xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm lời giải cho nợ và lương

TÔ HÀ - NGUYỄN QUYẾT - BẢO TRÂN

Quốc hội dành cả ngày 30-10 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Sử dụng vốn viện trợ, nợ công, tiếp tục trì hoãn hay phải tăng lương theo lộ trình... là những nội dung trọng tâm

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tạo ấn tượng mạnh khi dành trọn 7 phút cho bài tham luận sắc sảo về những bất cập, hạn chế trong quản lý và sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA).

“Quốc hội đứng ngoài quy trình”

Theo ĐB Nga, Việt Nam đã huy động 78 tỉ USD trong vòng 20 năm nhưng đã để xảy ra nhiều tiêu cực, tham nhũng dẫn đến thất thoát, chất lượng công trình kém làm mất uy tín đối với nhà tài trợ. Đáng quan ngại là những vi phạm lớn chỉ được phía nước ngoài phát hiện. Nguyên nhân là do Quốc hội (QH) và người dân - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người trả nợ - gần như đứng ngoài quy trình. Đã xảy ra không ít vụ tiêu cực gây chấn động dư luận nhưng QH chưa một lần giám sát tối cao về ODA. "Đây là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn" - ĐB Lê Thị Nga kết luận.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị tuân thủ nguyên tắc vàng là không vay ODA cho chi thường xuyênẢnh: HOÀNG NGỌC
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị tuân thủ nguyên tắc vàng là không vay ODA cho chi thường xuyênẢnh: HOÀNG NGỌC

 

ĐB Nga thúc giục QH ban hành Luật Quản lý sử dụng ODA, trong đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, dự án, quy trình phân bổ; đồng thời quy định về trách nhiệm của QH, quyền của người dân, báo chí và hiệp hội chuyên ngành trong quá trình sử dụng vốn ODA. Bên cạnh đó, cần chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ, phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA để đề xuất chiến lược sử dụng ODA có chọn lọc theo lộ trình giảm dần tiến đến chấm dứt nguồn vốn này. Bà Nga cũng lưu ý các nước không đi vay ODA để đầu tư các siêu dự án và các chuyên gia quốc tế cũng từng cảnh báo ODA là một cái bẫy, là “sát thủ kinh tế” nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn này.

Cùng quan tâm đến vấn đề nợ công, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nhận định chi phí trong các dự án có vốn ODA rất cao. Bình thường, ĐBQH nhận được giấy mời dự hội nghị, hội thảo ở khách sạn 5 sao chỉ được trả thù lao 2,5 triệu đồng/hợp đồng, trong khi dự án có vốn ODA được chi trả tới 50-60 triệu đồng dù chất lượng báo cáo không khác nhau. “Nếu là các dự án ODA vay thì phải hết sức cẩn thận vì sẽ làm tăng gánh nợ công” - ĐB Tiên lưu ý và cho rằng cần phải tuân thủ nguyên tắc vàng là không vay ODA cho chi thường xuyên.

An toàn mà… lo!

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo thêm vấn đề quản lý nợ công. Theo đó, kể từ 2010, khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thì việc công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng hơn. Bộ trưởng lạc quan khẳng định các chỉ tiêu quản lý nợ của Việt Nam hiện vẫn trong giới hạn cho phép (nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%). Mặc dù vậy, trong thời gian qua vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Theo phân tích của bộ trưởng, nguyên nhân xuất phát từ tình hình kinh tế khó khăn, trong khi phải bảo đảm nhiều khoản chi an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu, nhu cầu đầu tư lớn. Điều này khiến nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỉ lệ. Đến năm 2015, khoản nợ này tương đương 64,2% GDP. Mặt khác, cơ cấu nợ hiện không bền vững, phần lớn các khoản vay trong nước là ngắn hạn, phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong vài năm tới, một số dự án vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ không hiệu quả làm phát sinh nợ dự phòng, làm tăng chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Nguyên nhân là do trong khâu huy động và phân bổ vốn vay chủ yếu xuất phát từ đề xuất của bộ - ngành, địa phương chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ cân đối với nguồn lực khác; chưa bám sát vào hạn mức nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt xác định mức vay, mức nợ cho phù hợp; chưa gắn trách nhiệm người quyết định vay và người sử dụng có hiệu quả vốn vay. Nhiều dự án chưa chuẩn bị tốt khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện khiến cho hiệu quả giảm. Nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô dẫn đến tăng vay nợ tạo áp lực gia tăng nợ công. Mặt khác, khâu tổ chức và quản lý nợ công phân tán ở nhiều đầu mối; năng lực giám sát hạn chế, hệ thống dữ liệu chưa được chuẩn hóa, chưa thực hiện tốt và phối hợp trong việc công tác tổng hợp, báo cáo, công khai theo quy định.

Tìm nguồn để tăng lương

ĐB Đặng Thuần Phong rất băn khoăn khi đây là năm thứ hai liên tiếp ngân sách không bố trí được nguồn tăng lương theo lộ trình. “Nguyên nhân là do biên chế không giảm, sức lao động không cân đối được. Chính phủ cần hết sức quan tâm vì kéo dài tình trạng này, hệ lụy xã hội sẽ khôn lường” - ĐB Phong khuyến cáo.

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị Chính phủ cần báo cáo đầy đủ, minh bạch về tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách đến nỗi không có kinh phí để tăng lương theo lộ trình, báo cáo đầy đủ về nợ công để cả nước cùng lo liệu.

Theo ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), việc chưa bố trí được nguồn tăng lương còn do quan điểm, cách tiếp cận giải quyết vấn đề chứ không phải đã hết cách. Hiện nay, tiền ngân sách còn sử dụng lãng phí khi xây nhiều công trình công cộng vượt quá nhu cầu hay đầu tư lớn cho hạ tầng nhưng chất lượng kém. Thừa nhận chi lương của Việt Nam khá lớn, chiếm 9% GDP trong khi các nước khác chỉ khoảng 7%, ĐB Thích Bảo Nghiêm đề nghị quyết liệt tinh giản bộ máy, cắt giảm những khoản chi không hợp lý. “Lộ trình tăng lương đã trì hoãn 2 năm, cần xem xét cân đối các khoản chi để lấy nguồn tăng lương, nhất là cho cán bộ hưu trí và công chức, viên chức là những đối tượng có cuộc sống còn khó khăn” - ĐB Thích Bảo Nghiêm nói.

 

Quyết lấy lại đà tăng trưởng cao

Trong phiên thảo luận, đa số ĐBQH đều nhìn nhận kinh tế năm 2014 đã có chuyển biến tích cực và đang trên đà phục hồi, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát ở mức 5,5% là khả quan.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng nếu so sánh với tăng trưởng tiềm năng và mức thực hiện giai đoạn trước, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại, việc này hoàn toàn có thể được nhưng kèm theo đó là những quyết sách đúng đắn. Trước hết, phải vực dậy khu vực sản xuất trong nước bằng các giải pháp vốn, thuế, đào tạo, thủ tục hành chính; chú ý đến công tác an dân... Một số ĐB cho rằng muốn đạt được các chỉ tiêu cơ bản đề ra, Chính phủ cần tăng tổng mức đầu tư toàn xã hội lên 32% thay vì 30% như dự kiến.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre)  lưu ý dư luận chưa thực sự yên tâm khi quá trình tái cơ cấu vẫn chậm so với yêu cầu phát triển; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; thất nghiệp, tội phạm gia tăng đang tạo sức ép lớn đối với công tác điều hành. ĐB này đề nghị Chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để chặn đứng tham nhũng, lãng phí, góp phần tăng tối thiểu được thêm 0,57% GDP như khuyến cáo của các chuyên gia.

 

Phải giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa

Từ năm 2015, giá điện sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn theo giá thị trường

Báo cáo QH chiều cùng ngày xung quanh vấn đề chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa, trong đó có cây thanh long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết chủ trương của QH là đến năm 2020 phải giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thực hiện chủ trương của trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 899 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có chủ trương chuyển một phần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản có hiệu quả cao hơn trồng lúa.

l Bên lề QH chiều 30-10, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động “Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tính toán từ nay đến năm 2020, ngành điện cần khoảng 8 tỉ USD để đầu tư phát triển nguồn điện mới, như vậy ngành điện có tăng giá điện để có nguồn đầu tư?”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2015, giá điện sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn theo giá thị trường. Từ năm 2016, giá điện có tăng nhưng cũng có khả năng giảm. Trong trường hợp giá đầu vào như than, khí... giảm thì giá điện phải giảm, nếu tăng thì phải tăng giá điện. Vừa qua, có những điều chỉnh giá điện nhưng nhà nước vẫn hỗ trợ cho các hộ nghèo khoảng 30.000 đồng/tháng và phần nhiều các hộ miền núi vẫn không dùng hết số đó thì được lĩnh tiền thừa. Việc đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì không đặt nặng hiệu quả, lỗ lãi mà là chính sách xã hội vẫn phải thực hiện.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo