xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm thương hiệu du lịch quốc gia

Yến Anh - Hương Ly

Nhân ngày Du lịch thế giới (27-9), du lịch Việt Nam có nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển ngành, trong đó có quyết tâm xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia. Có làm được không và thương hiệu đó nên là gì?

Tại Quyết định 2473/QĐ-TTg ban hành ngày 30-12-2011 về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, có nêu rõ: “Tập trung đầu tư khai thác phát triển các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu nổi bật… Tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch có tầm cỡ, các điểm đến nổi bật để phát triển trở thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng”.

Không dễ làm

Thương hiệu du lịch có thể được hiểu là dấu hiệu (hữu hình hay vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hay một dịch vụ du lịch. Sự nhận biết và tín nhiệm của du khách đối với thương hiệu du lịch quốc gia được hình thành từ thương hiệu du lịch các vùng miền; thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch hồi tháng 5-2013, các yếu tố cốt lõi của giá trị thương hiệu và hình ảnh đặc trưng thương hiệu du lịch Việt Nam bao gồm: Với khách quốc tế - là con người Việt Nam, ẩm thực Việt Nam và văn hóa truyền thống Việt Nam; với khách nội địa - là phong cảnh, ẩm thực, con người; nhà doanh nghiệp có cùng chọn lựa như khách nội địa; nhà quản lý chọn văn hóa, trang phục, ẩm thực; cộng đồng lựa chọn con người, ẩm thực, phong cảnh Việt Nam.

Bao năm qua, du khách đến Việt Nam là đến với loại hình du lịch chủ yếu gì cũng chưa thật rõ, bởi du lịch nước ta hiện chưa có thương hiệu như một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực hay châu lục, chẳng hạn: Malaysia gắn với hình ảnh tháp đôi Petronas, Thái Lan gắn với Phuket, Indonesia gắn với đảo Bali, Hồng Kông gắn với công viên Disneyland...

img
Du khách thưởng thức món ăn Việt tại một lễ hội du lịch ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

“Xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam không phải là việc dễ dàng” - ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, nhận định: “Ngành du lịch Việt Nam yếu trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch. Những khẩu hiệu “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới”, đến “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” rồi mới đây là “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đều xuất phát từ ý tưởng bất chợt, xử lý tình huống bằng tư duy chủ quan chứ không phải là kết quả của quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch quốc gia một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho rằng để có được thương hiệu du lịch Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần phải có thời gian và sự đầu tư thỏa đáng.

Nên dựa vào ẩm thực

Kết quả khảo sát nói trên của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy du lịch văn hóa, du lịch sinh thái biển, du lịch phong cảnh, du lịch văn hóa ẩm thực hay du lịch lễ hội, tâm linh…, mỗi loại hình đều có tiềm năng và giá trị lớn, đáp ứng được một số yêu cầu xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia không phải là việc quá khó. Tại hội thảo “Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam” vừa được Tổng cục Du lịch tổ chức, ông Florian Sengstschmid - chuyên gia của dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) - cho biết ông rất ấn tượng khi thấy đài truyền hình quốc gia Azerbaijan đưa tin về “Running man” Vũ Xuân Tiến. “Báo chí nhiều nước cũng đã đưa tin về nhân vật này. Tôi nghĩ hình ảnh chàng trai Việt chạy theo đam mê ấy sẽ làm người xem liên tưởng rằng Việt Nam là nơi lý tưởng, có những con người tuyệt vời, đáng được khám phá. Du lịch Việt Nam nên có những hình ảnh, điểm nhấn như thế - ông Florian Sengstschmid gợi ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng trong tất cả các giá trị văn hóa, ẩm thực tác động nhanh nhất đến người tiếp nhận. Văn hóa ẩm thực tạo nên sự so sánh về sự khác biệt giữa văn hóa ẩm thực các quốc gia và tạo cảm nhận bao trùm cả nền văn hóa dân tộc. Việc xây dựng ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch quốc gia, chúng ta đã tận dụng thế mạnh về nông nghiệp sẵn có, những cái nhất của Việt Nam như hồ tiêu, cà phê, lúa gạo và nhiều thực phẩm khác.

Cũng theo ông Kỳ, ẩm thực Việt Nam là một giá trị văn hóa dễ truyền đạt nhất với chi phí thấp nhất. Khi tới diễn thuyết tại Việt Nam cách đây không lâu, GS Philip Kotler - cha đẻ của ngành marketing thế giới - cũng đã gợi ý về định vị cho ngành du lịch Việt: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới. Diễn giả này cho rằng hình ảnh “nhà bếp của thế giới” có thể phù hợp với Việt Nam vì văn hóa ẩm thực của người Việt đã được nhiều người biết đến.

Tốc độ phát triển du lịch rất cao

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 6,8 triệu lượt, gấp 27 lần so với năm 1990; lượng khách du lịch nội địa đạt 32 triệu lượt, so với năm 1990 tăng gấp 32 lần. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt 160.000 tỉ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 1990.

Hình ảnh du lịch Việt Nam đã được biết đến trên thị trường du lịch khu vực và thế giới. Theo TTXVN, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển du lịch cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo