên tất nhiên phải có lý do và lý do này cũng phải dựa trên các tiêu chí tuyển chọn đã được công bố rõ ràng. Tôi tin việc thi tuyển sẽ giúp chọn được đúng người. Bộ GD-ĐT giới thiệu ứng cử viên lên cơ quan có thẩm quyền quyết định chắc chắn họ phải giới thiệu người mà họ cho là xứng đáng nhất.

. Hiện đã có những ứng cử viên được cho là sáng giá cho chức vụ thứ trưởng mà Bộ GD-ĐT đang tìm kiếm. Vậy làm sao để cuộc thi tuyển được kỳ vọng này tránh khỏi hình thức và để cho tất cả những người có đủ tiêu chuẩn có cơ hội cạnh tranh lành mạnh?

- Bộ GD-ĐT có nói rõ đã hướng tới một ứng cử viên thuộc diện quy hoạch nguồn lãnh đạo của bộ là ông Phan Thanh Bình-Giám đốc ĐH quốc gia TPHCM. Cá nhân tôi đánh giá cao ứng cử viên Phan Thanh Bình bởi tôi có làm việc với ông. Phải nói đây là một ứng cử viên sáng giá nhưng không có nghĩa là không còn các ứng cử viên khác. Một đội bóng dù sáng giá cho chức vô địch đến mấy cũng phải trải qua thi đấu sòng phẳng.

Cán bộ lên - xuống: Bình thường

. Bộ GD-ĐT có đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cho chức thứ trưởng nhưng các ứng cử viên vẫn cần phải trình bày chương trình hành động của mình. Với ông, tiêu chuẩn hay chương trình hành động quan trọng hơn, quyết định hơn?

- Tôi cho rằng khi ứng cử vào chức thứ trưởng thì các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, quá trình công tác, kinh nghiệm lãnh đạo... đều phải đạt yêu cầu nào đó. Vì thế, điều quan trọng nhất khi được chọn là chương trình hành động. Trong trường hợp hai ứng cử viên có chương trình hành động ấn tượng như nhau thì có lẽ Ban Cán sự Đảng của bộ phải đặt ra những câu hỏi, tình huống thử thách để thêm phần tin tưởng ứng cử viên được chọn.

. Nếu trong trường hợp người trúng cử không thực hiện được cam kết tranh cử có nên đặt ra yêu cầu chế tài?

- Thứ trưởng là người giúp việc cho bộ trưởng. Tôi cho rằng trong công việc sau này, vị thứ trưởng trúng tuyển sẽ được đặt dưới sự giám sát của Ban Cán sự Đảng bộ và người thủ trưởng trực tiếp là bộ trưởng. Nếu hoàn thành nhiệm vụ tốt thì tương lai có thể rực rỡ hơn nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì tuỳ mức độ mà có biện pháp thích hợp.

. Đưa một cán bộ lên có khó nhưng vẫn chưa khó bằng đưa xuống nửa chừng với lý do không hoàn thành nhiệm vụ hay năng lực yếu?

- Những trường hợp đưa xuống đúng là hiếm lắm. Nhưng khi quen với hình thức tuyển chọn mới thì cũng nên quen với các việc khác nữa.

Lên hay xuống chức vụ là bình thường. Nhưng việc này ở ta có vẻ phức tạp quá, thậm chí có thể gây ra ấn tượng xã hội nữa. Ở các nước điều đó rất bình thường. Vừa qua, tôi có tham gia đoàn QH sang thăm Hy Lạp. Khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của QH Hy Lạp tiếp đoàn ông có giới thiệu ngay rằng trước từng làm phó chủ tịch QH. Tôi thấy thái độ của ông rất vui vẻ, bình thường chứ không nặng nề gì chuyện từng làm phó chủ tịch QH nay lại làm phó chủ nhiệm ủy ban.

Chống chuyện “chạy chức, chạy quyền”

. Trước khi Bộ GD-ĐT tổ chức thi tuyển thứ trưởng, có khi đến khi quyết định bổ nhiệm được công bố thì cán bộ-nhân viên trong cơ quan mới biết vị thủ trưởng mới. Theo ông, việc thi tuyển như vậy sẽ giúp công khai, minh bạch công tác cán bộ?

- Theo tôi, trong thực hiện công tác cán bộ là cán bộ quan trọng nhất. Ở phương Tây người ta nói rằng quần chúng là một dãy số không và sức mạnh của dãy số không được nhân lên bao nhiêu lần phụ thuộc vào số đứng trước dãy số không đó. Cách nói ấy xem ra đánh giá thấp vai trò của quần chúng nhưng nếu đứng trước 6 số không là số 1 thì chỉ là 1 triệu nhưng có thể là 9 triệu nếu đó là số 9. Vì vậy công tác cán bộ càng làm công khai, càng có điều kiện để tìm kiếm người tài. Công khai, minh bạch tuyển chọn cán bộ còn giúp thực hiện đúng “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Đó cũng là một giải pháp để chọn người đủ năng lực và chống “chạy chức, chạy quyền”. Dĩ nhiên, cơ quan tuyển chọn cán bộ phải khách quan.

. Nếu ở cấp thứ trưởng mà còn tổ chức thi tuyển được thì có nên áp dụng cách làm này đối với nhiều cấp, nhiều ngành khác?

- Bộ GD-ĐT thi tuyển thứ trưởng là bước đi thí điểm đầu tiên. Nếu thành công thì phải nghiên cứu để nhân rộng ra trên cơ sở bảo đảm trình tự thủ tục mà pháp luật quy định.

Tôi có nghe thông tin, không biết có chính xác không là Bộ GTVT cũng công khai kêu gọi ứng cử viên để tuyển chọn thứ trưởng. Tôi cho rằng sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình thì có nhân rộng cách làm của Bộ GD-ĐT ra các ngành, cấp khác.

. Xin cảm ơn ông.

Trước đây những cán bộ được bổ nhiệm hay nói rằng “công việc là do Đảng phân công và tôi sẽ vừa làm vừa học”. Dĩ nhiên ai cũng phải học suốt đời nhưng nếu tuyển chọn cán bộ như cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ hạn chế được những tuyên bố kiểu như vậy hơn vì họ tình nguyện ra đảm đương công tác và có những trình độ, kinh nghiệm phù hợp với công việc. Như vậy sẽ tránh được tình trạng cán bộ không thích hợp với công việc nhưng vẫn phải làm công việc ấy.

GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo