xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM đang “biến dạng”

Minh Khanh

“Hố tử thần”, lún nứt nhà cửa… là những hiện tượng tai biến địa chất xảy ra ngày càng nhiều trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại TP HCM

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP HCM về hiện tượng sụt lún trên địa bàn cho thấy một số quận 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh; huyện Bình Chánh, Hóc Môn… đang bị lún mặt đất với tốc độ 5 mm/năm. Nghiêm trọng nhất là quận 6, có nơi lún đến 5 cm/năm.

Đất bị rút ruột

Kết quả đề án “TP HCM phát triển hướng ra biển thích ứng với biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” vừa được UBND TP thông qua cho thấy TP đang đứng trước nguy cơ ngập lụt và sụt lún đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trầm trọng hơn nếu TP không nhanh chóng có những giải pháp ngăn chặn.

Nguyên nhân của tình trạng sụt lún đất được các chuyên gia chỉ ra là do khai thác nước ngầm quá mức: hiện TP đang khai thác nước ngầm với lưu lượng 670.000 m3/ngày, mực nước hạ thấp đã tạo thành một phễu lan rộng. Bên cạnh đó, bê tông hóa vỉa hè ngày càng tăng đã hạn chế khả năng thấm hút nước, khiến mực nước ngầm trung bình giảm chỉ còn 2-3 m/năm. Do lượng nước ngầm giảm, tầng ngậm nước trở nên co lại, gây ra hiện tượng sụt lún đất.

Việc xây các tòa nhà cao tầng cũng gây ra hiện tượng sụt lún. Tình trạng sụt lún nghiêm trọng nhất xảy ra ở khu vực Nam và Tây Nam TP, mức độ sụt lún khoảng 4-5 mm/năm. Thậm chí, sau khi giảm sử dụng nước ngầm thì tác động của sụt lún vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, để giảm tình trạng sụt lún đất, cần giảm khai thác nước ngầm và có phương án phục hồi nguồn nước tự nhiên và nhân tạo. Theo quy hoạch cấp nước TP HCM đến năm 2025, đến năm 2015, khối lượng nước dưới đất cho phép khai thác là 440.000 m3/ngày, đến năm 2025 chỉ còn 100.000 m3/ngày.

Đường Hoàng Sa, quận 1, TP HCM bị nứt sau một tiếng nổ lớn vào ngày 16-6Ảnh: Thành Đồng
Đường Hoàng Sa, quận 1, TP HCM bị nứt sau một tiếng nổ lớn vào ngày 16-6Ảnh: Thành Đồng

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Liên đoàn 8 - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất vùng cấm khai thác nước dưới đất có diện tích 195 km2, phân bố tại các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Theo tính toán của Liên đoàn 8, đây là vùng có mực nước ngầm hạ thấp lớn, nguy cơ lún mặt đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, ở gần ranh mặn và có một bãi rác lớn. Nếu cấm khai thác, mực nước ngầm sẽ dâng lên trở lại góp phần giảm lún mặt đất, xâm nhập mặn và ô nhiễm.

Sụt lún cục bộ

TS Bùi Trọng Vinh, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng việc khoan giếng không đúng kỹ thuật và một số nguyên nhân khác đang khiến chất lượng nước ngầm suy giảm, tầng nước sâu từ 20-30 m đã nhiễm vi sinh, mangan và một số kim loại khác. Vì thế, việc hạn chế sử dụng nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước cấp từ nguồn nước mặt không chỉ hạn chế sụt lún nền đất mà còn bảo đảm vệ sinh nguồn nước cho người dân.

Để làm được điều đó, TP cần bảo đảm nguồn nước cấp từ các nhà máy đáp ứng nhu cầu của người dân về số lượng và chất lượng. Ngược lại, theo TS Vinh, việc xây dựng trên nền đất yếu không ảnh hưởng đến sụt lún. “Đất nền ở Singapore còn yếu hơn TP HCM nhưng mật độ xây dựng rất dày. Chỉ cần xử lý nền móng tốt là được vì công trình đè lên cọc móng chứ không đè lên nền đất. Một số hiện tượng sụt đất được phát hiện thời gian gần đây có nguyên nhân từ việc đường ống dẫn nước cũ vỡ khiến đất đá xung quanh bị rửa trôi hay quá trình thi công đào đường rồi lấp lại không chặt khiến nước thấm qua các khe, gây xói mòn và sụt đất… Đây là lỗi kỹ thuật chứ không phải chất tải công trình làm lún mặt đất” - TS Vinh nhận xét.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đặng Hữu Diệp, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, khẳng định nền đất ở TP HCM tốt, việc xây dựng công trình không gây ảnh hưởng đến sụt lún đô thị. “TP HCM chưa có hiện tượng sụt lún trên diện rộng mà chỉ là cục bộ (nhà nứt lún, công trình sập…) do vấn đề khảo sát địa chất bước đầu chưa kỹ hoặc cẩu thả trong quá trình thi công. Cần hiểu rằng địa chất ở mỗi khu vực khác nhau nên có thể kỹ thuật thi công cũng sẽ phải khác nhau, lỗi là ở khâu khảo sát ban đầu” - PGS-TS Diệp nhận định. 

Giảm dần sử dụng nước ngầm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ và địa phương liên quan lập đề án nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến vấn đề sụt lún nền đất. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu khu vực TP HCM, Hà Nội và ĐBSCL; đề xuất giải pháp khắc phục trước ngày 30-6-2015. Các địa phương căn cứ quy hoạch cấp nước, sử dụng nước để xây dựng lộ trình giảm dần sử dụng nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước mặt.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan về thực hiện đề án. Các chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún tại các địa phương như khai thác nước ngầm; cấu tạo địa chất thủy văn, địa chất công trình; ảnh hưởng của các công trình xây dựng…

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo