xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tai nạn đường sắt chực chờ

Bài và ảnh: Nhật Minh

Trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt không có barie, không có hàng rào chắn, rất dễ xảy ra tai nạn chết người

Sáng 13-5, trong lúc chị Nguyễn Thị Nga (SN 1984) từ nhà băng qua đường sắt (đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - TPHCM) để ra chợ, đoàn tàu SE3 đã lao qua nghiền nát thân thể nạn nhân. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, trên địa bàn TPHCM đã có 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 2 người.

Khó kiểm soát

Khảo sát dọc theo tuyến đường sắt qua địa phận TPHCM vào sáng 13-5, chúng tôi ghi nhận ngoài những hành vi xâm phạm hành lang an toàn đường sắt lâu nay của người dân như đổ rác, phơi quần áo, trồng rau, nuôi gà, dắt chó đi dạo…, vẫn còn nhiều đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt không có barie, thậm chí có đoạn không hàng rào chắn.

Có mặt tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận) đúng lúc đoàn tàu lao tới, chúng tôi chứng kiến dù còi báo động réo vang từng hồi nhưng một số người vẫn liều mạng phóng xe băng qua. Dọc theo đường Trần Khắc Chân, sát bên đường sắt là chợ “chồm hổm” nên lượng người đến mua bán, đi lại băng qua đường sắt khá đông. Vị trí này không có gác chắn, chỉ một thanh niên xung phong (TNXP) đứng gác nên không thể cản nổi việc băng qua đường sắt để “tiết kiệm thời gian” của khá nhiều người.

Tại điểm giao cắt giữa hẻm 120/29 Thích Quảng Đức và đường sắt cũng không gác chắn mà chỉ có một TNXP đứng gác. Giao cắt này có lưu lượng giao thông còn đông hơn điểm giữa đường Trần Khắc Chân và đường sắt. Ông Nguyễn Minh Tuấn, người dân ở khu vực này, cho biết: “Cách đây 3 năm, tàu lửa cán chết một ông cụ cũng ở vị trí này.
Người dân chúng tôi và lực lượng TNXP vẫn canh gác mỗi khi tàu đi qua nhưng nhiều người kém ý thức lắm, cứ xông qua mặc dù mình đã cản. Tôi cũng không hiểu tại sao ở vị trí này không có gác chắn, nếu có thì sẽ an toàn hơn”. Giống như hai trường hợp trên, điểm giao cắt giữa đường sắt với đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), hẻm 107 đường Trương Đăng Quế (quận Gò Vấp) cũng không hề có gác chắn.
img

Một đoạn đường sắt không có hàng rào ở gần chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận). Trẻ em thường đến đây chơi

Nguy hiểm không kém là giao cắt giữa hẻm 120/98 Thích Quảng Đức và đường sắt (vị trí anh Nguyễn Lương Hiệp bị tàu lửa cán chết vào ngày 11-5). Vị trí này vừa thiếu gác chắn vừa thiếu mất một đoạn hàng rào dài khoảng 20 m. Đoạn đường này khá rộng, trẻ em hay ra đường ray chơi. Nhiều người cũng chọn phương án băng thẳng qua đường ray để đến viếng chùa Pháp Hoa. 

Lỗi tại địa phương!?

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có tổng cộng 27 đường ngang, trong đó 19 đường có gác chắn, 7 đường có đèn cảnh báo tự động. Một số đường ngang vẫn còn thiếu cọc tiêu, biển báo hiệu theo quy định, một số đoạn hàng rào hành lang an toàn đường sắt hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Trước tình trạng mất an toàn giao thông, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP đề nghị Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn xây dựng gác chắn tại các vị trí giao nhau với đường sắt, gồm: đường Trần Khắc Chân, hẻm 120/29 Thích Quảng Đức, hẻm 107 Trương Đăng Quế, Trần Hữu Trang; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh hàng rào hành lang an toàn đường sắt từ đoạn Km 1722+900 đến Km 1722+980 (gần chùa Pháp Hoa). Ngoài ra, để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, Sở GTVT cũng đề nghị UBND quận Bình Thạnh nhanh chóng bít 2 đường ngang tại Km 1720+630 và Km 1720+015.

Điều không kém phần nguy hiểm là tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt, như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Đang, Nguyễn Trọng Tuyển, Nơ Trang Long. Trong trường hợp ùn tắc giao thông xảy ra tại đây lúc tàu đang lao tới, thì thảm họa thật khó lường. Vì vậy, Sở GTVT cũng đã đề nghị Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn mở rộng nút thắt cổ chai tại các giao cắt trên, tăng thêm diện tích cho xe lưu thông.

Tuy nhiên, theo Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn, chủ trương xây dựng gác chắn đã có từ năm 2008 nhưng địa phương, điển hình là quận Phú Nhuận, lại không làm được khâu giải phóng mặt bằng. Ông Lê Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn, cho biết: “Muốn xây dựng gác chắn phải giải tỏa mặt bằng để làm trạm gác. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng gác chắn đã được bố trí đầy đủ theo Kế hoạch 1856 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong đó không gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Địa phương phải làm việc đó nhưng đụng đến là vướng nên việc xây dựng gác chắn trong nội thị đành gác lại”.

Đường sắt Việt Nam hiện có tổng chiều dài 3.172 km. Trong đó, đường sắt chính tuyến là 2.682 km đi qua 33 tỉnh, thành thì có 1.542 đường ngang có điểm giao cắt, rào chắn hợp pháp và 4.725 đường ngang bất hợp pháp. Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam năm 2010 cho thấy trong 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt thì chỉ có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về tai nạn đường sắt

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban An toàn Giao thông đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gần 20 năm nay, khu vực Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) được coi là “điểm đen” tai nạn đường sắt. Cả nước có hơn 3.000 km đường sắt với tổng cộng hơn 6.000 đường ngang thì riêng Hà Nội có đến 1.129 điểm giao cắt, trong đó chỉ hơn 177 đường ngang hợp pháp, còn lại là 952 đường ngang bất hợp pháp. Tính trung bình thì cứ 125 m đường sắt, Hà Nội lại có một đường ngang, gấp 4 lần cả nước.
Ông Bình cũng đưa ra một so sánh: Thống kê trong năm 2010, TPHCM xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm 2 người chết và 2 người bị thương thì Hà Nội xảy ra 37 vụ, làm chết 17 người và bị thương 29 người. “Hà Nội có số người chết vì tai nạn đường sắt cao gấp 8,5 lần TPHCM do nhiều bất cập trong hệ thống đường sắt từ quá khứ để lại”- ông Bình nhận xét.
Thế Kha
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo